Trị thói côn đồ, dùng “nắm đấm” để giải quyết va chạm giao thông
(NB&CL) Va chạm và tai nạn giao thông trên đường là điều không ai muốn xảy ra. Tuy nhiên việc giải quyết sau đó là vấn đề đáng nói, nhiều đối tượng côn đồ và dùng “nắm đấm” để giải quyết va chạm giao thông để rồi sau đó phải nhận lại hậu quả đáng tiếc.
Côn đồ, hung hãn khi tham gia giao thông
Thời gian gần đây trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra những vụ hành xử côn đồ, “hổ báo” trên đường chỉ vì va chạm giao thông hoặc từ mâu thuẫn nhỏ khi di chuyển trên đường. Đây là hành vi rất đáng lên án và báo động, thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật.
Từ những vụ cãi vã thông thường, nhiều người đã không kiểm soát được cảm xúc, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết. Các vụ xung đột này không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn để lại hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và chính người gây ra bạo lực.

Báo động tình trạng sử dụng vũ lực để giải quyết va chạm giao thông trên đường. Ảnh: TL
Trưa 14/12, khi ông T. (50 tuổi, ngụ Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) chạy xe máy chở con đi học, đến trước khu vực cổng Bệnh viện Từ Dũ, ông T. thấy một chiếc ô tô do Quách Minh Nhựt điều khiển phía trước, di chuyển chậm vào làn đường dành cho xe mô tô, cản đường làm các xe mô tô khó lưu thông.
Khi T. yêu cầu Nhựt điều khiển xe ô tô đi để nhường đường cho xe mô tô lưu thông. Nhựt liền mở cửa xe bước xuống tiến về phía ông T. và dùng hai tay đánh mạnh vào mặt, đầu và sau gáy ông làm rơi mũ bảo hiểm xuống đường.
Công an Quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) đã bắt khẩn cấp và 2 ngày sau đó khởi tố bị can, bắt tạm giam Quách Minh Nhựt về tội “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Quận 4, TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với Bùi Thanh Khoa (40 tuổi) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Nguyên nhân là do một cô gái khi điều khiển xe máy sát vào xe của Khoa lúc lưu thông trên đường, khiến anh ta loạng choạng tay lái mà từ đó chặn đường, hành hung người dã man.
Còn tại Bình Phước, dù chưa có va chạm gì xảy ra nhưng Phạm Tiến Thành (39 tuổi) đã lái xe bán tải chặn đầu xe ô tô đang lưu thông. Từ trên xe bán tải, Thành hùng hổ bước xuống trên tay cầm một cây gậy đi đến cửa tài xế của xe ô tô đe dọa. Tiếp đó Thành lấy ra bình xịt hơi cay đe dọa và xịt về phía tài xế.
Bức xúc hơn cả là vụ việc một ô tô tải lưu thông trên đường ĐT741, đoạn qua xã Tiến Hưng (TP. Đồng Xoài) khi vừa dừng đèn đỏ thì bất ngờ bị hai người đàn ông đi trên xe bán tải 61C-403.85 bước xuống rồi lao lên cabin xe tải đấm đá túi bụi nam lái xe.
Người phụ nữ đang ôm cháu nhỏ trên xe tải ngồi ghế phụ can ngăn và khóc lóc năn nỉ nhưng hai người đàn ông vẫn liên tục chửi bới và đánh nam lái xe rất tàn bạo.
Thống kê chỉ trong tháng 12/2024, cơ quan công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố 5 người về các tội “Cố ý gây thương tích”, “Gây rối trật tự công cộng” do ẩu đả, đánh người sau va chạm xe trên đường. Đây là con số đáng báo động về cách ứng xử thiếu văn hóa giao thông của một bộ phận người dân. Cái giá phải trả cho hành vi này đó là họ vướng vào vòng lao lý.
Không thể ngụy biện
Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn đến những vụ việc đáng tiếc kể trên xuất phát từ ý thức kém, tâm lý nóng nảy, thiếu kiểm soát cảm xúc của người tham gia giao thông.
Khi xảy ra va chạm thay vì bình tĩnh đối thoại, tìm cách giải quyết trên tinh thần hợp tác, nhiều người lại có xu hướng dùng bạo lực để giải tỏa cơn giận. Điều này còn phản ánh người trong cuộc thiếu các kỹ năng ứng xử, thiếu lòng khoan dung, sự nhẫn nại.

Mỗi người tham gia giao thông trên đường cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định, xây dựng văn hóa giao thông an toàn.
Chỉ cần xe bị trầy xước, nhiều người sẵn sàng biến mình thành “bề trên” và cho mình quyền trút giận lên người khác, bất chấp hậu quả pháp lý có thể xảy ra. Đáng buồn hơn, sự im lặng hoặc thờ ơ của những người xung quanh đôi khi lại vô tình tiếp tay cho những hành vi bạo lực ấy.
Thượng tá Lê Văn Hải - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận, khi có va chạm xảy ra không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đôi bên tự hoà giải nhẹ nhàng thì người vi phạm phải tự nhận thức và không tái phạm.
Nếu không thể tự hoà giải cần phải ghi nhận bằng chứng khi cần thiết, không tự ý bỏ đi khi không có sự đồng ý của bên có liên quan sau khi va chạm. Với vi phạm gây ảnh hưởng, người dân nên liên hệ cơ quan chức năng giải quyết, giữ an toàn cho bản thân, không vì kích động mà hành động thiếu chuẩn mực, ứng xử kém văn minh.
“Bạo lực không giải quyết vấn đề mà chỉ khiến vấn đề thêm nghiêm trọng. Để xây dựng xã hội văn minh, giảm thiểu mâu thuẫn trong xã hội thì ý thức tham gia giao thông cần phải nâng cao và nhờ vào lời xin lỗi, phải thẳng thắn nhận lỗi nếu bản thân sai. Đừng vì một phút nóng giận, phá huỷ cả cuộc đời”, Thượng tá Lê Văn Hải cho biết.
Theo ông Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, phần lớn các vụ va chạm, hành hung, đánh nhau sau va chạm gia thông đều liên quan tới ý thức, văn hóa tham gia giao thông của tài xế.
Khi tham gia giao thông trong điều kiện đông đúc, kẹt xe hay va chạm giao thông, lái xe thường có những phản ứng tiêu cực hoặc dùng vũ lực để giải quyết vấn đề. Đây là những hành vi không tốt, thể hiện ý thức, văn hóa tham gia giao thông yếu kém, thậm chí là vi còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trao đổi với PV, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, trong bối cảnh giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn đông đúc, dễ đẩy con người ta đến chỗ “nóng mặt”. Do đó người tham gia giao thông phải hết sức tỉnh táo, kiềm chế để rút lui trước, tránh những xô xát, hành hung có thể xảy ra.
Trường hợp nếu đối tượng quá hung hãn, cục súc, hành động thiếu văn hóa, hễ va chạm là dừng xe lao vào hành hung, đấm đá, bóp cổ, bạt tai thì cần tìm cách né tránh hoặc thoát thân để hạn chế thương tổn cho bản thân. Sau đó nhờ sự can thiệp của lực lượng chức năng để giải quyết.
Thói côn đồ trong văn hóa ứng xử tham gia giao thông là điều có thể thay đổi được nếu mỗi cá nhân đều có ý thức chấp hành tốt các quy định pháp luật. Mỗi gia đình cũng đề cao việc nêu gương từ bố mẹ, người lớn trong chấp hành các quy tắc giao thông, không phóng nhanh, vượt ẩu cũng là góp phần hạn chế va chạm giao thông.
Với các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi côn đồ, hung hãn trong va chạm giao thông. Nếu ở mức hình sự thì cần khởi tố, điều tra, xét xử nghiêm minh để tạo sức răn đe.
Giáo dục Luật giao thông đường bộ tới người dân cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức về văn hóa và thái độ ứng xử trong giao thông. Hai yếu tố này không thể tách rời, bởi chỉ khi người dân vừa hiểu luật vừa biết cách hành xử văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn và văn minh.
Thế Anh