Trận đấu của đội tuyển Việt Nam bị tắt tiếng Quốc ca: Điều này là không được phép!
(CLO) Ngày 7/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chính thức lên tiếng về sự cố Quốc ca bị cắt tiếng trong trận đấu bóng tối qua. Theo đó, Bộ yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Sau sự cố Quốc ca bị cắt tiếng trong ứng dụng YouTube tại trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam vào tối qua, trưa 7/12, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF nhấn mạnh: Vấn đề Quốc ca bị cắt tiếng là chuyện chưa từng xảy ra.
Để tránh trường hợp này tiếp diễn, trong thời gian sớm nhất, VFF sẽ gửi ban tổ chức AFF Suzuki Cup bản thu âm mới Quốc ca Việt Nam, để phát trong các trận đấu có mặt của đội nhà.

Trận đấu của đội tuyển Việt Nam bị tắt tiếng Quốc ca: Điều này là không được phép
Cũng theo đại diện VFF, không chỉ các trận đấu của đội tuyển Việt Nam, đơn vị phát sóng cũng tắt tiếng nghi thức quốc ca ở các trận đấu khác của AFF Cup 2020. Lý do là bản ghi âm quốc ca các nước cũng gặp phải vấn đề tương tự, do có rất nhiều đơn vị khác đăng ký bản quyền trên YouTube đối với những bản ghi âm nhất định do chính họ sản xuất hoặc mua lại. Khi ban tổ chức giải đấu sử dụng những phiên bản này, đơn vị phát sóng vô tình bị tính là vi phạm bản quyền.
Trong khi đó, trong thông báo mới nhất của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (Bộ VHTTDL), đơn vị này yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Đây là quan điểm được đưa ra sau cuộc họp sáng nay giữa lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan, sau khi nắm được thông tin về việc phần cử hành Quốc ca trong trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup bị tắt tiếng khi phát sóng trên nền tảng YouTube.
Bộ VHTTDL có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.
Cơ quan này nhấn mạnh rằng, pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.