TP HCM tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm
(CLO) TP HCM sẽ tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Đồng thời, tăng 3% - 5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND TP HCM vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2025, nhằm giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; hạn chế các ảnh hưởng do tệ nạn mại dâm gây ra đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

TP HCM sẽ tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn
Bài liên quan
Thanh Hóa: Khởi tố 19 bị can chứa chấp, môi giới mại dâm
Hà Nội sẽ kiểm tra các cơ sở massage, cà phê đèn mờ để phòng, chống tệ nạn mại dâm
Tụ điểm mại dâm 'núp bóng' phòng trọ của tú bà U70 ở Nam Định
Hồng Kông triệt phá đường dây mại dâm gồm nhiều sao phim người lớn Nhật Bản
Theo đó, thông tin về phòng, chống mại dâm sẽ được đăng tải trên cơ quan báo chí của TP HCM và trên các trang thông tin của quận, huyện, TP Thủ Đức ít nhất mỗi tháng một lần. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm cho ít nhất 70% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời.
Đồng thời, tăng 3% - 5% số tội phạm liên quan đến mại dâm được xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm; tổ chức kiểm tra ít nhất 20% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn TP HCM. 100% số người bán dâm có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng.
Mặt khác, ít nhất 50% quận, huyện, TP Thủ Đức lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, ít nhất 5% quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng, triển khai mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Ngoài ra, ít nhất 70% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ cấp TP HCM và 50% đội ngũ cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, tổ chức liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống mại dâm; thực hiện các can thiệp giảm hại; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.