TP Huế ghi nhận 12 ca mắc liên cầu lợn, 1 người tử vong
(CLO) Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, TP Huế ghi nhận 12 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, trong đó 1 trường hợp tử vong, khiến ngành y tế địa phương phải khẩn trương kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch.
Trường hợp tử vong là anh B.V.C (50 tuổi, trú tại phường Thuận Hóa). Sau khi có biểu hiện sốt và mệt mỏi, anh được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế lúc 11h ngày 2/7 và tử vong ngay trong chiều cùng ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với Streptococcus Suis – tác nhân gây bệnh liên cầu khuẩn lợn.

Các trường hợp mắc còn lại hiện đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Trung ương Huế. Những bệnh nhân này phân bố tại nhiều phường, xã trên địa bàn như: Kim Long, Phú Xuân, Hương An, An Cựu, Thuận An, Thủy Xuân, Dương Nỗ (2 người) và Thuận Hóa (3 người). Tất cả đều có kết quả dương tính với liên cầu khuẩn lợn.
Điều tra dịch tễ ban đầu không phát hiện ổ dịch lợn hoặc lợn bệnh tại khu vực cư trú của các bệnh nhân. Theo lực lượng thú y phường Thuận Hóa, nơi có ca tử vong, hiện địa phương không có dịch lợn tai xanh hay lợn chết bất thường. Gia đình bệnh nhân và các hộ xung quanh không nuôi lợn, người tiếp xúc gần cũng chưa xuất hiện triệu chứng bất thường.
Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường với số ca tăng nhanh và phân bố rải rác tại nhiều địa bàn, ngành y tế TP Huế đã nâng mức cảnh báo dịch bệnh, đồng thời kích hoạt các đội phản ứng nhanh, tăng cường giám sát, cấp tốc triển khai biện pháp phòng chống.
Các giải pháp đang triển khai:
- Phun khử khuẩn Cloramin B 25% tại nơi ở và khu vực lân cận các ca bệnh;
- Tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân về dấu hiệu nhận biết, cách chăm sóc sức khỏe và biện pháp phòng ngừa liên cầu khuẩn lợn;
- Củng cố trang thiết bị, bổ sung hóa chất, thuốc và tăng cường chế độ báo cáo, trực phòng dịch.
Trước đợt dịch này, từ đầu năm đến tháng 6, TP Huế chỉ ghi nhận 1 trường hợp duy nhất mắc bệnh liên cầu lợn. Vì vậy, sự xuất hiện đột ngột của 12 ca bệnh trong thời gian ngắn khiến ngành y tế đặc biệt cảnh giác.
Ngành Y tế khuyến cáo: Người dân cần hết sức thận trọng trong việc chế biến và tiêu dùng các sản phẩm từ lợn, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín kỹ. Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt cao, đau đầu, buồn nôn… sau khi tiếp xúc hoặc ăn thực phẩm từ lợn, cần đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời.