Nhà báo Triệu Ngọc Lâm –Tổng Biên tập báo Giáo dục & Thời đại:

Tôi thích làm việc với các cộng sự giỏi nghề hơn mình

Thứ bảy, 25/01/2020 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đó là chia sẻ của nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại trong dịp đầu năm Canh Tý. Quan điểm của ông về nghề rất thẳng thắn, thậm chí có những cách đi “lội ngược dòng” trong xu hướng hiện nay. Thế nhưng khách quan mà nói, nhiều góc nhìn rất thú vị và thực tế.

Quyền lớn nhất của Tổng Biên tập là quyền được... thay người

+ Báo Giáo dục & Thời đại (GD&TĐ) vừa bước sang tuổi 60 với truyền thống dạn dày của một  tờ báo chính thống của ngành GD&ĐT. Mới nhận nhiệm vụ “thủ lĩnh” được hơn 3 năm, vị trí Tổng Biên tập chắc hẳn sẽ nhiều áp lực với ông trên hành trình tiếp bước?

- Với tôi, 60 năm là một truyền thống, 60 năm cũng là một áp lực. Một trong những điều may mắn của tôi là kế thừa được rất nhiều, kể cả về kinh nghiệm và sự sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước của thế hệ đi trước. Truyền thống đối với tôi đó là một tài sản vô cùng đáng quý. Thế nhưng, tuyệt đối chưa bao giờ tôi coi đó là “cái bóng che mình” mà luôn cho rằng đó là gia tài tốt đẹp nhất, khỏe khoắn nhất, tươi trẻ nhất để tiếp tục đưa cơ quan tới một vận hội mới.

Tôi là Tổng biên tập thứ 10 của báo, bao nhiêu thế hệ đã xây dựng nên một cơ nghiệp như thế này mà tòa soạn không phát triển thêm được thì có phải mình có lỗi với thế hệ đi trước hay không? Mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ đều có thuận lợi cũng như khó khăn riêng và cũng có những sứ mệnh khác nhau. Dĩ nhiên, chúng tôi từng đắn đo nếu đi con đường mới thì sẽ đi như thế nào? Trước những thách thức và cơ hội, tôi và tòa soạn đã cố gắng tìm cho mình một lối đi để phát triển bền vững. Có một điều tôi muốn khẳng định, hơn ai hết các Tổng biên tập phải có tư duy kinh tế. Bởi vì trong điều kiện hiện nay, báo GD&TĐ giống như các cơ quan báo chí phải tự chủ về tài chính. Có rất nhiều cơ quan hiện nay đang nợ nhuận bút, nợ lương, nợ nhà in. Nhưng cơ quan tôi không có chuyện đó.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho học sinh miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho học sinh miền núi tỉnh Thanh Hóa.

+ Nhưng thưa ông, sản phẩm báo chí lại là những bài viết - một thứ hàng hóa đặc biệt, thế nên chuyện phát triển kinh tế hẳn là không dễ dàng?

- Tôi đồng ý là vấn đề chuyên môn rất quan trọng nhưng sẽ là không đủ đối với một người phải gánh trên vai trọng trách đứng đầu tòa soạn. Họ phải là một người có tính kế hoạch cao, tổ chức kinh doanh sản xuất tốt, luôn chấp pháp và hơn ai hết họ là một nhà báo. Tôi đã đi lên từ “binh nhì” và cũng đi qua gần như tất cả các vị trí trong tòa soạn nên phần nào tôi hiểu những chuyện ngóc ngách trong tòa soạn. Khi là Phó Tổng biên tập phụ trách tờ báo từ tháng 6 năm 2017 cho đến tháng 2 năm 2018 được bổ nhiệm Tổng Biên tập, tôi bắt đầu phải học thêm về quản lý tài chính, nhân sự, xây dựng kế hoạch và quan trọng nhất là biết đối ngoại. Về mặt chuyên môn, tôi rất thích làm việc cùng các cộng sự giỏi nghề hơn mình và khéo léo để họ thực hiện ý tưởng, định hướng của tôi theo đúng chức năng nhiệm vụ. Dù họ có giỏi cũng không để chệch được “đường ray” ấy được. Tòa soạn như một đội bóng, quyền lớn nhất của Tổng Biên tập mà pháp luật cho phép đó là quyền được... thay người.

+ Tôi thấy gần đây, báo GD&TĐ có nhiều sự kiện được đánh giá cao như tổ chức Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam; Sự kiện “Thay lời tri ân” tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu... Có vẻ như “đất diễn” của báo ngày một rộng lớn?

- Trong giai đoạn mà tôi làm Tổng Biên tập thì báo được lãnh đạo Bộ giao nhiều nhiệm vụ nặng nề và vinh quang. Giải báo chí vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam đến nay là năm thứ hai nhưng tôi đã thấy đây là một giải báo chí có sức sống, mang tính lan tỏa cao. Điều đáng quý nữa là tên của Giải Báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam cũng là do lãnh đạo báo xây dựng đề án và được Bộ phê duyệt. Giải đã phần nào có được lòng tin rất lớn và cũng bước đầu được gọi là một trong những giải báo chí của ngành có hiệu quả truyền thông và uy tín. Thứ hai nữa là Bộ giao cho báo làm chương trình “Thay lời tri ân” tôn vinh các tấm gương nhà giáo tiêu biểu trên cả nước và được phát sóng trên VTV1 vào dịp 20/11. Hai năm nay, các sự kiện này cũng đã có những thành công cụ thể, được ghi nhận và trông mong. Tôi tự tin rằng những năm sắp tới báo sẽ tổ chức thành công hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phấn đấu tờ báo của ngành giáo dục làm sao để mỗi giáo viên đều thấy mình ở trong đó.

Ai chẳng biết báo điện tử là hay nhưng hay để... chết thì hay làm gì?

+ Nghe nói, trong bối cảnh báo in đang giảm lượng phát hành trầm trọng thì lượng phát hành báo GD&TĐ lại ngày càng tăng?

- Tôi không có điều kiện để so sánh nhưng tôi dám nói rằng báo GD&TĐ là một trong số ít các tờ báo mà tăng trưởng phát hành về báo in. Trong xu thế báo điện tử đang “bóp chết” báo in thì chúng tôi lại cho rằng việc bán báo in là việc sống còn của cơ quan báo mình. Trong vòng 2 năm qua, chúng tôi tăng trưởng gần gấp đôi, khoảng 180% lượng phát hành. Nhiều tỉnh trên cả nước có hầu hết các trường đều mua báo của chúng tôi. Tôi cho rằng, nếu làm báo mà không bán được báo thì dựa vào đâu để đo về uy tín và sự phát triển? Dựa vào đâu để vỗ ngực rằng mình hay, mình giỏi. Làm báo hay hay dở không phải là tự mình túm tóc nhấc mình lên, không phải là chúng ta ngồi tự khen nhau. Nó thể hiện là uy tín của tờ báo đối với xã hội như thế nào? Lượt truy cập ra sao? Phát hành như thế nào? Tất nhiên là cũng không phải đánh đổi tất cả để có được lượng truy cập và lượng phát hành cao...

+ Tập trung phát triển báo in có vẻ như báo GD&TĐ đang đi ngược với xu hướng... tích hợp đa phương tiện của các tòa soạn hiện nay?

- Nhiều tờ báo cho rằng xu thế báo điện tử và truyền thông đa phương tiện là phương án tất yếu, điều ấy đúng. Thế nhưng ai cũng tất yếu cả là không được. Nếu như báo GD&TĐ cứ xông vào làm báo điện tử thì đọ thế nào được với Dân Trí, VietNamNet, Tiền Phong, Tuổi Trẻ... Ai chẳng biết báo điện tử là hay nhưng hay để... chết thì hay làm gì? Thế nên, chúng tôi chọn một con đường thích hợp với mình và dành thời gian tập trung vào nhiệm vụ khác. Đó là tổ chức lại toàn bộ định hướng kinh doanh, tổ chức lại các phòng ban, tổ chức lại nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, mở công ty truyền thông. Với công ty truyền thông, ngoài nhiệm vụ tổ chức các sự kiện, quảng cáo, báo tập trung xây dựng sản phẩm như phần mềm tích hợp điểm danh học sinh, sổ liên lạc điện tử, điểm điện tử, thẻ bảo hiểm xã hội, sau này tiến tới là tích hợp cả mã số ngân hàng, nhóm máu, thẻ tín dụng… Chúng tôi có một mảnh ruộng hết sức phì nhiêu và màu mỡ đó là ngành giáo dục. Có hơn 24 triệu khách hàng tiềm năng là học sinh, khoảng 1,6 triệu giáo viên và hơn 60 nghìn trường...Thế nên tờ báo chỉ mong muốn làm và phát triển trong lĩnh vực giáo dục cũng đã là đáng quý và thành công rồi. Quan điểm của tôi rất rõ ràng, tập trung vào những sở trường của mình chứ không chạy theo xu hướng phong trào.

