TP. HCM đề xuất hàng ngàn tỉ đồng ngân sách để phục hồi - phát triển
(CLO) UBND TP. HCM có 35 tờ trình với những đề xuất điều chỉnh tăng vốn cho những dự án dang dở cũng như cấp duyệt hàng ngàn tỉ đồng đối với dự án mới nhằm mục đích tạo đà cho thành phố phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.
Tại kỳ họp thứ 6 của HĐND TP. HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại diện UBND TP. HCM - Phó Chủ tịch Phan Thị Thắng đã báo cáo 35 tờ trình.
Trong đó, có 16 tờ trình mang nội dung về điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhiều công trình hạ tầng giao thông, đô thị quan trọng. Đây là những công trình đã được thông qua chủ trương triển khai giai đoạn 2016-2020 nhưng đến nay chưa hoàn thành mà nguyên nhân chính liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

TP. HCM cần khơi thông những 'điểm nghẽn' để phát triển. Ảnh: Thái Sơn
Bài liên quan
Kỳ họp thứ sáu HĐND TP. HCM: Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về đầu tư công
Vì sao TP. HCM thuộc nhóm giải ngân vốn đầu tư công chậm?
Bí thư TP. HCM: Cần khắc phục tình trạng 'hứa mà không làm hoặc làm không đúng lời hứa'
Vì sao TP. HCM vẫn không thể di dời 20.000 hộ dân trên kênh, rạch?
Cụ thể, tổng vốn điều chỉnh của 16 dự án tăng hơn 6.000 tỉ đồng so với kế hoạch ban đầu. Điển hình, công trình có tỉ lệ tăng vốn nhiều nhất là cải tạo kênh Hàng Bàng, đoạn từ đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng, quận 5, từ 188 tỉ đồng lên 779 tỉ đồng; 2 công trình khác cũng tăng gấp đôi tổng vốn là hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh (từ 400 tỉ đồng lên gần 800 tỉ đồng) và nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến công viên Văn Hóa (từ 667 tỉ đồng lên 1.640 tỉ đồng).
UBND TP. HCM cũng xin ý kiến HĐND thành phố đối với hồ sơ 2 dự án cải thiện hệ thống thoát nước và thích ứng biến đổi khí hậu trước khi thực hiện thủ tục tiếp theo là trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bao gồm, dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn có tổng mức đầu tư hơn 8.120 tỉ đồng; dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương - Bến Cát có tổng mức đầu tư 8.168 tỉ đồng.
Về chương trình phát triển nhà ở TP. HCM giai đoạn 2021-2030 cùng được xem là quan trọng cần xin ý kiến của HĐND. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, TP. sẽ phấn đấu phát triển diện tích nhà ở bình quân của toàn thành phố đạt 23,5 m2/người. Tổng diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2021-2025 đạt 50 triệu m2 sàn, tương đương khoảng 367.000 căn nhà. Giai đoạn 2026-2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân mà TP. HCM hướng tới là 26,5 triệu m2 sàn.
Ở giai đoạn 2021-2025, TP. HCM sẽ chủ trương phát triển nhà ở tại những khu vực dọc theo các điểm kết nối tuyến giao thông công cộng trọng điểm, các tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; Metro số 3a Bến Thành - Tân Kiên. TP. HCM cũng sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch để tạo lập, xác định rõ quỹ đất phát triển dự án nhà ở tại các quận nội thành.
Cũng tại kỳ họp này, UBND TP. HCM kiến nghị HĐND thành phố bổ sung hơn 8.500 tỉ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2022. Trước đó, tại kỳ họp cuối năm 2021, HĐND TP. HCM đã giao kế hoạch đầu tư công năm nay cho thành phố là 42.508 tỉ đồng.
Theo UBND TP. HCM, trong quá trình triển khai Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. đã cho thấy một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số nội dung triển khai còn chậm so với dự kiến. Vì thế, TP. HCM kiến nghị nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 nhằm tạo điều kiện khơi thông nguồn lực phát triển TP. HCM trong giai đoạn tới. |