Đời sống văn hóa

Tranh cổ động, không chỉ là tuyên truyền…

Thế Vũ 08/05/2025 10:22

(NB&CL) Với “khoảng lùi” vài chục năm, những bức tranh cổ động đã cho thấy giá trị của mình khi vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật độc đáo của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam.

Lịch sử không thể “nhạt nhẽo, lỗi thời”

Trong dòng chảy hội họa Việt Nam, tranh cổ động có một vị trí đặc biệt quan trọng. Dù xuất hiện khá muộn, nhưng dòng tranh này nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật xung kích, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Là người tuyển chọn, giới thiệu 50 bức tranh đang trưng bày tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho biết, nhìn vào triển lãm, người xem có thể thấy trong đó những thời khắc quan trọng, những sự kiện lớn của đất nước. Có thể nói, tất cả những chủ trương của Đảng và Nhà nước đều được các văn nghệ sĩ phản ánh, đưa vào tác phẩm của mình.

tranh co dong 4

Trong khoảng thời gian vài chục năm, số lượng tranh ra đời rất nhiều và đề tài cũng hết sức phong phú. Đó là tranh ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tranh tuyên truyền các ngày lễ, ngày kỷ niệm; tranh về chủ đề hậu phương lớn miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ... Các bức tranh được dán, được vẽ ở các khu vực công cộng đã có tác động mạnh đến người xem, tạo một khí thế sôi sục, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc; động viên toàn dân, toàn quân chiến đấu, lao động dựng xây đất nước.

Tuy nhiên, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức lưu ý, hiện nay khi nhìn lại quá khứ, vẫn có những nhìn nhận chưa thật chính xác khi đâu đó có ý kiến cho rằng tranh cổ động như một thể loại nhạt nhẽo, lỗi thời. Riêng cá nhân ông vẫn tin rằng, tranh cổ động luôn có những giá trị to lớn, không ai có thể phủ nhận được.

“Bạn bè tôi ở nước ngoài đều có nhận định rằng, đến Việt Nam mới thấy người dân rất yêu nước. Đường phố ngập tràn cờ đỏ sao vàng là điều ai cũng thấy rõ rồi, nhưng hơn thế, tinh thần yêu nước toát lên từ mỗi gương mặt người đi đường. Những điều đó thể hiện vượt trội, tạo thành hình ảnh sinh động chứ không còn là những lý lẽ tuyên truyền khô cứng”, ông Đức nói.

Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh, đất nước chúng ta đã trải qua rất nhiều biến cố, khó khăn khiến chúng ta đi chậm lại. Nhưng việc chúng ta tồn tại độc lập được đến bây giờ cũng có thể coi là kỳ tích. Chúng ta đã hy sinh rất nhiều, đổ máu rất nhiều và cả tình yêu nữa mới tạo nên được một di sản như thế này. Việc quay ngược trở lại để bôi nhọ tình yêu ấy, giá trị ấy cũng như sự hy sinh ấy của cha ông là không thể chấp nhận được. Lịch sử, quá khứ phải luôn được ghi nhận chứ không phải nhìn nhận nó với sự phủ định hay nuối tiếc. Vì vậy, triển lãm này như một lời nhắc về niềm tin, một sự tự hào về truyền thống dân tộc và là câu chuyện không ai được phép quên.

3.jpg
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ về triển lãm tranh.

“Tôi đi bộ đội năm 1971. Có một người Mỹ hỏi tôi rằng, anh nghĩ thế nào về cuộc chiến tranh mà anh từng tham gia? Tôi trả lời ngay: Tôi rất tự hào. Chẳng có lý do gì để không tự hào cả. Lịch sử lúc đó là thế, quan niệm lúc đó là thế, xã hội lúc đó là thế. Chúng ta không phán xét, không nhìn nhận quá khứ với con mắt đen tối hay phê phán nó. Phải sống trong thời đại ấy, hoàn cảnh ấy mới có thể hiểu được những giá trị của một thời. Rồi đến một lúc nào đó, nhìn lại ngày hôm nay chúng ta lại phê phán nó thôi. Bởi vậy, những gì thuộc về lịch sử phải trân trọng nó”.