+ Tôi còn thấy, ông đi nhiều tỉnh thành để trò chuyện, tập huấn về truyền thông cho các giáo viên nhà trường. Có vẻ chiến lược phát triển “sở trường” quả thực rất hiệu quả?

- Tôi vẫn làm báo cáo viên cho các Sở, nói chuyện với Hiệu trưởng, Hiệu phó, giáo viên các trường về kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông. Mỗi lần khoảng hơn 1.000 người, thời gian 4 đến 5 tiếng. Đó cũng là một cách tạo dựng mối quan hệ và đóng vai trò đại sứ thương hiệu cho tờ báo của mình. Từ đó việc bán báo cũng rất hiệu quả. Tôi cứ đi huyện nào, tỉnh nào, ở đó có bao nhiêu trường thì bấy nhiêu trường mua báo cả năm. Nói riêng về khu vực Thái Bình chẳng hạn, khoảng 95% các trường đều mua báo của chúng tôi, doanh thu tại đây một năm khoảng hơn 4 tỷ.

Với phóng viên của mình, tôi cũng định hướng như vậy. Mỗi phóng viên cũng là sứ giả kinh tế, sứ giả thương hiệu, sứ giả truyền thông. Và một khi họ đã là đại sứ cho tờ báo thì không chỉ viết báo giỏi mà còn phải xây dựng được kỹ năng ngoại giao, quan hệ. Một năm ít nhất là cơ quan tôi tổ chức 6 đến 8 cuộc tập huấn cho phóng viên. Tôi cùng với Phó Tổng biên tập và các Trưởng phòng làm báo cáo viên, tranh luận, nói chuyện với nhau với tư cách là đồng nghiệp, thậm chí cãi nhau như... mổ bò. Chúng tôi vui về điều ấy.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà Vân (Thực hiện)

Tin khác

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

Trường Sa: Chuyến tác nghiệp hạnh phúc!

(CLO) Tham gia Đoàn công tác số 6/2024 thăm quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-I, các phóng viên báo chí đã có một tuần trải nghiệm, tác nghiệp vất vả nhưng hạnh phúc giữa trùng khơi sóng vỗ...

Nghề báo
Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

Hơn 250 phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại Lễ hội Đền Hùng 2024

(CLO) Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ, Sở này đã đón tiếp, cấp thẻ, hỗ trợ tác nghiệp cho 251 phóng viên thuộc 66 cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương trong dịp Lễ hội Đền Hùng năm 2024.

Nghề báo
Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

Khí phách 75 năm và lời hiệu triệu cho thế hệ làm báo thời đại mới

(NB&CL) Có một “điểm chạm” trong cảm xúc “về nguồn” của những người làm báo khi nhắc nhớ về một ngôi trường đặc biệt – Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Đó là cảm xúc tự hào về một “mốc son lịch sử” gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người thầy đầu tiên của báo chí cách mạng… Dù thời gian có xa xanh thì khí phách của một thời đẹp đẽ ấy sẽ mãi là những giá trị trường tồn, tiếp lửa cho thế hệ hôm nay.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

Hội Nhà báo Việt Nam bứt tốc trên hành trình phát triển

(NB&CL) Thành công của năm 2023 tiếp tục tạo đà cho Hội Nhà báo Việt Nam trong năm 2024 bứt tốc hơn nữa với nhiều nhiệm vụ mới. Đặc biệt, 2024 là năm thứ 3 các tổ chức Hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và Chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025...

Nghề báo
Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024: Lan tỏa và truyền cảm hứng về tình yêu sách

(CLO) Tối 17/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024.

Nghề báo