(NB&CL) - Tháng 9/2014, một số hộ dân ở phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức, TP.HCM) bị một phụ nữ ngụ cùng phường “đóng giả” làm “cò” vay tiền lừa đảo. Thủ đoạn của thị là dẫn người mang theo sổ đỏ và giấy tờ tùy thân đến các hộ có tiền nhàn rỗi thế chấp để vay tiền, sau đó biến mất…
Tin nhầm kẻ lừa đảo
Cuối năm 2013, bà Phạm Thị Na (sinh 1965, ngụ P. Hiệp Bình Phước, Q. Thủ Đức, TP.HCM) đưa đến nhà bà Phù Tường Khánh Dung (sinh 1972, ngụ cùng xóm với Na) một số người nói là bạn làm ăn chung, đang cần vay tiền. Những người này đã thế chấp lại Giấy chứng nhận QSDĐ, CMND…để vay số tiền là 340 triệu đồng trong vòng 3 tháng. Đáo hạn, bà Dung gọi điện đòi tiền thì điện thoại không liên lạc được, lần theo địa chỉ đến nhà thì mới biết chỉ là địa chỉ “ma”…
Tháng 1/2014, ông Trương Văn Chi (sinh 1968, ngụ P. Bình Chiểu, Q. Thủ Đức) thông qua một người bạn học đã quen với Phạm Thị Na. Bà Na ngỏ ý vay tiền cho một số bạn làm ăn chung, thế chấp lại sổ đỏ, sổ hộ khẩu, CMND…Tổng cộng bà Na dẫn đến 5 người vay tổng số tiền là 145 triệu đồng. “Sau 2 tháng tôi liên hệ thì Na nói bận làm ăn xa chưa về. Tôi chờ hoài và cho người đi tìm đến những địa chỉ trên giấy tờ họ để lại thì mới biết là giấy tờ giả…” ông Chi cho biết.
Tương tự, bà Lê Thị Bích Thảo (sinh 1985, ngụ P. Hiệp Bình Phước) cũng bị bà Na lừa vay cho 3 người “bạn làm ăn chung” số tiền 90 triệu đồng. Những người này cũng thế chấp sổ đỏ, hộ khẩu, CMND… để vay tiền:
Theo trình bày của các nạn nhân, Phạm Thị Na đã đưa các người “bạn” đến vay tiền là: Nguyễn Văn Nên, Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phan Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Văn Điệp, Nguyễn Văn Nguyên, Trần Minh Tấn (cùng ngụ ở huyện Củ Chi, TP.HCM), Châu Thị Mai (ngụ Bến Cát, Bình Dương), Huỳnh Thị Hương (ngụ Q Tân Phú, TP.HCM)… Các nạn nhân cũng khẳng định giấy tờ mà họ nhận thế chấp đều là giả mạo! Khi họ phát hiện cũng là lúc các kẻ lừa đảo đã cao chạy xa bay.
Công an vào cuộc.
Qua nhiều đơn thư tố cáo, Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) đã vào cuộc. Theo xác minh ban đầu, những giấy tờ mà các nạn nhân cung cấp đều có dấu hiệu giả mạo. Các mẫu CMND do kẻ lừa đảo để lại đều do cùng một con dấu đóng ra. Nhiều khả năng là có một tổ chức chuyên làm giấy tờ giả để cung cấp cho đường dây lừa đảo. Xác minh từ cơ quan công an cũng cho biết, một số CMND là thật, do người sở hữu làm mất hoặc vô ý bị “mượn”. Các giấy tờ này được làm lại rất tinh vi với tên và hình ảnh khác.
Những nạn nhân rất bức xúc vì sau khi phát hiện mình bị lừa đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng từ giữa năm 2014 nhưng suốt nhiều tháng qua họ vẫn thấy bà Phạm Thị Na nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật! Theo họ, bà Na chính là “đầu dây mối nhợ” để lừa họ mắc bẫy nên “bắt bà Na thì mọi chuyện sẽ rõ”. Thế nhưng, cho dù họ đã đốc thúc nhưng cơ quan công an vẫn chậm chạp vào cuộc khiến họ như ngồi trên lửa!
Trên thực tế, vai trò của bà Na trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp này rất lớn. Theo lời khai của bà Na tại cơ quan công an, vào năm 2013 bà đã quen biết với một cò đất tại Củ Chi tên là T. Người này đã nhờ bà giới thiệu các “mối” cho vay để T đưa người đến vay tiền, bà Na được hưởng hoa hồng. Thế nhưng, để tạo lòng tin, bà Na đã không trung thực khi giới thiệu với các “mối” cho vay. Bà Na đã giới thiệu những người đến vay là các bạn bè của mình, cần tiền gấp làm ăn nên khiến họ không ngần ngại đưa tiền cho vay. Bà Na cũng biết rõ những kẻ lừa đảo do nhiều lần giới thiệu cho nhiều người khác nhau mà vẫn cố tình đưa đẩy họ vào bẫy. Điều này cho thấy bà Na là một mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo tinh vi này.
Được biết, cuối tháng 10/2014, Công an Thủ Đức đã có những động thái tích cực hơn. Tuy nhiên, ngoài việc chờ đợi một cách thụ động, các nạn nhân của đường dây lừa đảo tinh vi này cần nhanh chóng cung cấp thêm các thông tin chính xác và cụ thể hơn cho cơ quan công an. Hiện nay, một số người biết rõ hoạt động, thủ đoạn của bọn lừa đảo nhưng vẫn chưa tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để nhanh chóng lôi kẻ lừa đảo ra ánh sáng.