Sớm áp dụng nhiều biện pháp đẩy nhanh công tác di dời các hộ dân sống trên bờ kênh, đảm bảo không còn ô nhiễm môi trường tại các kênh rạch trên địa bàn. Ảnh: TL
Mặc dù đã ra quân triển khai hàng loạt các biện pháp nạo vét, khơi thông kênh rạch, nhưng tình trạng tái ô nhiễm vẫn còn hiện hữu tại một số kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạch.
Vướng mắc từ công tác di dời nhà ở trên kênh
Qua khảo sát và ghi nhận thực tế tại rạch Xuyên Tâm (phường 2), tại đây, hiện còn nhiều nhà dân xây lấn chiếm kênh, khiến dòng chảy bị thu hẹp lại, gây khó khăn cho lưu thông nước. Các ngôi nhà ở ven kênh đều có khoảng 1 - 2m phía trước bám vào đường, phía còn lại đóng cọc trên kênh, sàn gỗ và tường bằng bạt, gỗ. Mọi chất thải sinh hoạt đều xả trực tiếp xuống dòng nước.
Tình trạng còn phức tạp hơn tại rạch Bùi Hữu Nghĩa (phường 2); rạch Lăng (phường 13); rạch Văn Thánh (phường 21)… Rác thải vào kênh lâu dần đắp thành đống. Riêng rạch Văn Thánh còn bị “bức tử” bởi lượng lục bình, cỏ dại rất nhiều. Ghi nhận ở đây cho thấy, lục bình, cỏ dại kết thành từng tảng to ngày nào cũng xuất hiện dày đặc trên mặt kênh, làm cho kênh không có khả năng thoát nước. Dù đang có đoàn khảo sát, nhưng có hộ dân vẫn vô tư xả thẳng nước thải sinh hoạt ra kênh.
Phía UBND quận Bình Thạnh cho biết, khó khăn nhất của quận khi triển khai cải thiện chất lượng kênh rạch trên địa bàn là phải di dời lượng lớn hộ gia đình hiện đang sinh sống dọc kênh rạch. Cụ thể, với rạch Xuyên Tâm phải giải tỏa toàn phần 1.000 hộ và giải tỏa một phần là 1.000 hộ, với rạch Văn Thánh phải di dời toàn phần 700 hộ và di dời một phần là 200 hộ, với rạch Bùi Hữu Nghĩa cần phải di dời toàn phần là 3 hộ và di dời một phần là 197 hộ, rạch nhánh kênh Thanh Đa phải di dời toàn phần là 27 hộ.
Riêng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (đoạn 2, 3 và 4) có tổng số hộ phải di dời toàn phần 26 hộ và di dời một phần 218 hộ. Tổng kinh phí cần để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất lớn, ước tính khoảng hơn 5.000 tỷ đồng.
Hiện quận Bình Thạnh cũng đã chủ động đề xuất và được UBND TP phê duyệt nhiều hình thức đầu tư cải tạo kênh rạch như hình thức đối tác công tư (PPP), hình thức sử dụng vốn ngân sách tập trung…
Tuy nhiên, cho đến nay việc bổ sung ngân sách để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn. Riêng với những dự án thực hiện hình thức PPP, việc lựa chọn nhà đầu tư cũng đang được UBND TP xem xét.
Chủ động triển khai kế hoạch kéo giảm tình trạng ô nhiễm môi trường
Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, HĐND TP ghi nhận các kiến nghị của quận, sẽ làm việc với UBND TP để xem xét các chủ trương đầu tư liên quan đến các dự án cải tạo kênh rạch, chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, quận cần phải chủ động hơn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.
Qua tiếp xúc thực tế với các hộ dân trên các tuyến kênh rạch trọng điểm ô nhiễm của quận Bình Thạnh, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhìn nhận, đã có một bộ phận người dân có ý thức rất tốt trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu vực mình sinh sống cũng như hệ thống kênh rạch. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận hộ gia đình chưa ý thức tốt vấn đề này.
Do vậy, trong khi chờ nguồn vốn cải tạo đồng bộ hệ thống kênh rạch, lãnh đạo quận, tổ chức đoàn thể cần phải rà soát, phân loại các hộ gia đình đã thực hiện tốt cũng như chưa thực hiện tốt bảo vệ môi trường. Từ đó, tập trung vào tuyên truyền vận động những hộ chưa thực hiện tốt, thậm chí cần thiết phải áp dụng biện pháp chế tài với những hộ đã được vận động, tuyên truyền nhưng vẫn cố tình vi phạm. Đặc biệt, cần phát huy và nhân rộng mô hình tổ dân phố tự quản môi trường trong cộng đồng dân cư.
Theo các đại biểu HĐND TP, hiện còn nhiều tuyến đường dọc kênh thiếu trang thiết bị đảm bảo chứa rác chờ thu gom. Do vậy, quận cần phải chấn chỉnh lại hoạt động thu gom rác tại khu phố dọc các tuyến kênh, giảm thiểu ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân.
Đồng thời, thường xuyên huy động lực lượng Đoàn thanh niên, tổ khu phố thực hiện ngày Chủ nhật xanh để nạo vét kênh rạch, khơi thông nguồn chảy, tránh để tình trạng ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường sống, phát sinh bệnh tật.
PV