Ông Đức cũng cho rằng, trong khi thế giới đánh giá rất cao việc người Việt đánh thắng tất cả giặc ngoại xâm, họ biết đến Việt Nam cũng bởi những điều này. Vì vậy, việc có những tiếng nói đánh giá, phán xét và coi thường những giá trị to lớn đó là sự bất công, bất công không phải với riêng một cá nhân ai mà là bất công đối với cả dân tộc.

Cảm xúc thật làm nên giá trị khác biệt

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, tranh cổ động vốn là thể loại ghi chép lại lịch sử, phục vụ yêu cầu chính trị ở một thời điểm cụ thể nên không mang tính cá nhân nhiều. Phần lớn những bức tranh cổ động được vẽ không phải từ những quan niệm nghệ thuật riêng tư hay tay nghề từng cá nhân họa sĩ, mà từ đường lối, nhiệm vụ đã được định sẵn, người nghệ sĩ suy nghĩ về mục tiêu đó như thế nào sẽ vẽ ra như thế.

Qua màu sắc, hình khối, chữ viết... người họa sĩ đưa ra thông điệp và thông điệp đó tác động trực tiếp, mạnh mẽ vào thị giác người xem. Ngôn ngữ biểu đạt của tranh cổ động thường súc tích, cô đọng, dễ hiểu, ai xem cũng hiểu được ngay. Do đó, tranh cổ động chính là công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kịp thời, dễ phổ cập, đáp ứng thông tin nhanh chóng của một thời điểm cụ thể.

“Cách tạo hình của tranh cổ động rất đơn giản, mảng miếng rộng và màu sắc khá mạnh để công chúng có thể đón nhận một cách ấn tượng, trực quan nhất. Mục tiêu của bức tranh là dành mọi ngôn ngữ để chuyển tải thông điệp đến người dân nhanh nhất. Tranh cổ động không thuần túy nghệ thuật mà là dùng nghệ thuật để phục vụ cho ý chí của xã hội”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đánh giá.

Ông Đức cho biết thêm, bây giờ nhìn lại, có những bức tranh còn ngây ngô, mang tính minh họa diễn giải cho những nhiệm vụ của thời đó nhưng tất cả đều cho thấy các họa sĩ thời đó có bút pháp rất chân thực. Đặc biệt, những bức tranh cổ động trong thời kỳ cả nước chung một ý chí, một quyết tâm, đều chứa đựng những tình cảm rất thật của người nghệ sĩ, không hề có sự giả dối, thúc ép nào trong đó. Có những tác giả như “rút gan rút ruột ra để vẽ”, để bức tranh vượt qua những giá trị tuyên truyền, trở thành những tác phẩm nghệ thuật đích thực.

5.jpg
Bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của hai họa sĩ Nguyễn Thụ và Huy Oánh.

“Ở đây có bức tranh “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Với những người lính chúng tôi, hình ảnh trong bức tranh và bài hát cùng tên luôn gắn bó xuyên suốt trên chặng đường chiến đấu từ Bắc vào Nam. Cá nhân tôi, bức tranh mang nhiều kỷ niệm. Tác giả bức tranh - họa sĩ Huy Oánh - chính là người thầy sau này dạy tôi học vẽ. Tác phẩm đó cũng có lời đề từ “Thân tặng những đồng chí thanh niên nhập ngũ tháng 5/1971”. Tất cả những điều đó với tôi, là quá khứ thật đẹp, thật là xúc động”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ.

Theo họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, có lẽ vì chứa đựng những tình cảm thật của người vẽ mà người nước ngoài rất thích tranh cổ động của Việt Nam và sưu tập dòng tranh này rất nhiều. Có những đợt, các gallery lùng sục tìm mua tất cả tranh cổ động, vì vậy hiện nay để tìm những bức tranh gốc trên thị trường là tương đối hiếm.

Dù trong thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo lên ngôi, những bức tranh cổ động tưởng chừng xưa cũ vẫn gợi nhắc về một thời oanh liệt - nơi cái đẹp gắn liền với lý tưởng, nơi nghệ thuật phục vụ cho cộng đồng và đất nước. Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành cùng đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải những thông điệp tới người dân bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Tranh cổ động, không chỉ là tuyên truyền…
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO