Chuyên đề "TP. Hồ Chí Minh- Bản lĩnh đầu tàu"

TP. Hồ Chí Minh, những dấu ấn phồn thịnh

Thứ tư, 29/04/2020 08:10 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đã ngoài 300 tuổi, đang có những bước chuyển trong diện mạo kiến trúc đô thị, hướng tới hài hòa những cũ - mới, xưa - nay, đang có những bước tiến lớn lao qua những dự án, công trình tầm vóc, lấy đó làm động lực để phát triển.

LTS: Ngày 30/4/2020 tới là tròn 45 năm TP. HCM được giải phóng. 45 năm qua, TP đã chứng tỏ bản lĩnh của mình, vượt qua nhiều sóng gió thử thách, đáp ứng kỳ vọng là “đầu tàu kinh tế” của cả nước. Nhân dịp này, Báo Nhà báo và Công luận có chuyên đề “TP. HCM - Bản lĩnh đầu tàu”, nhìn lại những dấu ấn phát triển của TP.HCM cũng như những kỳ vọng để TP mang tên Bác phát triển hơn nữa, sánh ngang với các đô thị khác trong khu vực.

Những bước chuyển trong diện mạo kiến trúc đô thị nội đô TP.HCM. Ảnh: Lê Thế Thắng

Những bước chuyển trong diện mạo kiến trúc đô thị nội đô TP.HCM. Ảnh: Lê Thế Thắng

1.Sài Gòn “hòn ngọc viễn Đông”, ngoài sự năng động, sầm uất vốn có còn bởi những dấu ấn kiến trúc không lẫn vào đâu được.Theo họa sĩ Huỳnh Văn Mười (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM), khoảng thời gian trước 1859, ở Sài Gòn - Gia Định đã có thành Bát Quái theo phong cách Vauban xây khoảng năm 1780 (Vauban, 1633-1707, tên thật Sebastien LePrestre, chuyên gia xây thành lũy gốc Pháp). Từ sau 1859 cho đến 1930, người Pháp cho xây một số công trình kiến trúc tiêu biểu như Dinh Norodom năm 1862, sau này là trụ sở làm việc của những người đứng đầu chính quyền Sài Gòn, với tên là Dinh Độc Lập. Sau đó dinh này bị phá bỏ để xây lại mới, cũng mang tên là Dinh Độc Lập do KTS Ngô Viết Thụ thiết kế.

Các công trình do người Pháp xây dựng tiêu biểu ở Sài Gòn tồn tại đến hôm nay khá nhiều: Tòa án Thành phố (thiết kế 1881), Dinh Gia Long (xây dựng năm 1885, nay là Bảo tàng Cách mạng), khách sạn Continental (xây năm 1880), khách sạn Majestic xây dựng cùng năm với Nhà thờ Đức Bà (1877), Bưu điện Sài Gòn (xây dựng từ 1886 đến 1891), Tòa Đô chính, hay còn gọi là Dinh Xã Tây, nay là UBND TP.HCM xây khoảng năm 1907, Nhà hát Lớn TP.HCM khánh thành ngày 1/1/1900, chợ Sài Gòn tức chợ Bến Thành xây dựng từ 1912 đến 1914 khai trương, Bảo tàng Lịch sử Sài Gòn nằm bên trong Thảo Cầm viên thành lập khoảng từ 1927 đến 1938, Kho bạc Sài Gòn xây dựng cuối năm 1920...

Những bước chuyển trong diện mạo kiến trúc đô thị nội đô TP.HCM. Ảnh: Lê Thế Thắng

Những bước chuyển trong diện mạo kiến trúc đô thị nội đô TP.HCM. Ảnh: Lê Thế Thắng

Ngoài các công trình công sở và công cộng, các trường học xây dựng thời Pháp thuộc cũng để lại nhiều nét đặc trưng về kiến trúc. Ví dụ như: Trường nữ sinh Gia Long hay còn gọi Trường nữ Áo tím, nay là Nguyễn Thị Minh Khai, khởi công xây dựng 1913; Trường Trung học Chasseloup-Laubat, tức Trường Lê Quý Đôn ngày nay, khởi công xây dựng năm 1874; Trường tư thục Bác Ái, tên tiếng Pháp là College Fraternite xây dựng năm 1908, sau 1975 là Trường Cao đẳng Sư phạm và nay là Đại học Sài Gòn; Trường Marie- Curie chính thức thành lập, xây dựng năm 1918; trường Petrus Ký là chi nhánh của Trường Chasseloup-Laubat, nay là trường Lê Hồng Phong, xây dựng năm 1925...

Trước thời kỳ này, nhà Nguyễn cũng để lại nhiều lăng tẩm và chùa chiền nổi tiếng trên đất Sài Gòn, như: Lăng ông Bà Chiểu, tức Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng khoảng năm 1827; kế đó là Lăng Trương Tấn Bửu,...

Các công trình được người Pháp xây dựng là tiêu biểu cho nền văn hóa nghệ thuật của Pháp, có sự phối hợp của các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà trang trí, nhà điêu khắc,... để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Dinh Độc Lập và Thư viện Quốc gia là hai công trình tiêu biểu cho kiến trúc phương Tây kết hợp với văn hóa Việt vô cùng tinh tế và thẩm mỹ, do người Việt thiết kế.

Tòa nhà Bitexco Skydeck. Ảnh: T.L

Tòa nhà Bitexco Skydeck. Ảnh: T.L

2. Cùng với những công trình cổ, Sài Gòn - TP.HCM hôm nay cũng đã tự có cho mình nhiều dự án, công trình mang điểm nhấn, phong cách năng động, sáng tạo và hiện đại. Các dự án, công trình tiêu biểu có thể kể tên như: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cao ốc Saigon Metro Politan, các công trình giao thông trọng điểm...

Đầu tiên phải kể tới Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Toạ lạc tại khu Nam thành phố, Phú Mỹ Hưng được quy hoạch và phân thành nhiều khu chức năng gắn kết hài hòa trong một tổng thể với hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên. Đáng chú ý, khu đô thị này là điểm mốc khai phá vùng đất phía Nam của TP.HCM, vốn là vùng đất trũng, sình lầy. Trong khu đô thị phức hợp này còn có rất nhiều các kiến trúc độc đáo như: Lâu đài mô phỏng một trong những kỳ quan thế giới TajmaSago, tòa nhà Paragon sang trọng và tinh tế với kiến trúc gothic Pháp, lâu đài Cham Charm...

Ở nội đô TP.HCM, cao ốc Saigon Metropolitan là một điểm nhấn nghệ thuật và kiến trúc ấn tượng với 2 khối 12 và 16 tầng, có tầm nhìn bao quát khu vực đẹp nhất thành phố là công xã Paris. Công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc, phù hợp với xu hướng kiến trúc tiến bộ và hiện đại, thể hiện tính duy lý nghiêm ngặt của kỹ thuật và tìm thấy được một sự thỏa hiệp khéo léo, trong sự hòa hợp với những biểu tượng văn hóa của những giai đoạn lịch sử khác nhau của thành phố, là 1 trong 20 công trình tiêu biểu về kiến trúc và chất lượng của TP.HCM thời kỳ đổi mới.

Cũng ở trung tâm quận 1, tòa nhàchọc trời được xem là biểu tượng mới của TP.HCM là tháp Tài chính Bitexco. Theo thiết kế, chiều cao từ mặt đất đến đỉnh là 262m, gồm 68 tầng và 3 tầng hầm. Ý tưởng thiết kế Bitexco Financial Tower được lấy cảm hứng từ hình ảnh duyên dáng, thanh thoát của búp hoa sen, biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Tòa nhà được xem là biểu tượng cho sự năng động của TP.HCM trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Phần trên cùng của tòa nhà sẽ được trang trí, thắp sáng đèn về đêm tạo ra vẻ đẹp lộng lẫy như ngọn hải đăng của thành phố.

Tiếp đó, phải kể tới Đại lộ Võ Văn Kiệt, con đường chạy dọc theo kênh từ QL1A huyện Bình Chánh đến ngã ba đường Yersin - Chương Dương, quận 1. Chiều dài toàn tuyến là 21,89km, đi qua địa bàn các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, tạo thành một tuyến trục giao thông Đông - Tây, giảm tải đáng kể cho giao thông nội đô đang quá tải. Và với không ít người dân TP.HCM, dấu ấn lớn nhất với họ phải là sự hoàn thiện hai tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, vốn là đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một điểm đen về ô nhiễm, tệ nạn xã hội. Đường dài tổng cộng 15,7km (Trường Sa dài 8,3km, Hoàng Sa dài 7,4km), đi qua 7 quận gồm quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh và Gò Vấp.

Nhà Thờ Đức Bà. Ảnh: T.L

Nhà Thờ Đức Bà. Ảnh: T.L

3. Từ năm 2020, TP.HCM đã và đang gấp rút triển khai hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, hứa hẹn giải tỏa ùn tắc, tăng cường kết nối lưu thông hàng hóa. Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, năm 2020, các “điểm nóng” như sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) và cảng Cát Lái (quận 2) sẽ khởi công hàng loạt dự án.

Cụ thể, ở khu vực sân bay sẽ mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, tuyến Trường Chinh đoạn từ đường Cách Mạng Tháng Tám đến Phạm Văn Bạch, đặc biệt là sẽ sớm phê duyệt, triển khai giải phóng mặt bằng dự án song hành đường Cộng Hòa để phục vụ xây dựng nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Ở khu vực cảng Cát Lái, sẽ tập trung triển khai nhiều dự án quanh cảng như mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, tiếp tục giai đoạn 2 nút giao Mỹ Thủy cùng việc mở rộng đường Đồng Văn Cống. Song song đó là sớm xây dựng nút giao An Phú, đoạn đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...

Một trong nhiều công trình được kỳ vọng năm 2020 hoàn thành và đưa vào khai thác là cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối trung tâm thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Trước đó, dự án động thổ đầu năm 2015, với tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng nhưng lỗi hẹn vì gặp vướng mặt bằng. Hiện nay, TP.HCM đang tích cực làm việc cùng Bộ Tư lệnh Hải quân để cây cầu có thể hoàn thành vào cuối năm 2020.

Một dự án đặc biệt quan trọng khác là Bến xe Miền Đông mới (quận 9), là bến xe lớn nhất nước khi có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.000 tỷ đồng, khởi công tháng 4/2017, giúp giải tỏa tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm, nhất là xung quanh khu vực bến xe hiện hữu tại quận Bình Thạnh.

TP.HCM những năm gần đây chú trọng tới việc “mở bung cửa ngõ”, qua việc đầu tư xây dựng các đại lộ quan trọng như Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng,... Hiện tại, thành phố đang quyết tâm “mở bung cửa” qua các dự án cao tốc. Theo ông Trần Quang Lâm, tại TP.HCM hiện chỉ có 2 đường cao tốc, gồm Hồ Chí Minh - Trung Lương và Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, song cả 2 đều trong tình trạng quá tải. Ngoài sự cấp bách trong việc mở rộng cao tốc Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và tuyến đường sắt nhẹ Long Thành - Thủ Thiêm, kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) sắp đưa vào khai thác thì một dự án đặc biệt quan trọng khác là cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).

Thành phố Hồ Chí Minh - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: T.L

Thành phố Hồ Chí Minh - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: T.L

Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ được tập trung thực hiện đưa vào khai thác trước năm 2025. Trong đó, UBND TP.HCM chịu trách nhiệm tổ chức kêu gọi đầu tư, triển khai, quản lý và vận hành. Dự án có tổng mức đầu tư 10.688 tỷ đồng, chiều dài 53,5km, nối từ đường Vành đai 3 (TP.HCM) đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), được thực hiện theo hình thức BOT, có sự hỗ trợ của Nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách và vốn vay ODA). Dự án khi hoàn thành sẽ giúp gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông cho cả khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, Tây Ninh cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau 45 năm ngày thống nhất, Sài Gòn - TP.HCM hôm nay đã có những dự án, công trình đặc biệt ấn tượng, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố, là dấu ấn, là bước đệm để tiến đến phồn thịnh.

Linh Giang

Tin khác

TP HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái

TP HCM đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch đầu tư cầu Cát Lái

(CLO) Theo UBND TP HCM, cầu thay phà Cát Lái là dự án có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp. Dự kiến thời gian triển khai đầu tư khoảng từ 4 - 5 năm, bao gồm việc cập nhật quy hoạch, công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng...

Giao thông
Tạm dừng khai thác 2 nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Tạm dừng khai thác 2 nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

(CLO) Chiều ngày 23/4, Sở Giao thông - Vận tải Thanh Hóa có Thông báo về việc tạm dừng khai thác 2 nút giao Đồng Thắng (Triệu Sơn) và Thiệu Giang (Thiệu Hóa) thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Giao thông
Hà Nội: Chốt trực hàng trăm vị trí, chống ùn tắc giao thông dịp nghỉ lễ

Hà Nội: Chốt trực hàng trăm vị trí, chống ùn tắc giao thông dịp nghỉ lễ

(CLO) Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội sẽ phối hợp các lực lượng liên quan tổ chức phân luồng, chống ùn tắc tại các khu vực “điểm nóng” trên địa bàn để bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Giao thông
Khởi công nút giao 1.800 tỷ kết nối Bình Dương và TP HCM

Khởi công nút giao 1.800 tỷ kết nối Bình Dương và TP HCM

(CLO) Nút giao Tân Vạn là hạng mục quan trọng nằm trong dự án thành phần 5 đường Vành đai 3 TP HCM, vốn đầu tư lên tới hơn 1.800 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông giúp kết nối TP Dĩ An (Bình Dương) và TP Thủ Đức (TP HCM).

Giao thông
Bình Định: Tài xế ô tô bỏ chạy sau khi tông văng người đi xe máy

Bình Định: Tài xế ô tô bỏ chạy sau khi tông văng người đi xe máy

(CLO) Sau khi đâm trúng xe máy khiến một nam thanh niên ngã xuống đường, nằm bất động, tài xế ô tô đã lái xe rời khỏi hiện trường.

Giao thông