Tin tức

Tổng Bí thư Tô Lâm: Cải cách pháp luật phải đổi mới tư duy, tạo cơ chế thông thoáng thu hút người tài nhập quốc tịch Việt Nam

Duy Khánh 17/05/2025 18:44

(CLO) Chiều 17/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Nhiều ý kiến tập trung phân tích các quy định mới liên quan đến điều kiện nhập, trở lại quốc tịch Việt Nam và những tác động tới quản lý nhà nước, an ninh quốc gia.

Phát biểu thảo luận, Tổng Bí thư, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Tô Lâm khẳng định, chủ trương khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài yêu nước, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học quốc tế nhập quốc tịch Việt Nam là cần thiết, nhằm tăng cường niềm tự hào dân tộc, thúc đẩy tinh thần đoàn kết quốc tế và đóng góp cho phát triển đất nước.

tbttolamphatbieutaito.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu tại tổ chiều 17/5/2025. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư nêu rõ, Dự thảo Luật cần bám sát tinh thần cải cách theo định hướng Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tạo lập hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch. Đây là nền tảng để kiến tạo môi trường ổn định cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, yêu cầu cải cách hiện nay đặt ra bốn phương diện trọng yếu. Trước hết là đổi mới tư duy pháp luật, chuyển từ tư duy quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động, lấy phát triển làm trung tâm. Nếu không thay đổi tư duy này, sẽ rất khó đạt được sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Thứ hai, xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, đảm bảo tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và phục vụ hiệu quả yêu cầu phát triển nhanh. Thứ ba, việc tổ chức thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp. Thứ tư, cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế xin-cho, triệt tiêu lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.

Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đồng tình với việc dự thảo luật tập trung điều chỉnh hai nhóm chính sách lớn: nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch và trở lại quốc tịch Việt Nam. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người có nguồn gốc Việt Nam (có cha mẹ, ông bà là công dân Việt Nam), các nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam, có mong muốn gắn bó lâu dài với đất nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh thể chế về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhu cầu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn. Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh đang cần nhân lực có trình độ, đặc biệt là người Việt ở nước ngoài có mong muốn trở về cống hiến. Việc nới lỏng điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam là bước đi hợp lý để thu hút lực lượng này.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số đại biểu bày tỏ lo ngại về những tác động đối với công tác quản lý nhà nước. Đại biểu Trần Quốc Tỏ (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, một số nội dung của dự thảo luật có thể gây khó khăn cho quản lý xuất nhập cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm, nhất là trong các trường hợp trục xuất hoặc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, thuế, ngân hàng.

Đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ và bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, đặc biệt là những tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân. Cần tính đến nguy cơ xung đột pháp lý và có quy định cụ thể về xử lý vi phạm với công dân Việt Nam đồng thời mang quốc tịch nước ngoài. Ông nhấn mạnh yêu cầu ngăn ngừa hành vi lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam để trục lợi về tài sản, quyền lợi, hoặc trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm tại Việt Nam và nước sở tại.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch Việt Nam lần này được đánh giá là cần thiết, góp phần hoàn thiện thể chế phù hợp với bối cảnh hội nhập sâu rộng, đồng thời bảo đảm chặt chẽ trong công tác quản lý công dân và giữ vững an ninh quốc gia.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng Bí thư Tô Lâm: Cải cách pháp luật phải đổi mới tư duy, tạo cơ chế thông thoáng thu hút người tài nhập quốc tịch Việt Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO