Trẻ em cần được bảo vệ, trang bị kiến thức an toàn trên không gian mạng xã hội
(CLO) Sáng 24/11, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tinn (Bộ TTTT) tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”.
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet và các thiết bị thông minh đã mở ra nhiều cơ hội để trẻ em học tập, vui chơi và tìm hiểu thế giới khi có thể dễ dàng tìm kiếm, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh những lợi ích thiết thực, vẫn còn đó những tác động tiêu cực từ các thông tin xấu - độc lan truyền trên mạng; các nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết do trẻ em chưa đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Do đó, việc tạo ra môi trường lành mạnh; trang bị kỹ năng để trẻ em nhận biết và sử dụng Internet an toàn là vô cùng cần thiết.
Nhằm hưởng ứng Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" của Chính phủ. Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (Cục An toàn thông tin - Bộ TTTT) tổ chức Hội thảo chuyên để "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng". Phiên hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên Hội thảo - Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2022.

Ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phát biểu tại Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” - Ảnh: Đình Trung
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Quốc Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: "Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật trẻ em 2016, Luật An ninh mạng 2018. Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực sống tất yếu phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng".
"VNISA tổ chức hội thảo "Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" trong khuôn khổ sự kiện Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm 2022, với mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin và đề xuất các kiến nghị cho cơ quan quản lý. Đồng thời, cũng mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp trong phát triển các công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng", Phó chủ tịch VNISA chia sẻ thêm.

Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) Nguyễn Đức Tuân phát biểu tại hội thảo sáng nay - Ảnh: Đình Trung
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Tuân - Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) cho biết: "Không gian mạng Interntet đã và đang trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống, đặc biệt là đối với trẻ em - đối tượng đang sử dụng công nghệ hàng ngày vào trong học tập, vui chơi, giải trí, liên lạc với người thân. Trên thực tế, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 trên thế giới (chiếm khoảng 73,2% dân số), Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em (chiếm khoảng 25% dân số), trong đó có 2/3 trẻ em có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet.
Theo báo cáo của tổ chức Unicef vào ngày 3/8/2022 vừa qua thì 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 12-13 có sử dụng Inter và con số này tăng lên 93% đối với trẻ em từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy số lượng trẻ em Việt Nam tham gia các hoạt động trên không gian mạng là rất lớn. Đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 vừa qua, có thể nói rằng chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay...".
"Chương trình Hội thảo "thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" được tổ chức để các cơ quan, tổ chức chia sẻ học hỏi kinh nghiệm, phát triển các sản phẩm ứng dụng bảo vệ hỗ trợ trẻ em trên mạng. Đồng thời đây là dịp để nâng cao nhận thức cho cha mẹ dành cho các trẻ, giáo viên và cả xã hội trong việc sử dụng và đồng hành cùng trẻ em trên môi trường mạng", ông Nguyễn Đức Tuân khẳng định.
Sau phiên Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” sẽ diễn ra chương trình tọa đàm với chủ đề "Vai trò và trách nhiệm của các bên trong Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng" để bàn sâu về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc; các giải pháp, sáng kiến được triển khai; các đề xuất để tạo ra cơ chế phối hợp giữa các bên trên môi trường số nhằm tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có các báo cáo vi phạm về an toàn của trẻ em trên không gian mạng.
Một số hình ảnh tại Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”
Toàn cảnh không gian buổi Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” - Ảnh: Đình Trung
Một số khách mời, phóng viên báo chí tại Hà Nội đến đưa tin sự kiện - Ảnh: Đình Trung
Mr. Ajay Viddyasagar - Giám đốc điều hành - Youtube Ấn Độ, Đông Nam Á - Ảnh: Đình Trung
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc (Quinn Nguyễn) - đồng sáng lập và CEO CyberPurify phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đình Trung
Ông Đặng Hoa Nam (giữa) - Cục trưởng cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) - Ảnh: Đình Trung
Giám đốc Trung tâm VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) Nguyễn Đức Tuân trả lời báo chí trong phiên hội thảo sáng nay - Ảnh: Đình Trung
Ngày 1/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025. Chương trình hướng tới mục tiêu bảo vệ thông tin, bí mật riêng tư của trẻ, xử lý các hành vi lợi dụng môi trường mạng để xâm hại trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng số cho trẻ em theo từng độ tuổi để biết tự bảo vệ và tương tác an toàn. Cùng với đó là hình thành và phổ cập hệ sinh thái các sản phẩm, ứng dụng của Việt Nam đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí lành mạnh, sáng tạo.