TP HCM: Những dự án chiến lược thay đổi diện mạo Cần Giờ, mở lối vào kỷ nguyên phát triển mới
(CLO) Cần Giờ được định vị là một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của TP HCM. Do đó, nơi đây đang trở thành “điểm đến” hấp dẫn cho hàng loạt dự án lớn đã và đang được thực hiện trong thời gian qua.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ – Bệ phóng cho kinh tế biển
Ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giao TP HCM làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư trên 50.000 tỷ đồng, diện tích 571 ha, chiều dài hơn 7km và khả năng đón tàu container lên đến 250.000 DWT.

Được phát triển bởi Tập đoàn MSC – hãng vận tải container lớn nhất thế giới – cảng sẽ được xây dựng qua 7 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu dự kiến khởi công trước năm 2027, và hoàn thành toàn bộ vào năm 2045.
Cảng khi hoàn thành sẽ trở thành đầu mối trung chuyển hàng hải chiến lược của phía Nam, tạo ra doanh thu từ 34.000 – 40.000 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời mở ra hàng chục nghìn cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực logistics và dịch vụ hậu cần.
Với vị trí tiếp giáp các tuyến hàng hải quốc tế, dự án siêu cảng này kỳ vọng đưa Cần Giờ trở thành trung tâm kết nối toàn cầu. Từ đó thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.
Cầu Cần Giờ – Phá thế độc đạo, kết nối vùng bền vững
Cầu Cần Giờ – dự án giao thông huyết mạch – sẽ thay thế hoàn toàn phà Bình Khánh, phá bỏ thế cô lập của huyện biển duy nhất TP HCM.
Với chiều dài tuyến hơn 7km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 3,4km, còn lại là đường dẫn. Cầu có 6 làn xe, tốc độ thiết kế 60km/h, sử dụng kết cấu dây văng hiện đại với nhịp chính dài 350m.

Tổng mức đầu tư của cây cầu này hơn 11.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố kết hợp vốn BOT. Điểm đầu cầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối đường Rừng Sác (Cần Giờ), cách bến phà Bình Khánh hiện tại hơn 2 km.
Dự kiến hoàn thành trước năm 2030, cầu sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, tăng năng lực vận tải, tiết kiệm chi phí, đồng thời tạo động lực phát triển không gian đô thị, kinh tế – xã hội cho toàn khu vực Cần Giờ.
Metro TP HCM – Cần Giờ: Hành lang đô thị hiện đại xuyên rừng ngập mặn
Tuyến Metro nối trung tâm TP HCM với Cần Giờ dài 48,5 km, bắt đầu từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7) và kết thúc tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa). Tuyến sẽ đi trên cao, vận tốc tối đa lên tới 250 km/h, với thiết kế đường đôi khổ 1.435 mm.
Lộ trình tuyến metro này sẽ đi từ đại lộ Nguyễn Văn Linh (Quận 7) theo Nguyễn Lương Bằng vượt cầu Rạch Đĩa sang Nhà Bè; vượt sông Soài Rạp đi song song với cao tốc Bến Lức - Long Thành, đến đoạn giao với đường Rừng Sác. Tiếp đó, tuyến sẽ rẽ phải, bám theo đường Rừng Sác đến điểm cuối tại depot xã Long Hòa.

Dự án kỳ vọng vận chuyển được 30.000–40.000 người mỗi giờ mỗi chiều, đồng thời mở ra một trải nghiệm độc đáo xuyên rừng ngập mặn. Đây không chỉ là một phương tiện giao thông hiện đại mà còn hứa hẹn trở thành tuyến metro đẹp bậc nhất cả nước.
Chủ đầu tư đã trình phương án đầu tư với công tác chuẩn bị bắt đầu từ 2025, đặt mục tiêu khởi công năm 2026, vận hành thử, bàn giao năm 2028.
Ngày 21/4, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung tuyến metro này vào danh mục dự án theo Nghị quyết 188 của Quốc hội nhằm đẩy nhanh quá trình đầu tư.
Siêu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ – Biểu tượng phát triển mới của phía Nam
Khởi công vào ngày 19/4, Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh có diện tích lên tới 2.870 ha. Dự án gồm các phân khu chức năng như khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, hội nghị, nhà ở, dịch vụ công nghệ cao...
Tâm điểm của dự án là Nhà hát Sóng Xanh quy mô 7 ha – nhà hát 5.000 chỗ lớn nhất Đông Nam Á; khu triển lãm 45.000 m²; quảng trường sức chứa 50.000 người. Ngoài ra còn có biển hồ nhân tạo lớn nhất thế giới (443 ha), cảng du thuyền 5 sao, khách sạn cao cấp, 2 sân golf, Safari, công viên chủ đề như Disneyland...

Điểm nhấn mang tính biểu tượng là tòa tháp 108 tầng – biểu trưng mới cho Việt Nam – tích hợp thương mại, văn phòng, khách sạn siêu sang. Dự án được định hướng trở thành trung tâm tài chính – du lịch – giải trí ven biển mang tầm khu vực.
Quy hoạch của dự án này được tư vấn bởi Boston Consulting Group theo mô hình đô thị ESG tiên tiến, kết hợp phát triển bền vững, bảo vệ sinh thái tự nhiên, và sử dụng năng lượng sạch từ hệ thống điện gió ngoài khơi.
Khi hoàn thành sau năm 2030, siêu đô thị lấn biển này sẽ là điểm đến thu hút 8 – 9 triệu lượt khách mỗi năm, đưa Cần Giờ trở thành cực tăng trưởng chiến lược mới của TP HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.