Toyota công bố nhà máy Lexus EV tại Thượng Hải: Bước tiến mới trong ngành xe điện
(CLO) Toyota vừa thông báo sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất xe điện (EV) tại Thượng Hải, Trung Quốc, nhằm phát triển mẫu xe điện hoàn toàn mới dưới thương hiệu Lexus.
Theo tuyên bố của Toyota, nhà máy này sẽ do một công ty con 100% vốn sở hữu của hãng điều hành, đặt tại quận Kim Sơn (Jinshan), phía tây nam Thượng Hải. Cơ sở này sẽ tập trung phát triển dòng xe điện chạy pin (BEV) dưới thương hiệu Lexus, bắt đầu sản xuất từ năm 2027. Công suất sản xuất ban đầu dự kiến đạt khoảng 100.000 xe mỗi năm và tạo ra khoảng 1.000 việc làm.

Akio Toyoda, Chủ tịch Toyota Motor Corporation, phát biểu tại Triển lãm CES quốc tế 2025, tại Las Vegas, Nevada. Ảnh: James Atoa
Chính quyền quận Kim Sơn cũng bày tỏ sự hoan nghênh đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và các tập đoàn toàn cầu khác, nhấn mạnh vai trò của khu vực này như một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và ô tô.
Trung Quốc hiện là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, thu hút sự tham gia của hàng loạt nhà sản xuất toàn cầu. Tesla hiện có hai nhà máy tại Thượng Hải, trong khi Volkswagen đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với hãng sản xuất xe điện XPENG của Trung Quốc vào tháng 1 năm nay.
Tuy nhiên, bối cảnh thị trường cũng đang đối mặt với những thách thức từ chính sách thương mại quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định áp mức thuế lên tới 38,1% đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc không tham gia cuộc điều tra về ngành công nghiệp xe điện, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 vừa qua.
Các nhà sản xuất có tham gia điều tra nhưng không nằm trong nhóm được lấy mẫu sẽ chịu mức thuế thấp hơn, khoảng 21%. EU cho rằng các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng xe điện xuất khẩu với giá thấp một cách không tự nhiên, gây áp lực cạnh tranh lên các hãng xe châu Âu.
Bên cạnh kế hoạch xây dựng nhà máy mới, Toyota cũng thông báo dự định ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện về trung hòa carbon với thành phố Thượng Hải. Thỏa thuận này nhằm hỗ trợ mục tiêu đạt trung hòa carbon vào năm 2060 của chính phủ Trung Quốc, với các lĩnh vực trọng tâm bao gồm năng lượng hydro, công nghệ lái xe tự động, tái chế và tái sử dụng pin.
Việt Hà (Theo UPI)