(NB&CL) - TP. Cần Thơ đang tích cực thực hiện Qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế đến năm 2020 với 13 đề án. NB &CL đã có cuộc phỏng vấn bà Bùi Thị Lệ Phi - Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ - xung quanh việc thực hiện đề án này.
Giám đốc Sở Y tế TP. Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi
+ Ngành y tế là một trong những lĩnh vực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của đất nước nói chung và Tp. Cần Thơ nói riêng. Vậy, TP. Cần Thơ đã thực hiện những chương trình, mục tiêu quốc gia nào để ngành y tế ngày càng hoàn thiện hơn, thưa bà?
- Bà Bùi Thị Lệ Phi: Năm 2010, UBND TP ban hành Quyết định số 1710/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2010 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế TP. Cần Thơ đến năm 2020. Căn cứ quyết định này, Sở Y tế đã từng bước xây dựng 6 chương trình gồm 13 đề án về lĩnh vực phát triển y tế và từng bước đã thực hiện đạt hiệu quả cao trong những năm từ 2010 đến nay. Với 6 Chương trình và 13 đề án đã được phê duyệt, trong những năm qua cùng với sự phát triển của thành phố, sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình trạng sức khỏe người dân đã có những cải thiện rõ rệt, thể hiện ở một số chỉ số sức khỏe cơ bản như tuổi thọ trung bình, suy dinh dưỡng, Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân (năm 2010 là 25,28, năm 2011 là 26,35, năm 2012 là 28,30, năm 2013 là 29,64); Tỷ lệ bác sỹ trên 10.000 dân trên địa bàn (năm 2010 là 8,87, năm 2011 là 9,67, năm 2012 là 10,15, năm 2013 là 10,55); tỷ lệ dược sĩ đại học/10.000 dân: 0,78 do Sở Y tế quản lý (trên địa bàn 1,46).
Các chỉ tiêu y tế được giao từ năm 2010 đến năm 2013 đều đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu đề ra.
+ Riêng với các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế, Cần Thơ đã làm được gì, thưa bà?
- Bà Bùi Thị Lệ Phi: Trong những năm qua, đối với TP. Cần Thơ, các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) về y tế với các dự án như: phòng chống bệnh phong, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tăng huyết áp, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em,…đã kịp thời phòng chống, đẩy lùi được một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên toàn thành phố.
Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia y tế đã triển khai có hiệu quả, điển hình là bệnh sốt rét hiện nay đã bị đẩy lùi, các bệnh truyền nhiễm có vaccin như bạch hầu, uốn ván, bại liệt, ho gà trong toàn thành phố đã không còn xuất hiện.
Cùng với các bệnh truyền nhiễm đã bị đẩy lùi, các bệnh không truyền nhiễm như đái tháo đường, ung thư, tâm thần cũng đã được ngành y tế tăng cường sàng lọc tại cộng đồng.
Từ CTMTQG, ngành cũng đã thường xuyên đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ y tế từ tuyến thành phố đến xã phường nắm vững các nội dung, kỹ năng cơ bản về kiến thức quản lý các CTMTQG. CTMTQG cũng đã hỗ trợ cho thành phố rất nhiều trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, góp phần nâng cao công tác khám, chẩn đoán và điều trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bệnh nhân.
Có thể nói kết quả của các Dự án Y tế thuộc CTMTQG, công tác chỉ đạo, phân cấp quản lý, tổ chức các hoạt động của các chương trình ngành ngày càng được rút kinh nghiệm, củng cố và hoàn thiện. Việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình, Ban quản lý dự án, đều được thực hiện nghiêm túc, khoa học và tuân thủ theo đúng các quy định quản lý CTMTQG do Bộ Y tế ban hành. Mặc dù có nhiều thành tựu nhưng trên thực tế các CTMT y tế quốc gia vẫn đang gặp những khó khăn đặc thù như: sự mặc cảm của bệnh nhân và gia đình người bệnh cũng đang tác động đến nỗ lực của các chương trình trong công tác điều trị. Cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế thiếu thốn, nhân lực còn hạn chế đặc biệt là tuyến huyện, hệ thống y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao,... Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các CTMTQG Y tế, ngành y tế đã xác định tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống phân cấp quản lý, phối hợp, lồng ghép các chương trình từ thành phố đến cơ sở; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tăng cường theo dõi, giám sát và củng cố hệ thống của ngành. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo cán bộ chương trình; củng cố đội ngũ cán bộ có chuyên môn, cán bộ chuyên trách của các chương trình,... từ đó góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
+ Xin bà cho biết thêm về những hướng đi trong tương lai sắp tới của ngành y tế TP. Cần Thơ?
Bà Bùi Thị Lệ Phi: Với mục tiêu “Giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng nguồn nhân lực, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở và thói quen giữ gìn sức khỏe của nhân dân, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” như Nghị quyết 46/NQ-CP đã đề ra, ngành y tế phấn đấu hoàn thành đạt được các chỉ tiêu sức khỏe đã đặt ra với những nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống chế dịch bệnh, có kế hoạch và ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh; hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,5%, hạn chế các bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường, tâm thần…; Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các mục tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, phấn đấu để mọi người được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản. Tăng cường chỉ đạo làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, dân số, đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ < 5 tuổi giảm xuống còn < 11,4% vào năm 2014; mức giảm tỷ suất sinh: 0,01‰, Tốc độ tăng dân số tự nhiên: 10,00‰; Triển khai thực hiện Quy hoạch mạng lưới y tế TP. Cần Thơ đến năm 2020, đề án phát triển mạng lưới y tế tuyến quận, huyện. Tiếp tục hoàn thiện thủ tục và đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình y tế trên địa bàn thành phố. Phấn đấu năm 2014 có 100% trạm y tế xã, phường đạt Bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011 – 2020; Hạn chế các yếu tố nguy cơ liên quan bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích; tăng cường công tác y tế trường học; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào vệ sinh nông thôn với 3 công trình: nước sạch, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh, tiến tới xóa bỏ những tác hại đối với sức khỏe nhân dân do tập quán, lối sống không lành mạnh, không hợp vệ sinh hoặc môi trường ô nhiễm; Tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế; quản lý và kiểm tra chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước kiện toàn và đẩy mạnh công tác thanh tra y tế, nâng cao hiệu lực hoạt động thanh tra để thực hiện tốt quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Ngoài ra, chúng tôi đang từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân nhằm mục tiêu đáp ứng sự hài lòng của người bệnh: đầu tư nâng cấp hệ thống khám chữa bệnh ở cả 3 tuyến; luân chuyển cán bộ từ thành phố xuống tuyến huyện, xã phường nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở và chuyển giao các kỹ thuật cơ bản của tuyến huyện. Triển khai các kỹ thuật cao bằng nguồn vận động xã hội hóa. Phấn đấu năm 2014 đạt 31,68 giường bệnh/10.000 dân; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%. Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị bệnh. Ứng dụng tiến bộ khoa học về lĩnh vực chẩn đoán và điều trị; Phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và phong trào sáng kiến, sáng chế.
Chúng tôi cũng tăng cường phát triển nguồn nhân lực: tăng nhanh về số lượng và chất lượng đội ngũ y - bác sĩ và kỹ thuật y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong vùng; phấn đấu đến cuối năm 2015 tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 11,2. Đồng thời sắp xếp lại mạng lưới, đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; chú trọng đào tạo cán bộ quản lý y tế, nhất là cán bộ quản lý bệnh viện. Coi trọng việc đào tạo, sử dụng và đãi ngộ nhân tài về y tế. Mở rộng việc đưa cán bộ có trình độ cao đi đào tạo ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí nhà nước theo các chuyên ngành đang có nhu cầu. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ; khuyến khích thầy thuốc về công tác ở các quận huyện, vùng có nhiều khó khăn, hệ y tế dự phòng,….
+ Xin cảm ơn bà!