Tranh chấp nhà số 43 Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Vì đâu nên cảnh cơ hàn?

02/04/2017 09:58

Sở hữu nhà một cách hợp pháp, nhưng sau gần 60 năm, từ một đơn đòi đất, cùng những bản án không “tâm phục, khẩu phục”, gây bất lợi cho bị đơn, 7 gia đình trong đó có gia đình Đảng viên kì cựu với 68 năm tuổi Đảng Cao Văn Đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

(CLO) Sở hữu nhà một cách hợp pháp, nhưng sau gần 60 năm, từ một đơn đòi đất, cùng những bản án không “tâm phục, khẩu phục”, gây bất lợi cho bị đơn, 7 gia đình trong đó có gia đình Đảng viên kì cựu với 68 năm tuổi Đảng Cao Văn Đình lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.

Sau 60 năm bỗng trắng tay

Theo đơn thư, ông Cao Văn Đình cho biết, ông vốn tham gia cách mạng từ năm 1945, năm 1947 gia nhập bộ đội Cụ Hồ, vào Trung đoàn 246 bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thái nguyên và Chiến khu Việt Bắc. Năm 1949 ông vào Đảng cộng sản Việt Nam, đã nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương chiến thắng hạng 3, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Năm 1956 ông chuyển về công tác ở Bộ Công nghiệp nhẹ.

Trước khi đất nước bước sang công cuộc đổi mới, theo chính sách phân phối, sắp xếp nhà, đãi ngộ đối với cán bộ công nhân viên chức nhà nước, những người có công với cách mạng, ông được phân ở tại nhà số 43 Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội). Trong quá trình sinh sống tại đây, do nhà đông người, không thể ở ngôi nhà tạm chật chội, được các cơ quan thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ, chính quyền địa phương, ông đã cải tạo, nâng cấp mở rộng nhà. Năm 1959 gia đình ông chính thức được nhập hộ khẩu vào địa chỉ này.

Năm 1960, nhà 43, Lý Thường Kiệt được Thành phố Hà Nội giao Tổng công ty xuất nhập khẩu tạp phẩm, Bộ Ngoại thương (TOCONTAP) quản lý và phân cho 7 hộ gia đình thuộc TOCONTAP vào ở. Các năm 1982 đến 1993 khi ngôi nhà mục nát, gia đình ông Đình được Bộ, địa phương đồng ý và Công ty xây dựng công nghiệp nhẹ đã thiết kế thi công nâng cấp nhà ở cũ thành 2 ngôi nhà 3 tầng trên tổng diện tích đất 101,8 m2 và tách thành 3 hộ riêng biệt.

Cả gia đình ông Đình gồm 14 người đã sinh sống ổn định, lâu dài tại ngôi nhà trên. Trong quá trình sinh sống, gia đình đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ đối với Nhà nước về đất đai, thể hiện tại: biên lai số 67173 ngày 20/12/1961 của Công ty nhà cửa, Sở Quản lý nhà đất, biên lai số 44726 ngày 14/9/1973 của Công ty nhà, Cục Quản lý công trình công cộng, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội về nộp tiền nhà đất do bà Nguyễn Thị Học (Vợ ông Đình) nộp.

[caption id="attachment_156513" align="aligncenter" width="640"] Vợ chồng ông Đình mòn mỏi chờ quyền lợi được đáp ứng.[/caption]

Tuy nhiên, từ năm 2007 theo triệu tập của Tòa án Hà Nội, gia đình ông Đình và nhiều gia đình khác bị lôi vào vụ kiện đòi nhà đất của gia đình cụ Nguyễn Xuân Vinh, vợ là cụ Vũ Thị Nhân (cả hai đều đã chết) do ông Nguyễn Xuân Nghiêm (con trai 2 cụ Vinh, Nhân) đứng đơn khởi kiện. Theo các tài liệu của các cơ quan tố tụng, được biết rằng, ngày 28/10/1952, cụ Vũ Thị Nhân được cấp giấy chứng nhận bằng khoán điền thổ số 152P khu Đồng Khánh có diện tích sử dụng nhà chính là 135m2, diện tích phụ là 12,4 m2 trên diện tích đất là 411m2. Trong cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh cụ Vũ Thị Nhân đã kê khai giao Nhà nước quản lý toàn bộ nhà, đất tại 43, Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Năm 1960 đất trên được giao cho TOCONTAP, sau đó TOCONTAP đã phân nhà cho các cán bộ, công nhân viên của đơn vị mình vào ở.

