TP HCM vươn tầm siêu đô thị: Bài học từ các 'gã khổng lồ' châu Á!
(CLO) Sau sáp nhập, TP HCM có nhiều hướng đi mới trong quá trình phát triển đô thị. Dù vậy, TP HCM cần học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm từ các siêu đô thị trong khu vực.
Từ 1/7, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chính thức sáp nhập với TP HCM, mở ra một “kỷ nguyên không gian” mới chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị tại Việt Nam.
Với quy mô địa giới mở rộng vượt bậc, dân số tăng đột biến và loạt dự án hạ tầng nghìn tỷ đang rục rịch triển khai, TP HCM sau sáp nhập không chỉ củng cố vị thế đầu tàu kinh tế, mà còn đứng trước thời cơ vươn mình thành siêu đô thị khu vực.
Tại Hội thảo về thị trường bất động sản siêu đô thị TP HCM diễn ra mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia nhận định: Sau sáp nhập, TP HCM có nhiều hướng đi mới trong quá trình phát triển đô thị. Dù vậy, ông cho rằng, TP HCM cần học hỏi và rút ra bài học kinh nghiệm từ các siêu đô thị trong khu vực.
.jpg)
Thứ nhất, về Seoul (Hàn Quốc), ông Lực gọi đây là siêu đô thị thông minh hàng đầu thế giới. Đây là trung tâm tài chính, công nghệ và dịch vụ lớn nhất của Hàn Quốc.
“Tôi cho rằng điểm tốt nhất nên tham khảo là nơi đây quản lý đô thị thông minh thông qua việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống cảm biến IoT, sử dụng bảng điều khiển tích hợp dữ liệu theo thời gian thực để nâng cao hiệu quả vận hành rất tốt”, ông Lực nói.
Đặc biệt, Seoul xây dựng mô hình chính quyền mở, minh bạch và chủ động gia tăng sự tham gia của công dân.
Thành phố đã công khai hơn 8.000 bộ dữ liệu để người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào quá trình ra quyết định và phát triển chính sách thông qua các nền tảng trực tuyến.
Thứ hai, về Thượng Hải (Trung Quốc), đây là đô thị cảng toàn cầu, ông Lực kiến nghị Việt Nam tham khảo kỹ mô hình này. Thượng Hải được định vị là một đô thị cảng tầm cỡ thế giới, tập trung phát triển các lĩnh vực then chốt như công nghệ cao, dịch vụ tài chính, logistics và cảng biển.
Đặc biệt, thành phố sở hữu các vùng phát triển chiến lược như đặc khu kinh tế Pudong và khu thương mại tự do Pudong thu hút hàng loạt tập đoàn đa quốc gia đầu tư và đặt trụ sở khu vực.
Tiếp đến, Thượng Hải được quy hoạch theo mô hình đô thị đa trung tâm, với các trung tâm lớn như Pudong New Area cùng hệ thống các khu vệ tinh như Jiading, Minhang, Songjiang…
Về hạ tầng, thành phố sở hữu hệ thống hiện đại và đa phương thức, nổi bật với mạng lưới metro lớn nhất thế giới, cảng nước sâu nhộn nhịp hàng đầu toàn cầu, hai sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc kết nối hoàn chỉnh và nền tảng giao thông thông minh tích hợp các công nghệ dữ liệu lớn và cảm biến.
“Chắc chắn TP.HCM cũng phải đi theo hướng này”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thượng Hải còn tích cực triển khai mô hình đô thị số thông qua Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC), ứng dụng dữ liệu lớn, công nghệ 5G và camera AI vào công tác quản lý đô thị, giám sát an ninh và điều phối hạ tầng hiệu quả.
TP HCM cần học tập kinh nghiệm từ Thượng Hải, tiên phong dùng camera để giám sát xã hội.
“Họ áp dụng mô hình quản lý quy hoạch tập trung, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai nhằm đảm bảo phát triển bền vững và hạn chế tình trạng đô thị hóa tự phát, điều này rất đáng để chúng ta tham khảo”, ông Lực nêu.
Tuy nhiên, Thượng Hải cũng đối mặt với không ít thách thức, bao gồm nguy cơ ngập lụt và nước biển dâng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình trạng ô nhiễm không khí, rác thải sinh hoạt; khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn; cùng với những bất cập trong việc tiếp cận y tế, giáo dục và chính sách hộ khẩu cho người lao động nhập cư.

Thứ ba, về Thâm Quyến (Trung Quốc), đây được biết đến là đặc khu kinh tế (SEZ) đầu tiên của Trung Quốc, được thành lập từ năm 1980, đóng vai trò như một "phòng thí nghiệm" cho các chính sách kinh tế cải cách và mở cửa.
Từ nền tảng đó, thành phố đã nhanh chóng vươn lên trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu, thường được ví như "Thung lũng Silicon của Trung Quốc", là nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Huawei, Tencent, ZTE...
Thứ tư, Mumbai (Ấn Độ) là trung tâm tài chính, thương mại và giải trí hàng đầu của quốc gia này, đây là đô thị có một số điểm giống TP.HCM.
Thành phố đã không ngừng mở rộng diện tích thông qua các dự án lấn biển, nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt quỹ đất cho phát triển đô thị.
Nhờ vào lợi thế địa lý nằm ven biển Ả Rập, Mumbai tận dụng vị trí chiến lược để vươn lên trở thành trung tâm logistics, tài chính và du lịch sôi động…
Tuy nhiên, Mumbai cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức đô thị phức tạp. Đáng kể nhất là mật độ dân cư cực cao, tình trạng phân hóa giàu nghèo rõ rệt, ùn tắc giao thông nghiêm trọng, và nguy cơ ngập lụt đô thị do biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, thiếu hụt nhà ở, hạ tầng cơ bản, nước sạch và hệ thống vệ sinh cho người dân nghèo cũng đang là vấn đề cấp thiết mà thành phố cần giải quyết.
Trong bối cảnh đó, ông Lực cho rằng, TP HCM cũng đang đẩy mạnh xây dựng các khu đô thị mới, hướng đến phát triển mô hình đô thị đa trung tâm.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý đô thị thông minh với các trung tâm điều hành hiện đại, giúp tối ưu hóa điều phối, nâng cao chất lượng sống và tăng cường sự tham gia của người dân vào quản trị đô thị.