Trí tuệ nhân tạo là “chìa khóa” để Việt Nam bứt phá trong CMCN 4.0

Thứ bảy, 25/08/2018 08:15 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng phát triển trên thế giới, xuất hiện trong mọi mặt của đời sống, giải được nhiều bài toán hóc búa trong xã hội. Việt Nam đang có nhiều lợi thế đối với ngành xuất khẩu, gia công phần mềm ứng dụng công nghệ AI cho nhiều lĩnh vực như: giao thông, giáo dục, y tế, ngân hàng… để có thể thuận lợi tiến vào CMCN 4.0.

Xu thế tất yếu mở ra hướng đi mới

Giám đốc Nhóm giải pháp phần mềm IBM Việt Nam - Trần Nguyên Vũ cho biết, hơn một năm trước, một nhóm bác sĩ ở Nhật Bản và một chương trình điện toán nhận thức của IBM (IBM Watson) cùng xem xét hồ sơ về một bệnh nhân ung thư, sau đó đưa ra hai phác đồ điều trị khác nhau. Cuối cùng, các bác sĩ đã lựa chọn phác đồ của IBM Watson do hệ thống đã phân tích, tổng hợp từ hơn 40 triệu tài liệu trong 15 giây về những ca bệnh tương tự, sau đó đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Điều này cho thấy, AI hoàn toàn có thể đưa ra câu trả lời cho những vấn đề mà con người phải mất nhiều thời gian mới tìm được lời giải nếu nó được cung cấp đầy đủ dữ liệu. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, rất nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đã nghiên cứu về AI và mang nó ứng dụng vào mọi mặt của cuộc sống như: thư điện tử tự động phân loại nhóm spam, quảng cáo; điện thoại di động với chức năng trợ lý ảo; ứng dụng đặt xe grab, uber…

Báo Công luận
Tại Việt Nam gần đây có khá nhiều đơn vị đã nắm bắt xu hướng, thành lập các dự án nghiên cứu về AI và đã đạt được một số thành tựu nhất định tạo ra các ứng dụng trong việc kết nối, chia sẻ sử dụng xe, thương mại điện tử, giáo dục thông minh… Nhiều chuyên gia có nhận định, trong thời gian từ 3 năm đến 5 năm tới, AI sẽ phát triển rất nhanh, hiện hữu quanh cuộc sống của con người. Từ chiếc điện thoại thông minh có chức năng chụp ảnh tự động lấy nét khuôn mặt chính là AI, hay khi đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội, AI tự động nhận diện và đánh dấu khuôn mặt bạn bè, người thân có trong bức ảnh đó, cho đến việc một hệ thống nhà máy hoàn toàn tự động xử lý các công việc không cần con người phải làm. Điều này cũng sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới, một số công việc sẽ không cần đến con người mà do máy tính làm sẽ nhanh và đưa lại các kết quả chính xác tốt hơn. Lúc này, con người chỉ có một công việc là cung cấp dữ liệu cho máy móc và một số sẽ phải lựa chọn công việc khác có giá trị hơn mà máy móc chưa làm được. 

Theo GS.TS, Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), chìa khóa để mở hướng nghiên cứu, phát triển AI chính là phải có dữ liệu dùng chung để có thể làm ra những sản phẩm mới. Trung Quốc - một trong hai quốc gia trên thế giới đi đầu về AI - đã xây dựng được những cơ sở dữ liệu dùng chung khổng lồ. Trong khi đó, tại Việt Nam, nguồn dữ liệu lại đang phân tán ở các ngành, lĩnh vực mà chưa có sự kết nối, chia sẻ. Tuy vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là có đầy tiềm năng ứng dụng, phát triển AI và phải nắm bắt cơ hội này để tiến vào CMCN 4.0.

Biến tiềm năng thành lợi thế trong cuộc đua về AI

TS. Trần Việt Hùng, người sáng lập Got It cho rằng, về ứng dụng và phát triển AI, Việt Nam không ở khoảng cách quá xa so với thế giới, nhưng cần có những thúc đẩy để ngày càng có nhiều sự đầu tư vào AI. Các doanh nghiệp cũng không cần quá quan tâm đến việc phải làm cái gì thật lớn, thật hoành tráng mới so sánh được với nước khác mà cần lựa chọn những phân khúc nhỏ hơn, nhưng vẫn có nhiều khách hàng. Như hiện nay trong lĩnh vực thương mại điện tử, AI đã được ứng dụng để phân tích dữ liệu người dùng, thói quen tiêu dùng để từ đó đưa ra các phương án đáp ứng. Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, ngoài các dịch vụ chia sẻ địa điểm, gọi xe chung để từ đó có các phần mềm phân tích vấn đề về giao thông, các thông tin liên quan… Chẳng hạn muốn tránh tắc đường, AI sẽ biết được đường nào tắc, số lượng xe đang tập trung để từ đó đưa các phương án cho tài xế tránh khỏi khu vực. Nhất là với hệ thống này, việc cá nhân hóa cho từng người dùng cụ thể có thể làm được, hiệu quả sẽ tăng lên gấp nhiều lần thay vì một chương trình chỉ thông báo tình trạng tắc đường cho lái xe hiện nay. Hay như đối với giáo dục, AI sẽ giúp hệ thống hiểu được học sinh chi tiết, tùy từng đối tượng mà đưa ra chiến lược giảng dạy khác nhau để mang lại hiệu quả cao nhất… Thực tế, còn rất nhiều những ứng dụng khác nữa và vẫn trong quá trình nghiên cứu, phát triển không ngừng và đang hiện diện trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội giúp giải phóng sức lao động, khai thác những tiềm năng mới sáng tạo. 

Chủ tịch HĐQT Công ty Five9 Việt Nam - Nguyễn Trọng Huấn cho biết, đối với các nghiên cứu, phát triển về AI hiện nay, Việt Nam có thể chiếm ưu thế so với các nước do có lợi thế về lượng người sử dụng dịch vụ viễn thông lớn, 35% dân số sử dụng mạng xã hội với bình quân lên tới 25 giờ mỗi tuần, cao hơn gần 15% so với bình quân chung thế giới. Nhưng trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam khi phát triển và ứng dụng các sản phẩm AI hiện nay vẫn là dữ liệu. Như đánh giá của các chuyên gia thì nếu chúng ta cung cấp đủ dữ liệu đầu vào, máy sẽ hỗ trợ tối đa cho chúng ta, thậm chí giúp đưa ra những câu trả lời cho những câu hỏi mà từ trước tới nay chưa có câu trả lời. Theo TS Trần Việt Hùng, ở bất kỳ quốc gia nào, việc ứng dụng AI phải có ba yếu tố cốt lõi đó là: dữ liệu; khả năng tính toán, xử lý dữ liệu và con người, nguồn nhân lực. Bởi lẽ, nếu không có dữ liệu, máy sẽ không thể “học”, càng nhiều dữ liệu sẽ giúp cho ứng dụng thông minh hơn. Bên cạnh đó, AI cũng phụ thuộc vào các giải thuật được thiết kế bởi con người và đào tạo các hệ thống AI đều do con người. Để có được một sản phẩm liên quan đến AI thành công cần xem xét đã đủ các yếu tố nói trên hay chưa, nếu thiếu phải bổ sung thì mới có được hệ thống như mong muốn.

Với lợi thế về nhân lực, khả năng nắm bắt xu hướng công nghệ nhanh, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm nghiên cứu về AI của khu vực và thế giới. Để làm được điều đó, không chỉ cần có các doanh nghiệp thành lập các dự án về AI, mà quan trọng hơn hết là Nhà nước, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp. Qua đó sẽ có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp, có những nghiên cứu về AI, các lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới tạo ra giá trị cho xã hội, nhất là phải chuẩn hóa và có cơ sở dữ liệu để khai thác. Đây có thể nói là một hướng đi cho doanh nghiệp Việt Nam để không bị “lỡ chuyến” khi con tàu CMCN 4.0 đã khởi động và dự kiến sẽ tăng tốc trong thời gian tới.

Hoàng Nhật 

Tin khác

Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

Phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030

(CLO) Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII, trực thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học trên cả nước.

Sức sống số
Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

Đánh giá bộ sạc nhanh 50W của Samsung sắp ra mắt

(CLO) Samsung, một trong những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực điện thoại di động, đang chuẩn bị ra mắt một sản phẩm mới - bộ sạc nhanh 50W.

Sức sống số
Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý tài sản ảo theo tiêu chuẩn VASP

(CLO) Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, ngày 24/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP.

Sức sống số
Xem trước mẫu Galaxy Z Fold6 ra mắt trong thời gian tới

Xem trước mẫu Galaxy Z Fold6 ra mắt trong thời gian tới

(CLO) Samsung dự kiến sẽ ra mắt mẫu smartphone màn hình gập tiếp theo của họ là Galaxy Z Fold6 trong khoảng 3 tháng tới đây, máy sẽ có ít nhất 5 tùy chọn màu sắc.

Sức sống số
Apple ấn định ngày ra mắt iPad thế hệ mới vào 7/5/2024

Apple ấn định ngày ra mắt iPad thế hệ mới vào 7/5/2024

(CLO) Apple mới đây vừa mang đến một bất ngờ cho người dùng khi công bố một sự kiện đặc biệt vào ngày 7/5/2024 với chủ đề là “Let Loose”.

Sức sống số