Đến năm 1969, Cục Quản lý công trình công cộng Hà Nội đã đồng ý nhượng lại cho TOCONTAP nhà 43, Lý Thường Kiệt để xây nhà 5 tầng, TOCONTAP đã chuyển trả số tiền 4.958 đồng cho Cục Quản lý công trình công cộng Hà Nội (giấy báo nợ số 2/12 ngày 27/12/1969). TOCONTAP đã khảo sát, thiết kế, tiến hành xin phép xây dựng và đã được Viện quy hoạch Thành phố cấp giấy phép số 121 VQH ngày 15/8/1969, nhưng do chiến tranh phá hoại nên chưa triển khai xây dựng được.

34 năm mới… đòi nhà?

Cuộc sống của các hộ gia đình cũng như 3 thế hệ của ông Cao Văn Đình cũng như nhiều gia đình khác ở địa chỉ trên sẽ yên ổn nếu như không có đơn khởi kiện của ông Nguyễn Xuân Nghiêm, sinh năm 1933, trú tại 173, đường Nguyễn Thiện Thuật, phường 1, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn gốc của vụ kiện này bắt đầu từ Quyết định mang số 103VX ngày 28/06/1973 do Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội. Trong quyết định này, có ghi: Trả lại quyền sở hữu cho bà Vũ Thị Nhân ngôi nhà số 43 phố Lý Thường Kiệt trước đây đã giao cho Nhà nước quản lý.

Tiếp nhận đơn khởi kiện, trong các ngày 21/12/2010 và ngày 03/10/2011 các phiên tòa Dân sự Sơ thẩm và Dân sự Phúc thẩm đã được Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên. Và trong tất cả các phiên này, 8 bị đơn trong đó có gia đình ông Cao Văn Đình đều bị tòa tuyên thua. Theo ông Cao Văn Đình và một số gia đình đang sinh sống tại 43 Lý Thường Kiệt thì các phiên tòa được phán xét không khách quan, bỏ sót nhiều văn bản chứng cứ có lợi cho bị đơn. Việc vi phạm về thủ tục tố tụng này không những làm mất quyền lợi, nghĩa vụ của liên quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây khiếu kiện kéo dài.

[caption id="attachment_156514" align="aligncenter" width="640"] Để cứu nguy cho 3 thế hệ sắp lâm cảnh màn trời, chiếu đất, bà Học đã dành không ít thời gian để giúp chồng gửi đơn thư lên các cấp ngành.[/caption]

Cũng theo ông Đình, gia đình ông nhận quyết định phân nhà đã được cơ quan chủ quản là Bộ công nghiệp nhẹ từ năm 1957 nên việc Tòa không đưa Bộ Công nghiệp vào tham gia tố tụng cũng là một thiếu sót nghiêm trọng. Đặc biệt, tại trang 10, Bản án phúc thẩm số 189/2011/2007/DSPT khi lập luận để khẳng định về thời hiệu khởi kiện có trích dẫn điểm h tiểu mục 2.1, mục 2 phần IV nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về thời hiệu khởi kiện. Tuy nhiên, gia đình ông Cao Văn Đình đã đối chiếu và phát hiện thấy không có điểm h như Tòa phúc thẩm đã trích dẫn trong bản án. Cũng tại nghị quyết 01/2005/NQ-HĐTP này, nếu áp dụng quy định tại mục 2 phần IV thì dễ dàng nhận thấy thời hiệu khởi kiện của gia đình ông Nguyễn Xuân Nghiêm đã hết.

Theo quan điểm luật sư, Quyết định số 103/VX về việc trả lại nhà cho cụ Nhân không có giá trị. Vì trước đó, vào ngày 27/12/1969, Uỷ ban Hành chính TP.Hà Nội, mà đại diện là Cục Quản lý công trình công cộng đã chuyển nhượng nhà số 43 Lý Thường Kiệt cho TOCONTAP để lấy 4.958 đồng theo giấy báo nợ số 2/12. Đồng nghĩa với động thái này thì Uỷ ban Hành chính TP. Hà Nội không còn nhà để mà trả lại cho cụ Nhân. Vậy, vì đâu các cấp tòa án và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao lại không xem xét tính bất hợp pháp của Quyết định số 103/VX của UBHC TP. Hà Nội?

Được biết, để đảm bảo quyền lợi cho mình, gia đình ông Đình đã tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại lên các cấp ngành. Ngày 8/12/2016, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội, Ban nội chính Thành ủy Hà Nội đã mời gia đình ông Đình đến thông báo Ban đã chuyển đơn thư của gia đình lên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và nêu rõ quan điểm băn khoăn về bản án có nhiều bất cập (công văn số 221/CV ngày 22/09/2016). Tuy nhiên đến nay, đã rất nhiều tháng qua đi, gia đình đã chưa nhận được hồi âm từ các cơ quan này.

Song Nguyên

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh chấp nhà số 43 Lý Thường Kiệt (Hà Nội): Vì đâu nên cảnh cơ hàn?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO