Trăn trở của Nafoods về những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam gắn với tiêu chí “Ăn sạch, sống xanh”
(CLO) Nafoods Group cho rằng: Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp sạch “made in Việt Nam” có chất lượng cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Được thành lập từ năm 1995, Công ty TNHH Thành Vinh, tiền thân của Công ty CP Tập đoàn Nafoods được thành lập với ngành nghề chính là sản xuất và phân phối nước giải khát tại Việt Nam.
Cho tới nay, sau hơn 27 năm, Nafoods đã phát triển mạnh mẽ trở thành một doanh nghiệp đi tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững. Cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến từ nông nghiệp, có nguồn nguyên liệu hoàn toàn từ Việt Nam.

Sau hơn 27 năm, Nafoods đã phát triển mạnh mẽ trở thành một doanh nghiệp đi tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp xanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phụ trách Marketing - Truyền thông Nafoods Group nhấn mạnh: Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp sạch “made in Việt Nam” có chất lượng cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
+ PV: Thưa ông, với tư cách là một doanh nghiệp Việt Nam, Nafoods đánh giá thế nào về thị trường tiêu dùng Việt Nam hiện nay, khi lựa chọn cách sản phẩm nông nghiệp?
- Vài năm gần đây, càng nhiều người Việt quan tâm tới sức khỏe, sẵn sàng chi trả các sản phẩm nông nghiệp sạch. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững này tiếp tục bùng nổ, sau đại dịch COVID-19. Người tiêu dùng dần quan tâm và nâng cao ý thức trong vấn đề bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Trước tín hiệu này, chúng tôi chấp nhận đánh đổi những lợi ích ngắn hạn thực hiện đúng tầm nhìn sứ mệnh xây dựng Nafoods trở thành thương hiệu Nông nghiệp tiên phong và uy tín hàng đầu tại Việt Nam.
Theo đó, chúng tôi phát triển một số mặt hàng trái cây sấy, được sản xuất 100% từ vùng nguyên liệu sẵn có trong nước, như chanh leo sấy dẻo, xoài sấy dẻo, dứa sấy dẻo, đu đủ sấy dẻo,.. có nguồn gốc từ một số tỉnh thuộc Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long, hoặc hạt điều, một “đặc sản” của tỉnh Bình Phước. Tất cả những sản phẩm này đều được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao.
+ PV: Theo ông, lợi thế của các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam khi cạnh tranh trên sân nhà là gì?
- Theo tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch nói riêng đang có nhiều lợi thế.
Đơn cử, các yếu tố phát triển vùng nguyên liệu, phát triển cơ sở sản xuất sẽ dễ dàng hơn, nắm bắt rõ được nhu cầu thị trường, thị yếu tiêu dùng của người tiêu dùng nội địa. Chi phí logistic, vận chuyển tiết kiệm hơn. Tất cả các yếu tố này sẽ giúp giá sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam “mềm” hơn.
Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam như Nafoods cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các mắt xích liên quan chặt chẽ hơn, các ngành hỗ trợ và doanh nghiệp cùng ngành cũng sẽ dễ dàng có cơ hội gặp gỡ, hợp tác cùng phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam sở hữu nguồn lao động dồi dào, là đất nước có sự ổn định chính trị - xã hội cao, nguồn tài nguyên phong phú.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, để sự hỗ trợ này đem lại hiệu quả hơn nữa, tôi cho rằng, Chính phủ cần định hướng phát triển thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế cụ thể, đúng đắn và phù hợp với xu hướng toàn cầu.
Đây chính là một kim chỉ nam hướng dẫn các quyết định, hành động và quan niệm của tất cả các đối tượng trong nền kinh tế. Đặc biệt cần Một môi trường pháp lý và kinh tế ổn định, công bằng. Cũng như điều chỉnh việc sử dụng các công cụ ngân sách, thuế khóa, tín dụng… sẽ giúp hoạt động và phân phối lợi ích diễn ra một cách thuận lợi.

Vùng nguyên liệu hoàn toàn tại Việt Nam.
+ PV: Vậy, những khó khăn là gì, thưa ông?
- Trên chặng đường đồng hành cùng bà con nông dân, các các vấn đề về trình độ canh tác của nông dân chưa cao, làm chủ yếu từ kinh nghiệm và hoặc học hỏi lẫn nhau; Đất đai manh mún, rất khó quy hoạch đất đại để tổ chức sản xuất lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Nafoods phải bám sát vườn, cùng ăn, cùng làm với bà con nông dân, hỗ trợ kỹ thuật để họ thay đổi tập quán canh tác đồng thời thuyết phục bà con nông dân thay đổi tư duy canh tác áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào hoạt động trồng trọt để nâng cao năng suất và chất lượng vùng nguyên liệu.
Cũng phải nói đến một khó khăn mà các doanh nghiệp như Nafoods phải ứng phó là chi phí đầu vào: nguyên vật liệu, nhân công, lãi suất ngân hàng tăng, dẫn tới giá vốn cao, ảnh hưởng tới lợi nhuận, bị ảnh hưởng bởi tính cố định thời vụ, thời tiết, thiên tai hay dịch bệnh trong những năm gần đây cũng gây ra nhiều trở ngại.
Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có một bộ phận nhỏ người tiêu dùng sẵn sàng “chi trả” để lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp sạch, đại đa số người dân vẫn đang bị tác động bởi sự cạnh tranh về giá cả, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm có giá thành thấp để sử dụng (kể cả đó là những sản phẩm không rõ nguồn gốc).
Cũng trong giai đoạn này, sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại và sự cạnh tranh của nhiều “ông lớn” trên thị trường cũng gây ra không ít trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
+ PV: Để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, Nafoods đã có chiến lược gì, thưa ông?
- Chúng tôi kiên định với chiến lược của Tập đoàn là phát triển chuỗi giá trị Nông nghiệp xanh, an toàn, tuần hoàn và bền vững, đa dạng kênh bán, phát triển thị trường ngách, nhưng làm tốt nhất thế mạnh của mình để tạo sự khác biệt.
Ngành nông nghiệp chế biến của Việt Nam hấp dẫn nhưng cũng không dễ thành công, đòi hỏi người kinh doanh phải kiên định với con đường của mình đã chọn, phải giữ chuẩn xanh, an toàn và bền vững.
Ngoài việc đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, Nafoods đã đang và tiếp tục cố gắng hoàn thiện mẫu mã, hình thức để ngày càng thu hút người tiêu dùng.
Sau gần 30 năm kinh nghiệm xuất khẩu, Nafoods luôn trăn trở về việc mang những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đảm bảo tiêu chí “Ăn sạch, sống xanh” đã được xuất khẩu nay phục vụ chính người Việt, chúng tôi mong muốn giữ trọn vẹn giá trị dinh dưỡng, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho 100% các sản phẩm nông nghiệp đảm “Từ nông trại đến bàn ăn”.

Nafoods luôn trăn trở về việc mang những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đảm bảo tiêu chí “Ăn sạch, sống xanh”.
+ PV: Trong thời gian tới, Nafoods có những dự tính gì để tiếp tục được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và lựa chọn?
- Theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp, trong 5 năm tới Nafoods đảm bảo tất cả nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty đều được thu mua từ vùng trồng của chính mình, không riêng cho cây chanh leo, xoài, thanh long hiện nay mà các nguyên liệu khác.
Để tổ chức vùng trồng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn sẽ đòi hỏi chi phí cao, thu mua sản phẩm cao hơn so với mặt bằng giá bình quân trên thị trường để người nông dân yên tâm canh tác đúng quy định, giữ chất lượng sản phẩm, Nafoods sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có cả các vấn đề về thị trường đầu ra luôn biến động và khó dự báo đòi hỏi Nafoods phải mở rộng sản phẩm và thị trường, đa dạng kênh bán hàng.
Bên cạnh phát triển vùng trồng xanh, tuần hoàn, bền vững, Nafoods Group đã và đang tiếp tục nâng cấp năng lực hệ thống sản xuất với hệ thống 6 nhà máy quy mô, công suất lớn, dây chuyền trang thiết bị hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Đặc biệt áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ sản phẩm, thông tin về sản phẩm mình lựa chọn sử dụng sẽ là nhưng kế hoạch Nafoods đã đang và tiếp tục triển khai sâu rộng nhằm đảm bảo hoàn thành tầm nhìn trở thành tập đoàn tiên phong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp số hoá, xanh và bền vững.