Nhà báo Huy Lê - Trưởng CQTT TTXVN tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ):

Trách nhiệm và niềm đam mê giúp tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, sợ hãi bởi dịch bệnh

Thứ bảy, 01/05/2021 07:10 AM - 0 Trả lời

(CLO) “Ý thức trách nhiệm, niềm đam mê với công việc và kiến thức phòng chống dịch là sức mạnh giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi, đi qua mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là chia sẻ của nhà báo Huy Lê - Trưởng CQTT TTXVN tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ).

Mặc dù rất bận với việc cập nhật thông tin thời sự hàng ngày, hàng giờ và làm cả báo mạng, báo giấy, phát thanh truyền hình nhưng nhà báo Trần Huy Lê - Trưởng CQTT tại New Delhi (Ấn Độ) vẫn dành chút thời gian để chia sẻ thông tin cũng như quá trình tác nghiệp với báo Nhà báo & Công luận.

Tôi cố gắng chọn nơi phù hợp nhất và phải đảm bảo an toàn cho các phóng viên

- Đất nước Ấn Độ đang trải qua những ngày "chết chóc", đã có hàng trăm nghìn ca tử vong, 18 triệu ca nhiễm. Thủ đô New Delhi nơi anh làm việc cũng chịu làn sóng dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm. Trong tình hình đó, hoạt động tác nghiệp của anh diễn ra như thế nào?

Tháng 9 năm 2018, tôi được cử làm phóng viên phụ trách cơ quan thường trú TTXVN tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), có nhiệm vụ bao quát thông tin tại địa bàn và khu vực, hoạt động đối nội, đối ngoại, đặc biệt là liên quan đến Việt Nam. Đầu năm 2020 dịch bệnh xảy ra, tôi bắt đầu bước vào hành trình mới, thử thách mới, vừa phòng bệnh vừa đưa tin về công tác phòng chống dịch, bảo hộ công dân... Là “điểm nóng” dịch bệnh của thế giới, cho đến nay thông tin về chống dịch ở Ấn Độ chiếm phần lớn lượng thông tin hằng ngày.

Thời gian này, tôi cũng liên tục theo dõi thông tin về tình hình sinh sống, làm ăn, học tập của bà con kiều bào, những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tích cực phối hợp chặt chẽ với Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ để cập nhật thông tin về công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân.

Gần đây khi nhiều bang của Ấn Độ ban bố lệnh phong tỏa, tôi liên hệ với một số kiều bào ở các thành phố khác để phỏng vấn, nắm bắt tình hình, để có những đánh giá khác nhau khách quan về ảnh hưởng của dịch bệnh… đưa tin về việc các nước chung tay hỗ trợ Ấn Độ đẩy lùi đại dịch.

Nhà báo Huy Lê tác nghiệp tại hiện trường tháng 10 năm 2020. Ảnh: NVCC

Nhà báo Huy Lê tác nghiệp tại hiện trường tháng 10 năm 2020. Ảnh: NVCC

Do ít phóng viên mà lượng thông tin lại lớn, nhiều khi tôi tranh thủ làm đêm khuya và bằng cả 4 loại hình báo chí khác nhau. May mắn tôi có nhiều đồng nghiệp “cứng” ở Việt Nam, phối hợp hiệu quả và xử lý rất tốt các sản phẩm thông tin.

Ngoài ra, để thông tin khách quan đa chiều nhất tôi cũng tìm kiếm, đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn, từ nguồn tin chính quyền đến những mối quan hệ để có cái nhìn đa dạng và bao quát hơn vấn đề.

Việc làm những bản tin thời sự truyền hình dẫn hiện trường trong bối cảnh virus SARS CoV-2 lây lan trên diện rộng, tôi cố gắng chọn nơi phù hợp nhất và phải đảm bảo an toàn cho các phóng viên, luôn đeo khẩu trang, thậm chí mặc đồ bảo hộ, dùng nước sát khuẩn và tránh tiếp xúc bất cứ đồ vật gì.

- Đại dịch kéo dài, hệ thống y tế quá tải, đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, quốc gia hơn 1,3 tỷ người đang trải qua cuộc khủng hoảng thực sự. Ở trong hoàn cảnh đó anh có những khó khăn thử thách gì, thưa nhà báo?

Dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của của đời sống. Ngoài việc đi lại gặp trở ngại do các lệnh phong tỏa, thì mua thực phẩm cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở miền Bắc Ấn Độ nơi có tỷ lệ người dân ăn chay cao, nên những khu chợ bán thịt lợn, cá rất ít, nếu có thì chủ yếu là thịt gà hoặc thịt cừu.

Trước khi bị phong tỏa, mỗi lần tôi đi mua thịt lợn cách nhà khoảng 17km. Chợ thực phẩm cho người Đông Á cũng hơn 10km. Khi dịch bệnh xảy ra, và trong thời gian có lệnh phong tỏa thì gần như không có chợ nào hoạt động. Rút kinh nghiệm của năm ngoái, năm nay tôi đã tích trữ được một số thực phẩm trong tủ cấp đông có thể dùng được cả tháng. Rất muốn có đồ tươi nhưng vì hoàn cảnh trong mùa dịch không cho phép nên bắt buộc phải sử dụng những thực phẩm đông lạnh lưu cữu.

Nhà báo Huy Lê - Trưởng CQTT TTXVN tại thủ đô New Delhi dẫn hiện trường trong ngày Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Ảnh: NVCC

Nhà báo Huy Lê - Trưởng CQTT TTXVN tại thủ đô New Delhi dẫn hiện trường trong ngày Ấn Độ bắt đầu phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Ảnh: NVCC

Vấn đề ăn uống khó khăn là một phần nhưng nhiều khi nỗi nhớ nhà còn lớn hơn, nhất là khi cộng đồng người Việt ở đây rất ít. Ở nhiều quốc gia khác, thường có đông bà con người Việt, có nhiều hoạt động văn hóa, giải trí giao lưu mang bản sắc Việt Nam, bà còn dễ dàng hỗ trợ nhau. Có quốc gia có cả những khu chợ dành riêng cho người Việt. Những hình ảnh gắn liền với quê hương như vậy nơi đất khách quê người sẽ giúp những người Việt xa xứ vơi bớt nỗi nhớ nhà.
Còn ở Ấn Độ cứ ra đường là mọi thứ trở nên xa lạ, hầu như không có hàng, quán người Việt. Căn tin Sứ quán là nơi duy nhất chúng tôi có thể thưởng thức những món ăn truyền thống na ná hương vị Việt. Nỗi nhớ nhà càng nhân lên gấp bội vào mỗi dịp Tết đến, khi đại gia đình sum vầy bên mâm cỗ tất niên ấm cúng. Ở đây, có lẽ bánh chưng là thứ xa xỉ nhất mà chúng tôi có.

Tác nghiệp chủ yếu là phỏng vấn online, phỏng vấn trực tiếp rất khó


- Qua các hình ảnh được phát sóng trên tivi hay mạng xã hội, tôi nhận thấy phóng viên ở nước bản địa phỏng vấn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhưng lại trang bị đồ bảo hộ rất thô sơ, không giữ khoảng cách. Thực tế, việc tác nghiệp của đồng nghiệp bên đó như thế nào, thưa anh?

Đó chỉ là những hình ảnh tuy đơn giản nhưng đang phản ánh thực trạng công tác phòng chống dịch ở Ấn Độ. Nếu như ở Việt Nam các ca nhiễm được “chăm sóc” hết sức đặc biệt, thì ở bên này do có quá nhiều người nhiễm, nên dường như người dân đã quá quen với điều đó. Vẫn có tư tưởng chủ quan, từ làn sóng đầu tiên rồi đến làn sóng thứ hai quy mô hơn, nghiêm trọng hơn, chết chóc hơn thì vẫn còn rất nhiều người chủ quan. Thậm chí những người đã nhiễm bệnh vẫn có thể ra ngoài, hoạt động, đi lại bình thường và có nguy cơ trở thành bệnh nhân siêu lây nhiễm.

Như lần tôi chứng kiến trong đợt dịch năm ngoái, những người đã nhiễm Covid-19 đi chụp phổi ở bệnh viện mà ở đó không có khu dành riêng cho bệnh nhân Covid-19, khám chung với tất cả mọi người và không chịu sự kiểm soát của bất kỳ ai.

Bản thân người hướng dẫn bệnh nhân ở đó cũng không thực hiện giãn cách hay mặc đồ bảo hộ gì, ngoài chiếc khẩu trang đeo chiếu lệ. Các bệnh nhân Covid-19 thì tự đi làm các thủ tục tại cùng một quầy với những người khác. Ở bệnh viện còn vậy, ở những nơi khác lại càng lơ là, nên việc phòng chống dịch là rất khó.

Ngày 19/5/2020, chuyến bay đầu tiên đưa người Việt tại Ấn Độ hồi hương do các cơ quan chức năng Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và VNA phối hợp thực hiện.

Ngày 19/5/2020, chuyến bay đầu tiên đưa người Việt tại Ấn Độ hồi hương do các cơ quan chức năng Việt Nam và Ấn Độ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và VNA phối hợp thực hiện.

Bản thân tôi giờ tác nghiệp chủ yếu là phỏng vấn online, phỏng vấn trực tiếp rất khó, trường hợp mình đi ra ngoài bao giờ cũng phải có đồ bảo hộ, tuân thủ các quy định phòng dịch. Tuy nhiên quần áo, gang tay thì khó mua hơn, do khan hiếm hàng từ đợt dịch năm ngoái.

- Anh có thể chia sẻ thêm với mọi người về kỷ niệm, nhân vật mà anh cảm thấy xúc động, ấn tượng khó quên từ khi xảy ra dịch bệnh?

Tháng 5 năm 2020, Ấn Độ bắt đầu ghi nhận khoảng 6.000 - 8.000 ca/ngày, trước sức nóng đó, ngày 19/5, chuyến bay đặc biệt mang số hiệu VN88 đón hơn 340 hành khách là công dân Việt Nam từ thủ đô New Dehli (Ấn Độ) về nước.

Hành khách trên chuyến bay là công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt, sinh sống tại khắp 15 bang của Ấn Độ. Gồm người cao tuổi, người ốm đau và có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi, người đi du lịch bị kẹt lại, người lao động hết hạn thị thực, công dân đi công tác ngắn hạn và tăng ni, phật tử.

Trong bối cảnh Ấn Độ đang áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ ông Phạm Sanh Châu không chỉ là người chỉ đạo một chiến dịch quy mô lớn, đưa bà con trên khắp Ấn Độ đến sân bay an toàn, mà ông còn trực tiếp ra sân bay để chăm lo và hỗ trợ thủ tục cho bà con. Vì có 340 hành khách đi lại trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như vậy nên nhiều người bị thiếu, mất giấy tờ, nếu không có Đại sứ, nhiều bà con sẽ không thể đáp chuyến bay đó về nước.

Lần tác nghiệp đó làm tôi nhớ mãi, đó là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm, nghĩa cử đồng bào lúc dịch bệnh căng thẳng nhất. Người dân ở khắp nơi đổ về sân bay và không chỉ người Việt, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, nhưng Đại sứ vẫn tận tình hỗ trợ bà con.

- Thiên tai, dịch họa là điều không mong muốn, dịch bệnh nguy hiểm kéo dài ở một đất nước xa xôi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của nhà báo đi thường trú. Vậy điều gì khiến anh chấp nhận rủi ro ở lại, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ?

Nhà báo Huy Lê (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Nhà báo Huy Lê (bên trái) trao đổi với đồng nghiệp trong quá trình tác nghiệp. Ảnh: NVCC

Là phóng viên thường trú của TTXVN, tôi luôn đặt trách nhiệm, công việc chuyên môn và những nhiệm vụ được giao phó lên hàng đầu. Ở một đất nước còn nghèo như Ấn Độ, tôi được chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả nhiều bà con người Việt đang làm ăn sinh sống, học tập ở bên này.

Tôi thấy mình vẫn còn may mắn khi trong lúc dịch bệnh hoành hành và đất nước bị phong tỏa, mình vẫn được làm việc và có thể trang trải các chi phí. Bởi vậy, tôi càng thấy mình có ý thức trách nhiệm lớn hơn trong việc truyền tải, lan tỏa thông tin đến tất cả mọi người.

Ý thức trách nhiệm và niềm đam mê với công việc, đó là sức mạnh để tôi vượt qua mọi sợ hãi, khó khăn, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên, giữ gìn sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và phóng viên trong CQTT cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng.

Vâng, trân trọng cảm ơn anh!

Lê Tâm (thực hiện) 

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo