(CLO) Tính đến ngày 31/10/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các tỉnh, thành phố trên cả nước đã lên tới 14.237 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, Khởi kiện doanh nghiệp nợ đọng BHXH là phương án được BHXH Việt Nam chọn làm giải pháp sẽ thực hiện vào thời gian tới.
[caption id="attachment_133679" align="aligncenter" width="640"]
BHXH Điện Biên chuẩn bị khởi kiện 51 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN. Ảnh IE.[/caption]
Trong tổng số nợ trên, nợ quỹ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chưa tính số nợ của các đơn vị giải thể, phá sản, bỏ trốn… Trong đó, số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH, nợ BHTN là 516 tỷ đồng, nợ BHYT là 4.170 tỷ đồng.
Theo BHXH Việt Nam, nguyên nhân nợ các loại bảo hiểm là do điều kiện kinh tế khó khăn, ý thức chấp hành pháp luật kém của chủ sử dụng lao động và từ cơ quan BHXH các cấp. Một số giám đốc BHXH tỉnh chưa quyết liệt trong công tác đôn đốc thu, thu hồi nợ, chưa chủ động báo cáo và đề xuất UBND các cấp chỉ đạo, xử lý các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.
Bàn về các giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH, cơ quan BHXH Việt Nam và Tổng LĐTĐ Việt Nam sẽ cùng thực hiện Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-LĐLĐ-BHXH về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.
Hai cơ quan sẽ cùng thảo luận để ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết vướng mắc về vấn đề khởi kiện, ủy quyền khởi kiện, trách nhiệm khởi kiện để công đoàn các cấp chủ động khởi kiện vi phạm của người sử dụng lao động. Đồng thời, khẩn trương bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác khởi kiện có đủ năng lực tranh tụng tại tòa án.
Tính đến 13/11, cơ quan BHXH các cấp đã cung cấp danh sách, hồ sơ 91 đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH cho công đoàn cùng cấp để thực hiện việc khởi kiện (trong đó nhiều nhất là của BHXH tỉnh Điện Biên với 51 hồ sơ, Nam Định 9 hồ sơ).
Sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ chọn 15 địa phương có tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH nhiều nhất để thực hiện khởi kiện doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, tổ chức 3 đợt tập huấn cho cán bộ công đoàn các tỉnh, thành phố tại 3 vùng, miền các kỹ năng khởi kiện vụ án lao động; thực hành khởi kiện; kỹ năng tham gia phiên tòa xét xử vụ án lao động, hướng dẫn thủ tục tham gia tố tụng dân sự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể; hướng dẫn bộ biểu mẫu hồ sơ khởi kiện…
Về phía BHXH Việt Nam, cơ quan này sẽ chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Đến 31/12 mỗi tỉnh, thành phố sẽ thực hiện thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 3 tháng.
Cơ quan BHXH cũng sẽ cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với LĐLĐ khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa. Đến 31/12 mỗi tỉnh, thành phố thực hiện nộp đơn khởi kiện ra tòa án ít nhất từ 10-50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 6 tháng.
Phương Linh