Cần xem xét lại việc xử lý tài sản thế chấp
(NB-CL) Cty TNHH SX - Dịch vụ Đại Phát (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương) vừa có đơn đề nghị Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Giang dừng việc chiếm giữ tài sản thế chấp. Bởi, theo quy định tại Bộ luật Dân sự, việc xử lý tài sản thế chấp là bất động sản cần phải tuân theo phán quyết của tòa án.
Ngày 04/5/2013 Cty TNHH SX - Dịch vụ Đại Phát (Cty Đại Phát) ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Giang, Hải Dương (Agribank Bình Giang) vay 04 tỷ đồng để làm vốn đầu tư cơ sở sản xuất xốp. Ngày 26/4/2013, Cty Đại Phát có ký hợp đồng thế chấp cho AgriBank Bình Giang 11 hạng mục là vật kiến trúc nằm trên 7.600m 2 đất (không thế chấp quyền sử dụng đất), tọa lạc tại Cụm Công nghiệp Tân Hồng, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương. Đến ngày 24/4/2014, Cty này lại ký một hợp đồng vay thêm 3,5 tỷ đồng để chi phí vốn lưu động sản xuất xốp, nâng tổng số tiền vay lên 7,5 tỷ đồng. Do gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên việc hoàn vốn cho ngân hàng của Cty Đại Phát chưa kịp thời. Mặc dù đã quá hạn trả nợ cho Agribank Bình Giang, nhưng Cty Đại Phát cũng rất thiện chí trong việc trả nợ. Tuy nhiên, ngày 27/3/2015, Agribank Bình Giang đã tự ý đến chiếm giữ tài sản, đất đai của Cty Đại Phát.
[caption id="" align="aligncenter" width="640"]
7.600m 2 đất của Cty Đại Phát đang bị Agribank Bình Giang chiếm giữ.[/caption]
Ông Dương Anh Nguyên – Giám đốc Agribank Bình Giang- cho biết: Cty Đại Phát cho rằng: “Việc Agribank tự ý kê biên và thu giữ tài sản của Cty Đại Phát vào ngày 27/3/2015 khi chưa được sự chấp thuận của Cty là hành vi vi phạm pháp luật” và yêu cầu “Agribank khởi kiện ra Tòa” là hoàn toàn không có căn cứ. Agribank Bình Giang có quyền tự mình tiến hành xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi vốn Nhà nước, không nhất thiết phải khởi kiện tại tòa án và không cần phải được sự chấp thuận của bên bảo đảm trong một số trường hợp. Căn cứ của khẳng định này là Điều 355 Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Điều 60 Nghị định 163/2006/NĐ- CP.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia pháp luật, với việc đơn phương chiếm giữ 7.600m 2 đất thuộc quyền sử dụng của Cty Đại Phát, Agribank Bình Giang đã vi phạm Bản hợp đồng thế chấp tài sản số 260413 ngày 26/4/2013 giữa Agribank Bình Giang với Cty Đại Phát. Tại Điều 5 của Bản hợp đồng đã nêu rõ: “Các bên trực tiếp thương lượng để giải quyết các tranh chấp phát sinh trên tinh thần thiện chí, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của mỗi bên. Trường hợp không giải quyết được thì mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng hoặc có liên quan tới hợp đồng sẽ được yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết”. Thực tế cho thấy, đang phát sinh tranh chấp giữa Cty Đại Phát với Agribank Bình Giang về quyền sử dụng mảnh đất 7.600m 2 . Theo quy định pháp luật, Điều 355 Bộ Luật Dân sự chỉ áp dụng theo Điều 336 và Điều 338 Bộ luật Dân sự (2 Điều này chỉ điều chỉnh về việc xử lý với tài sản cầm cố). Ở đây, tài sản của Cty Đại Phát là tài sản thế chấp, đang được Cty này quản lý sử dụng, không phải là tài sản cầm cố. Vì vậy, Agribank Bình Giang áp dụng Điều 355 để xử lý tài sản thế chấp của Cty Đại Phát là hoàn toàn trái pháp luật. Agribank Bình Giang viện dẫn tiếp Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2014 nhưng Điều 63, Nghị định 163 và Thông tư 16/2014 chỉ điều chỉnh việc xử lý tài sản thế chấp nói chung, không nói đến việc xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất. Trong khi đó, việc xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất phải áp dụng Điều 721 Bộ luật dân sự: “Khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ bằng thế chấp quyền sử dụng đất mà bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì quyền sử dụng đất đã thế chấp được xử lý theo thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận hoặc không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp có quyền khởi kiện tại tòa án”.
Sở dĩ vụ việc phải đưa ra tòa án giải quyết là bởi chỉ có phán quyết của toà án mới là căn cứ pháp luật để thay đổi quyền sử dụng đất. AgriBank Bình Giang đã không thỏa thuận được với Cty Đại Phát nhưng lại không khởi kiện ra tòa án mà đã tự ý đến chiếm giữ trái phép 7.600m 2 của Cty Đại Phát là hoàn toàn trái pháp luật. Trên thực tế, 7.600m 2 đất vẫn hoàn toàn thuộc quyền sử dụng của Cty Đại Phát.
Bên cạnh đó, căn cứ hợp đồng thế chấp tài sản gắn liền với đất số 260413 giữa Cty Đại Phát với Agribank Bình Giang thì tài sản thế chấp chỉ là 11 hạng mục là vật kiến trúc trên đất mà không có việc thế chấp quyền sử dụng đất. Nghĩa là quyền sử dụng 7.600m 2 đất tại Cty Đại Phát là tài sản của Cty Đại Phát chưa được thế chấp cho Agribank Bình Giang. Vì vậy, việc Agribank Bình Giang đã tự ý đến chiếm giữ quyền sử dụng đất của Cty Đại Phát là vi phạm pháp luật, xâm phạm rất nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Đại Phát, có dấu hiệu “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” và “Chiếm giữ trái phép tài sản”.
Ông Bùi Văn Lộc - Giám đốc Cty Đại Phát- đề nghị Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo Agribank Bình Giang trả lại quyền sử dụng 7.600m 2 đất cho Cty theo quy định của pháp luật. Cty Đại Phát sẽ trả đầy đủ số tiền mà Cty này đang nợ Agribank Bình Giang. Hiện nay, Cty cũng đã có đối tác hỗ trợ nguồn vốn để trả nợ.
NGUYỄN NAM