TP. Hồ Chí Minh và bài học về dụng nhân như dụng mộc

Thứ năm, 16/07/2020 09:24 AM - 0 Trả lời

(NB&CL)“Mỗi một kỷ luật của Đảng về cán bộ đều rất đau xót”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nói như vậy khi báo chí hỏi về vụ ông Trần Vĩnh Tuyến bị khởi tố hình sự. Nhưng đây không phải lần đầu TP.HCM bị “rụng” nhiều cán bộ chủ chốt cùng lúc, cho thấy có những lỗ hổng về dùng người.

1. Ngày 11/7, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM cùng bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, bị cho là liên quan đến những vi phạm tại dự án nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM do Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) làm chủ đầu tư.

Trước đó, tháng 10/2008, Sagri đã ký với Tổng Công ty CP Phong Phú (Công ty Phong Phú) hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B. Trong đó tỷ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ Sagri 28% và Công ty Phong Phú 72%.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh - điểm nóng xây nhà không phép. Ảnh: Bùi Tư

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thị sát cùng lãnh đạo huyện Bình Chánh - điểm nóng xây nhà không phép. Ảnh: Bùi Tư

Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án nhà ở Phước Long B cho Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng (khoảng hơn 10,5 triệu đồng/m2), thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.

Trong vụ việc này, ông Trần Trọng Tuấn khi còn là Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã tham mưu cho UBND TP, khẳng định việc chuyển nhượng dự án cho Sagri đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và kiến nghị TP. chấp thuận.

Đến ngày 19/7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng dự án. Sagri và Công ty Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau trước đây. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện do Bộ Công an đã vào cuộc điều tra, sau đó khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Việc các cán bộ chủ chốt bị khởi tố hình sự ngay trước thềm Đại hội Đảng bộ TP.HCM đã và đang tạo ra những dư luận không tốt về công tác cán bộ tại đầu tàu kinh tế phía Nam này.

2. Trước khi ông Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn cùng một loạt cán bộ chủ chốt của các Sở, ngành TP.HCM bị khởi tố hình sự, TP.HCM đã luôn là “tâm điểm” của cả nước khi hàng loạt lãnh đạo bị kỷ luật, ở tù vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai từ 2017 tới nay.

Tháng 9/2018, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín bị khởi tố, cùng với các ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM), Lê Văn Thanh (Phó Chánh văn phòng UBND TP.HCM),… vì giao khu đất 2.300m2 ở số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 thuê, gây thiệt hại cho Nhà nước. Ông Tín và các đồng phạm sau đó đã bị tòa tuyên phạt các mức án từ 3 tới 7 năm tù.

Đáng chú ý, ngoài sai phạm tại khu đất 15 Thi Sách, ông Tín còn bị xác định phạm tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Sabeco, liên quan khu đất hơn 6.000m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 đang được xử lý.

Hai cán bộ chủ chốt mới nhất của TP.HCM vừa bị khởi tố là Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn.

Hai cán bộ chủ chốt mới nhất của TP.HCM vừa bị khởi tố là Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến và nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn.

Tiếp đó là cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành tài. Cuối năm 2018, Bộ Công an đã khởi tố ông Tài về tội Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến khu “đất vàng” tại số 8-12 đường Lê Duẩn. Theo đó, bản thân ông Tài nhận thức rõ khu đất 5.000m2 tại số 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu Nhà nước nhưng đã chấp thuận cho Công ty Lavenue sử dụng để đầu tư xây dựng khách sạn, căn hộ, ban hành nhiều văn bản trái pháp luật. Vụ án của ông Tài và đồng phạm đã 2 lần bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngoài các ông Tín, Tài, Tuyến, một cán bộ cao cấp từng là Phó Bí Thư thường trực Thành ủy TP.HCM - ông Tất Thành Cang cũng dính tới sai phạm nghiêm trọng.

Cụ thể nhất là việc ông Cang đã chấp thuận chủ trương chuyển nhượng hơn 32ha đất tại Phước Kiển, Nhà Bè cho tư nhân với giá “bèo”, khoảng 1,29 triệu đồng/m2, gây thất thoát ngân sách nhà nước hơn 150 tỷ đồng. Cùng với ông Cang, Chánh Văn phòng Thành ủy Thái Thị Bích Liên cũng bị kỷ luật khiển trách, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Phạm Văn Thông bị cách tất cả chức vụ trong Đảng.

Và nhắc tới những sai phạm về đất đai tại TP.HCM, không thể bỏ qua những sai phạm tại Thủ Thiêm mà UBKT Trung ương đã kết luận các dấu hiệu vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Ban cán sự đảng UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cựu lãnh đạo thành phố, với các cái tên “lừng lẫy”: Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thị Hồng… Điều đó cho thấy TP.HCM sẽ tiếp tục là “điểm nóng” sai phạm đất đai, vì còn nhiều cá nhân, tập thể sẽ bị xử lý trong thời gian tới.

3. Việc hàng loạt quan chức bị xử lý kỷ luật, thậm chí bắt giam về những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất thời gian qua cho thấy đất đai đã, đang và sẽ là miếng mồi ngon để những chiếc vòi bạch tuộc tham nhũng bám lấy, làm hư hỏng, tha hóa cán bộ, lãnh đạo.

Bên cạnh việc phải nhanh chóng “vá lỗ hổng” trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã và đang để cho các nhóm lợi ích lợi dụng, thao túng mà các chuyên gia đã đề xuất, những bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý và đánh giá cán bộ của TP.HCM cần phải được xem lại, điển hình là việc Phó Chánh văn phòng Thành ủy (nguyên Bí thư quận 3, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh) vừa được bổ nhiệm 15 ngày đã bị khởi tố.

Về công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt.

Tổng Bí thư chỉ ra rằng, có việc đề bạt, có việc phân công, có việc giới thiệu sang chính quyền, cần phải công tâm, khách quan. Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? Thân quen “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh. “Không để lọt vào Trung ương cán bộ giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất…”, Tổng Bí thư khẳng định.

Như thế có nghĩa, việc các lãnh đạo chủ chốt TP.HCM là Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài, Tất Thành Cang,… hay mới đây là Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn,… leo cao trong bộ máy đã cho thấy sự bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý và đánh giá cán bộ của TP.HCM, nhất là khi các nhân vật trên không phải chưa từng bị báo chí và người dân phản ánh về dấu hiệu sai phạm trong công việc, lối sống, tài sản…

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm. Những “vết xe đổ” trong quy hoạch, bố trí, đề bạt cán bộ vừa qua được kỳ vọng sẽ là bài học để TP.HCM củng cố công tác cán bộ, trọng dụng hiền tài, ngăn chặn sớm những kẻ kém đức thiếu tài có thể phá hoại sự phát triển đi lên của thành phố.o

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn