Thị trường - Doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: Kỳ vọng Nghị quyết 68 - NQ/TW sẽ tháo gỡ loạt khó khăn của doanh nghiệp

Việt Vũ (Thực hiện) 15/05/2025 09:00

(NB&CL) Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 kỳ vọng Nghị quyết 68-NQ/TW được thực thi nhanh, triển khai nhanh chóng rộng rãi, thực tế, bám sát thực tiễn với các hoạt động của doanh nghiệp.

+ Thưa ông, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) vừa được Bộ Chính trị ban hành đã nhận được sự đồng tình lớn từ cộng đồng doanh nghiệp. Với vai trò là lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về Nghị quyết này?

- Tôi cho rằng Nghị quyết 68 là một trong những văn bản thể hiện rất rõ tinh thần cải cách của Bộ Chính trị, đặc biệt là trong việc khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, một trụ cột quan trọng nhất của nền kinh tế. Văn bản cũng đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, điều mà cộng đồng doanh nghiệp đã chờ đợi từ lâu.

Do đó, chúng tôi mong muốn Nghị quyết 68 sẽ sớm được thực thi nhanh. Từ trước đến nay, con đường từ chính sách đến thực tiễn khá dài, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, tôi kỳ vọng Nghị quyết 68 sẽ được triển khai nhanh chóng rộng rãi, thực tế, bám sát thực tiễn với các hoạt động của doanh nghiệp.

z6594428153284_910ac21d18b439294e2148180336a990.jpg
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10. Ảnh: Việt Vũ

+ Trong bối cảnh hiện tại, đặc biệt với những doanh nghiệp xuất khẩu như May 10, đâu là những rào cản lớn nhất mà Nghị quyết 68 cần tháo gỡ ngay, thưa ông?

- Chúng tôi hiện có hơn 80% doanh thu đến từ xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 50%. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, mức thuế nhập khẩu của Mỹ với hàng hóa từ Việt Nam đang tăng cao, gây áp lực lớn cho doanh nghiệp.

Bản thân chúng tôi đang gặp một số vướng mắc rất cụ thể và rất hy vọng Nghị quyết 68 có thể giúp giải quyết sớm.

Thứ nhất là chính sách thuế và hoàn thuế. Một số doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho May 10 hiện đã bỏ trốn. Dù chúng tôi mua hàng và có hóa đơn hợp lệ từ trước thời điểm họ bỏ trốn, cơ quan thuế hiện vẫn không hoàn thuế giá trị gia tăng.

Mặc dù cơ quan thuế đã rất tạo điều kiện giúp đỡ, nhưng đối chiếu với văn bản liên quan đến chính sách thuế hay luật quản lý thuế, lại không có sự tương đồng, dẫn đến là doanh nghiệp của chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc trình bày, giải trình. Thậm chí, doanh nghiệp còn có nguy cơ bị hình sự hóa nhưng lỗi lại không hoàn toàn ở doanh nghiệp.

Thứ hai liên quan tới chính sách thuế và hải quan. Trước đây, May 10 thực hiện chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ và được miễn thuế VAT, việc miễn thuế diễn ra trong hơn 20 năm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, sau khi rà soát các văn bản liên quan đến chính sách ưu đãi thuế VAT đối với nguyên phụ liệu mua trong nước sau đó tái xuất, May 10 không được miễn loại thuế này nữa.

Trước thực trạng này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có những văn bản kiến nghị khá cụ thể, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có quyết định gỡ khó cho doanh nghiệp.

Thứ ba, thủ tục đầu tư chồng chéo. Với 18 nhà máy tại 8 tỉnh thành, mỗi lần mở rộng hay đầu tư thêm, chúng tôi đều phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư – một thủ tục rất mất thời gian.

Sau đó lại phải tiếp tục xin các giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, đánh giá môi trường… gây chồng chéo, kéo dài tiến độ. Do đó, tôi đề nghị bỏ quy định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, có sự nghịch lý trong thủ tục nghiệm thu môi trường. Để có biên bản nghiệm thu, phải có xác nhận kết quả môi trường. Nhưng để có kết quả đó, doanh nghiệp phải vận hành 3 tháng, để các công ty môi trường quan trắc xem doanh nghiệp có đạt kết quả về nước thải, không khí hay không.

Tức là muốn nghiệm thu thì phải đi vào hoạt động, mà muốn hoạt động thì lại phải có nghiệm thu. Vòng lặp này khiến doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu.

Đây chỉ là những điểm chồng chéo rất nhỏ trong rất nhiều điểm chồng chéo khác. Vì vậy, tôi thấy nếu thực hiện được mục tiêu mà Nghị quyết 68 đề ra là cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính là một điều tuyệt vời, thể hiện sự trao quyền tự chủ, trao quyền sở hữu hợp pháp và quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp.

+ Vậy theo ông, đâu là giải pháp để đẩy nhanh hiệu quả thực thi của Nghị quyết 68?

- Tôi cho rằng cần có một bộ phận chuyên trách, đủ thẩm quyền, có trách nhiệm giám sát và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chúng ta từng có Ban chỉ đạo phòng chống COVID, có Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, thì giờ đây hoàn toàn có thể thành lập một tổ công tác hoặc ban chuyên trách tương tự, trực thuộc Chính phủ hoặc các bộ ngành, để lắng nghe thường xuyên ý kiến của doanh nghiệp.

+ Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10: Kỳ vọng Nghị quyết 68 - NQ/TW sẽ tháo gỡ loạt khó khăn của doanh nghiệp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO