Tràn lan rác khẩu trang y tế: Gánh nặng môi trường, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Thứ bảy, 06/02/2021 12:11 PM - 0 Trả lời

(CLO) Những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần là vật bất ly thân với nhiều người bởi tính tiện ích, giá thành rẻ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Tuy nhiên, kèm theo đó là rác thải khẩu trang y tế xả bừa bãi tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh và gánh nặng với môi trường.

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

Tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh

Trong những ngày qua, trên nhiều tuyến phố tại thủ đô Hà Nội xuất hiện tình trạng khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi, không đúng nơi quy định.

Tại một số điểm tập kết rác tự phát trên phố Quan Hoa, Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), phố Nhân Hòa (quận Thanh Xuân),...xuất hiện tình trạng khẩu trang sử dụng một lần vứt tràn lan. Những chiếc khẩu trang bị vứt ra đường cùng với rác thải sinh hoạt khiến cho đường phố thêm nhếch nhác, mất vệ sinh.

Theo bác Loan, công nhân Công ty vệ sinh môi trường Hà Nội, trong giai đoạn dịch bệnh như hiện tại, nhìn thấy hình ảnh khẩu trang vứt bừa bãi chưa qua xử lý khiến bất kỳ công nhân vệ sinh nào cũng ái ngại.

“Mỗi lần dọn vệ sinh và quét rác khẩu trang vứt dưới lòng đường, tôi phải đeo bao tay, khẩu trang và cầm chổi lấy từ xa không dám tiếp xúc gần cầm trực tiếp khẩu trang đã qua sử dụng...”, bác Loan chia sẻ.

Còn anh Lê Minh, sống tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy,TP.Hà Nội) cho biết, mỗi khi nhìn thấy khẩu trang y tế đã qua sử dụng vứt tràn lan dưới đường phố, trên vỉa hè anh lại vô cùng lo lắng khi dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp.

Không chỉ gây mất mỹ quan đường phố mà những chiếc khẩu trang bị vứt bừa bãi còn tiềm ẩn nguy cơ khiến các loại virus và mầm bệnh phát tán ra môi trường. Mong mọi người sau khi đeo khẩu trang để phòng dịch xong có thể bỏ đúng nơi quy định để môi trường được sạch sẽ hơn.

Nhiều chuyên gia y tế nhận định, các loại khẩu trang dùng 1 lần không có khả năng tiêu diệt các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm. Sau khi dùng và bỏ đi, chính các khẩu trang thải bỏ này lại là nơi phát sinh nguồn bệnh vì các loại siêu vi, vi khuẩn, nấm vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở trong lớp sợi của khẩu trang và có nguy cơ phát tán mầm bệnh trong môi trường.

Cùng với đó, khẩu trang y tế làm bằng các chất liệu vải không dệt khá bền nên rất khó phân hủy ở môi trường tự nhiên. Theo tính toán, trọng lượng bình quân của một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp khoảng 30g, nếu dựa trên ước tính mỗi ngày có 100 triệu chiếc khẩu trang y tế 3 lớp thải bỏ thì mỗi ngày có 300 tấn rác thải loại này, tương đương 9.000 tấn/tháng, một con số không nhỏ mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và phát tán mầm bệnh.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, khẩu trang y tế chính là một mối lo lớn của mẹ thiên nhiên bởi có thành phần nhựa nên rất khó phân huỷ.

Khẩu trang y tế dùng một lớp vải nhựa, nên khi vứt ra môi trường sẽ làm gia tăng khối lượng nhựa trong môi trường. Việc thu gom rồi đốt sẽ là một trong những giải pháp khả thi. Còn nếu cứ thế mà vứt ra môi trường thì có thể đến vài trăm năm chúng mới phân hủy.

Nhiều công nhân môi trường vô cùng lo lắng trước việc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp

Nhiều công nhân môi trường vô cùng lo lắng trước việc khẩu trang y tế đã qua sử dụng bị vứt bừa bãi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến hết sức phức tạp

Thay thế bằng khẩu trang vải và không xả rác bừa bãi

Khuyến cáo 5K từ Bộ Y tế, để phòng tránh dịch bệnh Covid-19, bên cạnh đeo khẩu trang, người dân có thể bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng các biện pháp đó là khai báo y tế,thường xuyên sát khuẩn tay, không khạc nhổ nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng,...

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, người nào xả rác thải (bao gồm cả khẩu trang y tế đã qua sử dụng) không đúng nơi quy định sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên 7 triệu đồng nếu vứt rác thải y tế ở nơi công cộng hoặc vào hệ thống thoát nước và cống rãnh của đô thị.

Theo chia sẻ từ các chuyên gia y tế, người dân không nên lạm dụng khẩu trang y tế mà có thể sử dụng khẩu trang vải trong cuộc sống thường ngày. Như vậy, vừa bảo vệ được sức khỏe bản thân, vừa làm giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên cũng như hạn chế mất cân bằng cung - cầu trong thị trường khẩu trang y tế.

Bạn Nguyễn An (sống tại quận Ba Đình, Tp.Hà Nội) chia sẻ, bạn đã lựa chọn sử dụng khẩu trang vải thay cho khẩu trang y tế để sử dụng, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Mỗi ngày, bạn mang theo từ 2-3 chiếc khẩu trang vải, dùng xong thì mang giặt, phơi khô dưới nắng rồi ủi lại bằng bàn là trước khi cho vào túi có khoá kéo để khẩu trang không bị bám bẩn.

“Mình đã mua sẵn 30 khẩu vải từ đợt dịch bùng phát hồi tháng 4/2020 và giờ vẫn gắn bó và sử dụng loại khẩu trang vải này. Mỗi ngày sử dụng 2 - 3 chiếc khẩu trang này, mình vẫn an toàn và khỏe mạnh trong bối cảnh đại dịch bùng phát trở lại”, Nguyễn An nói.

Cùng chung suy nghĩ với bạn An, bạn Minh (sinh viên trường Đại học Thương Mại) cho rằng, sau dịch Covid-19 thì nhiều người vẫn nên đeo khẩu trang và sử khẩu trang để bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh, nhất là khẩu trang y tế.

Không chỉ 1 mà mỗi ngày 1 người có thể dùng tới 3, 4 chiếc khẩu trang. Với số lượng khẩu trang đó mà nhân lên với số dân của Hà Nội hay các tỉnh thành trên cả nước và nói rộng ra là toàn cầu thì lượng khẩu trang y tế thải ra môi trường tự nhiên hằng ngày sẽ rất nhiều. Do đó, nếu hạn chế được thì đây là cách để góp phần nhỏ để bảo vệ môi trường.

Theo các nhà vận động vì môi trường, giải pháp tốt nhất là xả rác đúng chỗ và cắt quai đeo của khẩu trang để giảm nguy cơ động vật bị mắc kẹt. Tổ chức hoạt động vì môi trường Ocean Asia, cũng cũng kêu gọi các chính phủ tăng tiền phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi và khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang có thể giặt được.

Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề nhu cầu cầu tiêu dùng của người dân chắc chắn sẽ tăng cao đồng nghĩa với lượng rác thải ra sẽ nhiều hơn. Cùng với việc dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là không vứt khẩu trang y tế đã qua sử dụng bừa bãi.

Hoàng Lan

Tin khác

Vườn Cúc Phương tràn ngập sắc trắng của mùa bướm

Vườn Cúc Phương tràn ngập sắc trắng của mùa bướm

(CLO) Mấy tuần qua, hàng ngàn lượt khách đã đổ về Vườn Quốc gia Cúc Phương để ngắm bướm trắng bay rợp trời.

Đời sống
Hưởng ứng Ngày Trái đất 2024 - Tiết kiệm năng lượng với VNPT Smart Lighting

Hưởng ứng Ngày Trái đất 2024 - Tiết kiệm năng lượng với VNPT Smart Lighting

(CLO) VNPT phát triển và cho ra mắt giải pháp chiếu sáng thông minh VNPT Smart Lighting, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sử dụng và bảo trì nhằm bảo vệ môi trường.

Đời sống
Dự báo thời tiết 20/4/2024: Nắng nóng trải dài từ Bắc đến Nam

Dự báo thời tiết 20/4/2024: Nắng nóng trải dài từ Bắc đến Nam

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 20/4/2024, Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có nơi trên 39 độ C.

Đời sống
Khách hàng nhận trái đắng khi mua hàng trên Shopee

Khách hàng nhận trái đắng khi mua hàng trên Shopee

(CLO) Ngày nay, mua sắm trực tuyến (online) đang là xu thế được rất nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Song, bên cạnh những tiện ích trong mua sắm, việc mua hàng trên mạng cũng tiềm ẩn nguy cơ cao mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Đời sống
Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước

(CLO) Cho biết năng lượng tái tạo và du lịch được quy hoạch là 2 trong những mũi nhọn kinh tế, Ninh Thuận sẽ hiện thực hóa quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất cả nước.

Đời sống