TP. HCM không còn quận, huyện thuộc vùng cam

22/11/2021 17:59

(CLO) Ngày 22/11, UBND TP. HCM có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, có 11 quận, huyện đạt trạng thái bình thường mới, số địa bàn còn lại ở cấp 2 và không có địa phương nào ở cấp 3.

Chiều 22/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. HCM tổ chức họp báo thông tin tuyên truyền những thông tin liên quan đến dịch bệnh trên địa bàn TP. 

Gần 60 trường hợp tử vong trong ngày

Đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP. HCM cho biết, tính đến 18 giờ ngày 21/11, có 456.956 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP. HCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 456.413 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 543 trường hợp nhập cảnh.

tp hcm khong con quan huyen thuoc vung cam hinh 1

Hiện đang điều trị 13.721 bệnh nhân, trong đó: có 574 trẻ em dưới 16 tuổi, 327 bệnh nhân nặng đang thở máy, 09 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong ngày 21/11, có 1.223 bệnh nhân nhập viện, 749 bệnh nhân xuất viện, 59 trường hợp tử vong trong ngày nâng tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 17.511.

Tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm đến ngày 21/11/2021: tổng số mũi 1 là 7.880.610, mũi 2 là 6.061.175

Tính đến hết ngày 18/11, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine là 99,92% (đạt 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều là 97,23% (đạt 80%).

Hiện, TP đã chuẩn bị kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu ICU tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong tình hình dịch ở cấp độ 4.

Ngoài ra, toàn địa bàn cũng xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm trong cộng đồng.

TP. HCM vẫn đang ở cấp độ dịch là cấp 2

Ngày 22/11, UBND TP. HCM có thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn.

tp hcm khong con quan huyen thuoc vung cam hinh 2

TP. HCM đang ở cấp độ 2. Tại 22 địa phương cấp quận/huyện, 11 đơn vị đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - bình thường mới), 11 địa phương đạt cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình) và không có địa phương ở cấp độ 3.

11 địa phương có dịch ở cấp độ 1 là 1, 4, 6, 7, 8, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Chánh, Củ Chi; 11 địa phương cấp 2 là 3, 5, 10, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè.

Theo thống kê, có 2 địa phương tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 5 và Phú Nhuận (cấp 1 lên cấp 2); 4 địa bàn giảm cấp độ dịch là quận 11, Bình Thạnh, huyện Củ Chi (từ cấp độ 2 xuống cấp 1) và huyện Cần Giờ (từ cấp 3 xuống cấp 2).

Đối với 312 phường, xã, thị trấn có 150 đơn vị đạt cấp 1, 157 nơi đạt cấp 2 và chỉ có 5 đơn vị cấp 3. Không có địa bàn thuộc cấp độ 4.

Kiến nghị rút ngắn thời gian thực hành khám chữa bệnh

UBND TP. HCM vừa có công văn khẩn, kiến nghị Bộ Y tế xem xét, chấp thuận cho phép thành phố được thí điểm tổ chức thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức, các quận, huyện và Trạm Y tế phường, xã, thị trấn với thời gian 12 tháng và 6 tháng thực hành tại các bệnh viện (thay vì thực hành 18 tháng tại bệnh viện theo quy định hiện hành).

Đối tượng là bác sĩ đa khoa để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đa khoa; bác sĩ y học dự phòng để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn "Phát hiện và xử trí các bệnh thông thường; xử trí ban đầu một số trường hợp cấp cứu tại cộng đồng" theo quy định tại Thông tư liên tịch 10/2015.

Việc này để triển khai thực hiện Nghị quyết 128 ngày 11-10-2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" có hiệu quả.

Theo UBND TP. HCM, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, việc tổ chức thực hành khám bệnh, chữa bệnh để cấp chứng chỉ hành nghề được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế phải trải qua thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, thời gian thực hành tương ứng 18 tháng tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh có giường bệnh đối với bác sĩ; 9 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với điều dưỡng viên, kỹ thuật viên, hộ sinh viên.

Hiện nay, ngoài 4 Trung tâm Y tế có giường bệnh (do sát nhập bệnh viện quận, huyện), có 18 Trung tâm Y tế và 310 Trạm Y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh nhưng không có giường bệnh nên việc xác nhận thời gian thực hành cho bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Theo đó, phải ký hợp đồng với cơ sở khám bệnh chữa bệnh có giường bệnh để tổ chức đào tạo thực hành, đồng thời chi trả chi phí đào tạo theo quy định cho cơ sở tổ chức đào tạo thực hành (trung bình khoảng 1- 2 triệu đồng/tháng).

Từ đó, việc thu hút bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y về công tác tại các Trung tâm Y tế và Trạm Y tế trong thời gian qua gặp khó khăn, đặc biệt khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại thành phố.

Theo UBND TP. HCM, việc cho phép thí điểm như trên sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn phải tiếp tục củng cố, phục hồi hệ thống y tế cơ sở góp phần giải quyết nhu cầu về nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ, điều dưỡng tại tuyến quận, huyện, phường, xã, thị trấn, việc phân bổ bác sĩ, điều dưỡng mới tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo y khoa tham gia thực hành khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở trước khi thực hiện phân công nhiệm sở nhằm kết hợp vừa đảm bảo nguồn nhân lực, vừa được bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        TP. HCM không còn quận, huyện thuộc vùng cam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO