(Congluan.vn) – Mới đây, lãnh đạo TP. HCM đã chính thức duyệt và bắt đầu triển khai đề án Chăm sóc giáo dục trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, để đề án mang tính khả thi, thì bài toán về nguồn nhân lực có chuyên môn cho giáo dục mầm non vẫn là một trong những băn khoăn, lo lắng của các vị phụ huynh cũng như các nhà quản lý.
>>>
Rào cản từ những bất cập
Theo đề án, năm học 2014 - 2015, việc nhận trông giữ trẻ mầm non từ 6 - 18 tháng tuổi sẽ được thực hiện thí điểm tại 8 quận, huyện có khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TP.HCM như quận 7, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, quận Tân Phú, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và huyện Nhà Bè.
Mỗi quận, huyện này thí điểm nhận trẻ tại 1 đến 2 trường mầm non công lập. Sau 1 năm thực hiện thí điểm mô hình trên, trong năm học 2015 - 2016, thành phố sẽ triển khai trên 12 quận, huyện và đến năm học 2016 - 2017 sẽ triển khai tất cả 24 quận, huyện.
Theo số liệu từ Ban quản lý các KCN và KCX của TP.HCM, hiện nay thành phố có 15 khu với tổng số lao động làm việc khoảng 269.812 người. Trong đó, có 111.970 nam và 157.842 nữ (chiếm gần tới 60 - 70%) và có đến khoảng 70% công nhân có con ở độ tuổi mầm non. Thế nhưng, hầu hết các KCN và KCX đều không có nhà trẻ, trường mầm non dành riêng cho con công nhân. Trong khi đó, các trường công lập chỉ cho phép nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi khiến nhiều công nhân không khỏi lo lắng tìm chỗ gửi trẻ an toàn khi hết thời gian nghỉ thai sản 6 tháng theo Quy định Chế độ thai sản đối với người lao động.
Một bất cập nữa là các KCN, KCX đều không có quỹ đất để xây dựng những công trình phục vụ tiện ích cho người lao động như nhà ở cho công nhân, thì việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non lại càng không có.
Đề án mở thêm trường mầm non công lập và nhận giữ trẻ 6 - 18 tháng thành công sẽ đem lại nhiều tác động tích cực cho xã hội
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, hiện nay số lượng giáo viên mầm non cũng chỉ đáp ứng được 2/3 nhu cầu và ông Huỳnh Công Hùng - Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM cũng thừa nhận, nhu cầu gửi trẻ của các gia đình công nhân đang sống và làm việc tại KCN và KCX là rất lớn. Và để thực hiện dự án này thì nguồn nhân lực và chuyên môn của giáo viên mầm non cũng là một trong những băn khoăn, lo lắng của các vị phụ huynh.
Để dự án mang tính khả thi
Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trên toàn địa bàn thành phố hiện có 870 trường mầm non, trong đó có 419 trường công lập và 451 trường ngoài công lập (bao gồm trường mầm non tư thục và lớp nhóm trẻ mầm non). Do vậy, với gần 100.000 trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi, thì số lượng giáo viên chỉ đủ đáp ứng được khoảng trên 50 -60 % nhu cầu.
“Trong khi số trường mầm non công lập vẫn còn hạn chế, thì chúng ta không thể phủ nhận vai trò của lớp mầm non tư thục, bởi nó đã đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ đang tăng cao. Nhưng để tránh các trường hợp đáng tiếc như thời gian qua, thì cần phải được sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan chức năng, cũng như ý thức của các bậc cha mẹ trong việc chọn trường gửi trẻ” - ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đánh giá.
Rõ ràng, để thực hiện đề án này hiệu quả, thì không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp đóng trên địa bàn của các KCX và KCN, mà cần có sự tiếp sức từ các đơn vị quản lý, cơ quan cấp Nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội. Bên cạnh đó, cũng cần phải giải quyết những nghịch lý trong các quy định của pháp luật về các chính sách nghỉ thai sản của nữ, phải gắn liến với quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho công nhân tại các KCX và KCN, mà còn cho các nữ lao động trong xã hội được gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn để bảo đảm về quyền bình đẳng, cũng như quyền lợi cho trẻ em.