Tranh dân gian Việt đang dần hồi sinh giữa đời sống hiện đại
(CLO) Từng là phần rất quan trọng trong ký ức ngày Tết của nhiều thế hệ, tranh dân gian Việt Nam như Đông Hồ, Hàng Trống, Làng Sình... đang dần trở lại một cách đầy sức sống.
Không chỉ xuất hiện trong không gian truyền thống, các dòng tranh này đang được làm mới trong thời trang, nội thất, công nghệ số, mở ra một hướng đi mới cho di sản thị giác dân tộc.
Từng có thời điểm, tranh dân gian Việt Nam chỉ le lói trong bảo tàng, triển lãm hoặc dịp lễ hội. Nhưng những năm gần đây, hoạ tiết "con gà, con lợn", “Đám cưới chuột”, “Cá chép trông trăng”... đang sống lại trên áo dài, túi vải, poster, đồ lưu niệm và cả sticker điện thoại.
Ở nước ta, ba dòng tranh tiêu biểu như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội) và Làng Sình (Huế) – mỗi dòng đều mang đặc trưng vùng miền, kỹ thuật thủ công riêng và tinh thần văn hóa độc đáo. Dù phục vụ mục đích tín ngưỡng, trang trí hay nghi lễ, điểm chung của tranh dân gian là sự mộc mạc, biểu tượng, và đậm chất thuần Việt, đó là yếu tố giúp tranh dễ dàng thích ứng với thiết kế đương đại.

Dù đang dần “sống lại”, tranh dân gian vẫn đối mặt với nguy cơ mai một. Theo tìm hiểu, tại làng Đông Hồ có hơn 90% hộ dân đã bỏ nghề, chuyển sang làm hàng mã hoặc buôn bán nhỏ lẻ. Việc làm tranh bị xem là không thể sống được, do thiếu thị trường tiêu thụ ổn định và sự cạnh tranh từ các sản phẩm “ăn theo” giá rẻ, chất lượng kém.
Dẫu vậy, lực lượng kế cận cùng là một bài toán đầy nan giải. Dù có nhiều hình thức để truyền lại nghề, workshop trải nghiệm, nhưng phần lớn người trẻ không mặn mà theo nghề vì thu nhập bấp bênh, không đủ kinh tế để trang trải cuộc sống.
Trước thực tế ấy, nhiều nghệ nhân và nhà thiết kế đã chọn cách làm mới tranh dân gian. Từ bộ sưu tập áo dài “Cô Ba Sài Gòn” đến các thương hiệu như Kilomet109, CHIÊU hay Vụn Art – tranh dân gian không chỉ là họa tiết trang trí mà còn trở thành tuyên ngôn văn hóa.

Đặc biệt, Vụn Art – xưởng thủ công do người khuyết tật sáng lập tại làng lụa Vạn Phúc đã tạo ra các sản phẩm túi, ví, tranh ghép mang họa tiết Đông Hồ từ vải vụn tái chế. Theo anh Nguyễn Thành Long, đại diện Vụn Art: “Bản sắc là cái không thay đổi, quan trọng là cách thể hiện. Chúng tôi dung hòa yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo nên sự độc đáo”.
Bên cạnh thời trang và décor, tranh dân gian còn được số hóa để phục vụ thiết kế hiện đại. Dự án “Hoa văn Đại Việt” đã số hóa hàng trăm họa tiết cổ, trong đó có tranh dân gian thành vector, font chữ, giúp các nhà thiết kế dễ dàng ứng dụng vào sản phẩm thương hiệu.

Đặc biệt, việc giáo dục cũng là một hướng đi bền vững, hiệu quả. Các workshop làm tranh Đông Hồ thu hút đông đảo học sinh, phụ huynh tham gia không chỉ để trải nghiệm thủ công, mà còn để hiểu và yêu thêm một phần văn hóa truyền thống của người Việt Nam ta.
Ở hiện tại, tranh dân gian Việt đang từng bước hồi sinh. Đây không phải như kỷ vật của quá khứ, mà như một dòng chảy sáng tạo giữa đời sống hiện đại. Sự trở lại này là minh chứng cho sức sống bền bỉ của bản sắc Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu.