Tổng thống Biden ủng hộ Liên minh châu Phi gia nhập G20
(CLO) Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ủng hộ việc kết nạp Liên minh châu Phi vào nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 với tư cách là thành viên thường trực, theo một quan chức Nhà Trắng cho biết.
Cố vấn Nhà Trắng Judd Devermont cho biết ông Biden sẽ đưa ra thông báo trong Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Phi ở Washington vào tuần tới, nơi Biden sẽ gặp Tổng thống các nước châu Phi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Bài liên quan
Hai ông Biden và Macron muốn đối thoại với ông Putin để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine
Ông Biden kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80, nhưng không ăn mừng
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden hội đàm thượng đỉnh
COP27: Ông Biden kêu gọi thế giới 'đẩy mạnh' cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
“Chúng ta cần nhiều tiếng nói hơn của người châu Phi trong các cuộc đối thoại quốc tế liên quan đến nền kinh tế, dân chủ và quản trị toàn cầu, cũng như trong các vấn đề biến đổi khí hậu, sức khỏe và an ninh”, ông Devermont cho hay.
Ông cho biết động thái này được đưa ra sau khi có yêu cầu từ Chủ tịch Liên minh châu Phi kiêm Tổng thống Senegal Macky Sall và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa.
Nam Phi là thành viên G20 duy nhất đến từ châu Phi. Liên minh châu Phi được tạo thành từ 55 quốc gia thành viên.
“Đã đến lúc châu Phi có ghế cố định tại các tổ chức và sáng kiến quốc tế", ông Devermont nói, đồng thời cho biết thêm rằng động thái này được xây dựng dựa trên chiến lược của Mỹ đối với châu Phi cận Sahara.
Mỹ đã công bố một tài liệu chiến lược mới cho châu Phi cận Sahara vào tháng 8, nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực này, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước châu Phi.
Vào tháng 11, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Mỹ sẽ phải làm rất nhiều điều để giúp châu Phi đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng và đã đến lúc ngừng coi lục địa này là một chủ đề địa chính trị.
Châu Phi cần hàng tỷ USD mỗi năm để phát triển đường xá, đường sắt, đập và năng lượng và trong thập kỷ qua đã nhận được những khoản tiền khổng lồ từ Trung Quốc, quốc gia thường ít ràng buộc tiền với các điều kiện liên quan đến chính trị hoặc quyền lợi.
Hoàng Nam (theo Reuters)