Trẻ mầm non, học sinh tiểu học, lớp 6 tại TP. HCM sẽ trở lại trường vào giữa tháng 2
(CLO) Sở GD-ĐT TP. HCM vừa đề xuất lộ trình về kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp cho trẻ mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6.
Ngày 17/1, đại diện Sở GD-ĐT TP. HCM cho biết vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc đề xuất lộ trình tổ chức dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Bài liên quan
Từ 17/1, học sinh lớp 9, 12 ở vùng cam của Hà Nội học trực tuyến
Hà Nội tuyên dương học sinh đoạt giải các kỳ thi quốc tế
Lịch đến trường của học sinh cả nước năm 2022
Hải Phòng dành 1,7 tỉ đồng khen thưởng học sinh, sinh viên xuất sắc
Cụ thể, từ ngày 7/2, các cơ sở giáo dục sẵn sàng công tác chuẩn bị đón trẻ, học sinh trở lại trường học trực tiếp.
Từ ngày 10 đến ngày 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh để triển khai các vấn đề cần lưu ý về việc phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tổ chức dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong trường học.
Từ 14/2, trẻ mầm non, học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 sẽ được đến trường học trực tiếp.
Được biết, Sở cũng lưu ý rằng tình hình dịch bệnh đã và đang được kiểm soát tốt. Người dân tại TP. HCM từ 12 tuổi trở lên hầu như đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 mũi 2. Hiện thành phố đang triển khai tiêm chủng vaccine mũi thứ 3 cho người dân.
Sở GD-ĐT thông tin thêm, ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. Thủ Đức và các quận, huyện sẽ kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19 của các cơ sở giáo dục trước khi tổ chức học tập trực tiếp trở lại.
Tính từ đầu tháng 5/2021 đến nay, học sinh cấp mầm non, tiểu học và học sinh lớp 6 phải học trực tuyến. Việc học tại nhà trong khoảng thời gian dài sẽ phát sinh vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, như thừa cân, béo phì do hạn chế vận động, tật khúc xạ do thường xuyên sử dụng thiết bị điện tử để học.
Năm học 2021 - 2022 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 với học sinh lớp 1, 2, 6. Tuy nhiên đến nay, các em vẫn đang học trực tuyến tại nhà, gây khó khăn nhất định đến việc đảm bảo chất lượng nội dung chương trình giáo dục mới.