TP.HCM trên đà phục hồi mạnh mẽ

Thứ bảy, 01/01/2022 09:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trải qua đợt dịch thứ 4 với những hậu quả nặng nề, kinh tế TP.HCM chứng kiến sự suy giảm chưa từng thấy, nhưng với năng lực kinh tế tổng thể hầu như còn nguyên vẹn, nếu triển khai các chương trình phục hồi “trúng, mạnh, và nhanh”, Thành phố có thể tăng tốc phát triển từ năm 2022...

Tăng trưởng âm, vẫn có điểm sáng

Trước khi TP.HCM bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, đầu tàu kinh tế của cả nước từng ghi nhận thành tích GRDP nửa đầu năm 2021 đạt 680.328 tỷ đồng (tăng 5,46%), mức cao nhất trong vòng năm 5 trở lại đây. Tháng 6, kinh tế thành phố vẫn ổn, đến tháng 7, 8 và 9 - những tháng trọng điểm của đại dịch, ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ của thành phố bị tổn thương nghiêm trọng.

Xuất nhập khẩu tháng 8 và 9 bắt đầu giảm mạnh, lần lượt sụt 39,3% và 15% so với tháng 6. Doanh số thương mại dịch vụ tháng 8 chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp lúc này cũng giảm sâu 22,4% so với tháng trước.

Dịch bệnh đẩy TP.HCM vào thế rất khó khăn khi tăng trưởng âm - trạng thái chưa có tiền lệ trên một nửa dân số gặp khó khăn, hơn 80% doanh nghiệp ảnh hưởng.

Đại dịch COVID-19, đặc biệt ở đợt bùng phát dịch lần thứ 4 là chưa có tiền lệ nên sự lúng túng trong các chính sách quản trị khủng hoảng của chính quyền lẫn doanh nghiệp (DN) là không thể tránh khỏi. Đứt gãy và đổ vỡ xảy ra ở khắp mọi ngóc ngách của nền kinh tế.

tphcm tren da phuc hoi manh me hinh 1
“Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba. Không có con đường nào mà không khó khăn, điều quan trọng là chúng ta phải biết vượt qua để phát triển… TP.HCM đang trên đà phục hồi mạnh mẽ, tôi có niềm tin vào thành phố này” (Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc tiếp xúc cử tri cùng đoàn Tổ đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đơn vị số 10 tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi và Hóc Môn theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, báo cáo cử tri về kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 16/11).

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong hai năm đối mặt với dịch COVID-19, kinh tế thành phố bị ảnh hưởng rất nặng. GRDP từ mức tăng 7,8% năm 2019 xuống còn 1,36% năm 2020. Dự báo tăng trưởng năm nay sẽ âm 5%. Tức là, so với mục tiêu tăng trưởng 6% thì bị mất đi 11%. Với quy mô GRDP 65 tỷ USD, thành phố mất khoảng 7 tỷ USD. Năm 2020, TP.HCM đã mất 7% GRDP, tương đương khoảng 4 tỷ USD. Như vậy, tổng cộng đầu tàu kinh tế mất 12 tỷ USD qua 2 năm dịch.

Nhưng dịch khác chiến tranh, khi mà cơ sở hạ tầng của thành phố vẫn còn nguyên vẹn. Với TP.HCM, địa phương đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đại dịch hoành hành dữ dội nhất, nhưng các tiền đề vật chất quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách, vẫn còn vẹn nguyên. Hơn 288 nghìn DN đang hoạt động và sẵn sàng trở lại; lãnh đạo các DN, cán bộ kỹ thuật và hơn 90% lao động cơ bản cũng vẫn còn vẹn nguyên.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 đã được cải thiện đáng kể, sau khi thành phố nới lỏng giãn cách, một số hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động lại. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tính tăng 23,6% so với tháng 9/2021, nhưng tính chung 10 tháng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Trong 10 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của thành phố tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tổng thu cân đối ngân sách 10 tháng đầu năm 2021 ước tăng 7,3% so với cùng kỳ, không kể nguồn thu từ quỹ dự trữ tài chính thì tổng thu ngân sách ước tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Những tiền đề đó, điểm sáng đó, để thành phố tìm đường phục hồi kinh tế, để trở lại là đầu tàu kinh tế của cả nước, khi mà Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đưa TP.HCM nói riêng và cả nước sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2 phát huy hiệu quả.

Tìm đà hồi phục

TP.HCM bắt đầu tìm đường hồi phục kinh tế sau khi Nghị quyết 128 có hiệu lực. Sức sống kinh tế của Thành phố đang bật dậy.

Những ngày đầu tháng 11, hoạt động sản xuất bên trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và tại các nhà máy ở TP.HCM đang hoạt động trong điều kiện bình thường mới, khi nhiều DN có lượng công nhân trở lại nhà xưởng gần như tuyệt đối; lượng đơn hàng cũng đã dồi dào và các đối tác nước ngoài cũng mong ngóng những sản phẩm xuất xưởng.

Các DN chấp nhận và sẵn sàng đối diện với các ca F0 trong đơn vị mình và đối phó bằng cách “sống chung an toàn” với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, các DN và Ban quản lý KCN cao TP.HCM còn lập khu cách ly tập trung tại chỗ để chủ động điều trị cách ly cho các ca F0.

Hãy bắt đầu từ KCN cao - nơi mà đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý KCN cao TP.HCM, đến nay đã có 90 DN tái hoạt động với hơn 45.000 người lao động. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của KCN cao trong 10 tháng đầu năm đạt 28,98 tỷ USD, giảm 7,46% so với cùng kỳ. Đầu tư vẫn ổn định khi ban quản lý mới cấp mới 1 giấy chứng nhận đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 162 tỷ đồng, cấp điều chỉnh tăng vốn 785 triệu USD cho 3 dự án FDI.

tphcm tren da phuc hoi manh me hinh 2

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên thăm và làm việc với Hepza ngày 11/11/2021.

Ngày 11/11, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và đại diện các sở, ngành thành phố đã có buổi làm việc với Ban Quản lý các KCX và KCN TP.HCM (Hepza). Ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban Hepza báo cáo, đến nay đã có 1.355 DN hoạt động (chiếm 96% số lượng 1.412 DN hoạt động khi chưa có dịch).

Số lượng lao động trở lại làm việc là 230.528 người, đạt 80% tổng số lao động trong điều kiện bình thường, trong đó nhiều DN có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100%. Nhiều nhà máy tăng tốc hoạt động hết công suất, đáp ứng nguồn cung ứng hàng hóa và giải quyết đơn hàng cho đối tác. Đây là những con số rất sáng sủa khi mà đại dịch vừa qua gây biến động lớn về nguồn lao động.

Dù dịch COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng theo ông Hưng, việc kiểm soát dịch bệnh của các DN đã có kinh nghiệm, đa số các ca F0 khi phát hiện đều đang trong quá trình làm việc bình thường, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ do đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 nên ít ảnh hưởng đến nguồn nhân lực lẫn kế hoạch sản xuất của DN.

Lãnh đạo Hepza cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và điều chỉnh được 437 triệu USD, đạt 80% so với kế hoạch cả năm (550 triệu USD). Từ ngày 1/10, Hepza ghi nhận các DN thực hiện thủ tục điều chỉnh tăng vốn, thuê thêm đất mở rộng sản xuất. Một số nhà đầu tư FDI với quy mô vốn tương đối lớn, ngành nghề có hàm lượng khoa học công nghệ cao đang đến với Hepza.

Những liều thuốc cho kinh tế TP.HCM

Các chuyên gia cho rằng, TP.HCM cần trợ lực để trở lại đường ray phát triển, thậm chí là rà soát lại nhằm tái cấu trúc, xây dựng một “sức đề kháng” tốt hơn trước những biến động lớn về kinh tế, xã hội. Bên cạnh các chính sách phục hồi chung đang được Chính phủ đã và tiếp tục triển khai thêm các biện pháp của thành phố.

Về nguồn vốn, một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật cho biết, để phục hồi kinh tế, TP.HCM cần khoảng 8 tỷ USD và cần đến 6-9 tháng để phục hồi kinh tế. Nguồn vốn từ đâu? Kênh đầu tiên là ngân sách. Theo tính toán mới đây của PGS.TS Trần Hoàng Ngân, cứ tăng 1% tỷ lệ điều tiết ngân sách, thành phố sẽ có thêm 2.000 tỷ đồng. Số tiền này chi cho đầu tư công sẽ giúp tạo ra được lượng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 9-10 lần, tức 20.000 tỷ đồng.

tphcm tren da phuc hoi manh me hinh 3

Tập đoàn Cơ Điện Lạnh Đại Việt là một trong các đơn vị liên tục giữ vững sản xuất bằng hình thức giãn cách ba tại chỗ trong tình hình bệnh dịch.

Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng 3% tỷ lệ điều tiết ngân sách năm sau cho TP.HCM (tương đương 6.000 tỷ đồng), tức từ 18% lên 21%. Với tỷ lệ này, thành phố được giữ lại hơn 41.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản thu ngân sách địa phương được hưởng 100% là gần 42.600 tỷ đồng. Tổng phần địa phương được hưởng theo phân cấp sẽ là hơn 84.120 tỷ đồng, tăng gần 22% so với dự toán 2021.

Vậy với 6.000 tỷ tăng thêm này nếu chi cho đầu tư công, theo tính toán của ông Ngân sẽ tương đương lượng vốn đầu tư toàn xã hội 60.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thường bằng 33-34% GRDP nên có thể nhân con số trên 3 lần để có kết quả khả năng tạo ra GRDP một cách tương đối cho thành phố từ việc nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng - Phó viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam Bộ, có ít nhất 5 kênh huy động nguồn lực khác mà thành phố có thể tính đến. Trước hết là nguồn lực đầu tư từ DN. Phải ổn định chính sách điều hành nền kinh tế trong “bình thường mới” giúp DN thực sự an tâm hoạt động lại; chủ động hơn trong xúc tiến đầu tư.

Nguồn thứ hai là hút vốn từ sự lan tỏa của đầu tư công. Thành phố cần triển khai mạnh các công trình trọng điểm để tạo hiệu ứng, thu hút nguồn lực xã hội từ những dự án này.

Kênh thứ ba là tiền từ xuất khẩu. Đây vốn là một trong những điểm sáng còn lại qua thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong điều kiện chúng ta đang có lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như FTA, EVFTA, CPTPP, UKVFTA...

Theo Bộ Công thương, sau hơn một năm đi vào triển khai, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA), chỉ tính trong 9 tháng năm 2021, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 28,85 tỷ USD, tăng 11,7%.

Tuy nhiên xuất khẩu lại bị lực cản từ hệ thống logistics, khi chi phí logistics toàn cầu đang tăng cao. Logistics là điểm yếu của TP.HCM và cả nước, nhưng cũng là cơ hội để phát triển ngành này, đã từng gây đứt gãy nghiêm trọng trong đại dịch.

Đã có nguồn vốn, phải có chiến lược. Theo các chuyên gia, đầu tiên TP.HCM cần nhìn ra những điểm yếu của mình đã bị phác lộ rõ nét bởi mùa dịch. Gia cố cho những điểm yếu này sẽ giúp kỳ vọng chung sống an toàn với dịch thực tiễn và ít gây hại kinh tế hơn.

Phải tái cấu trúc lại nền kinh tế khi phụ thuộc quá nhiều vào các ngành thâm dụng lao động như dệt may, điện tử..., chính những ngành này hiện vẫn thiếu lao động. Do vậy cần chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Đặc biệt cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm để thoát khỏi điểm yếu là quá lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, dễ bị đứt gãy khi có biến động.

Trong quá trình tái cấu trúc, chuyển đổi số là chìa khóa quan trọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc DN gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh trong Thông báo 272/TB-VPCP ngày 22/10/2021, sau khi làm việc trực tuyến với các DN và các địa phương.

11 chiến lược thành phần của TP.HCM

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, thành phố đang hoàn thiện kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế với 2 giai đoạn chính: phục hồi và phát triển. Theo đó, giai đoạn hồi phục từ nay đến tháng 6/2022. Thứ nhất, thành phố sẽ tập trung củng cố hệ thống y tế nhất là khối cơ sở và dự phòng, đảm bảo năng lực, các biện pháp y tế về phòng chống dịch, làm nền tảng phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ hai, thành phố tập trung khắc phục những đổ gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ gia nhập lại thị trường, phục hồi những hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thành phố cũng sẽ tập trung chăm lo về an sinh xã hội, việc làm, sinh kế cho người dân. Đây là 3 nhiệm vụ chính trong giai đoạn phục hồi.

tphcm tren da phuc hoi manh me hinh 4

Ở giai đoạn phát triển, sau tháng 6/2022, sẽ tập trung giải quyết các bất cập, điểm nghẽn đã bộc lộ trong thời gian dịch bệnh vừa qua, đã ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế, xã hội. Tập trung tái cơ cấu kinh tế, quản trị thành phố và triển khai giải pháp khắc phục các điểm nghẽn, bất cập.

Để triển khai thực hiện hai giai đoạn quan trọng này, TP.HCM đã xây dựng 11 chiến lược thành phần. Cụ thể là xây dựng chiến lược y tế chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất. Chiến lược huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố, gồm cơ chế phát huy các nguồn lực ngoài ngân sách. Chiến lược cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền số. Chiến lược đảm bảo an sinh xã hội, trong đó chú trọng vấn đề lao động, việc làm, nhà ở.

Trải qua đợt dịch thứ 4 với những hậu quả nặng nề, kinh tế TP.HCM chứng kiến sự suy giảm chưa từng thấy, nhưng với năng lực kinh tế tổng thể hầu như còn nguyên vẹn, nếu triển khai các chương trình phục hồi “trúng, mạnh, và nhanh”, thành phố có thể tăng tốc phát triển từ năm 2022.

Xuân Nhân

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

Dự báo thời tiết 29/3/2024: Bắc Bộ mưa rào và dông rải rác

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 29/3/2024, Bắc Bộ mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to, khu Tây Bắc có nơi có nắng nóng.

Đời sống
Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

Mưa đá, giông lốc ở miền Bắc khiến hàng trăm ngôi nhà của người dân bị ảnh hưởng

(CLO) Do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu tràn xuống nhiều tỉnh miền núi phía Bắc đã xuất hiện giông lốc, mưa đá ngày 28/3. Hàng trăm ngôi nhà của người dân đã bị sập, tốc mái.

Đời sống
Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Thi hành kỷ luật đối với Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và đầu tư châu Âu trực thuộc Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Đời sống
Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

Cần lắng nghe nguyện vọng của người dân khi đưa núi Ngọc vào khai thác

(CLO) Mặc dù được đưa vào phương án đấu giá quyền khai thác khoáng sản tuy nhiên mỏ đất vật liệu san lấp tại xã Thọ Cường, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá chưa thể tổ chức đấu giá vì vấp phải sự phản đối của người dân.

Đời sống
Kho hàng của 'hotgirl' Nguyễn Hoàng Mai Ly 'khủng' cỡ nào?

Kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly "khủng" cỡ nào?

(CLO) Số hàng hoá này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại kho hàng của "hotgirl" Nguyễn Hoàng Mai Ly trị giá 20,1 tỷ đồng.

Đời sống