Triển khai các mô hình chuyển đổi số hiện đại để báo chí Hải Phòng phát triển bền vững
(CLO) Ngày 6/6, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Trung tâm Báo chí và Truyền thông Hải Phòng tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số báo chí Hải Phòng để phát triển bền vững”.
Đây là một trong chuỗi hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), thể hiện tinh thần quyết liệt triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Thành ủy và nhất là Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 26-10-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về “Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Phạm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố đặt vấn đề: Trong kỷ nguyên số, công nghệ trở thành “luồng gió” làm thay đổi mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục, đến văn hóa, xã hội và lĩnh vực báo chí không phải ngoại lệ. Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là yêu cầu tất yếu để báo chí tồn tại, thích nghi và giữ vững vai trò “người dẫn đường” trong xã hội.
Tuy nhiên, quá trình này đặt ra những thách thức không nhỏ: Sự cạnh tranh khốc liệt từ các nền tảng mạng xã hội, nơi thông tin đa chiều nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tin giả, tin độc hại. Áp lực kinh tế khi mô hình truyền thống đang dần lỗi thời, trong khi nguồn thu từ báo chí số vẫn chưa bền vững. Khoảng cách số giữa các khu vực, đối tượng độc giả, đòi hỏi sự cân bằng giữa công nghệ và tính nhân văn…
Cùng với những khó khăn, thử thách là những cơ hội rộng mở: Công nghệ AI, Big Data giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, phân tích dữ liệu độc giả và sáng tạo nội dung đa phương tiện; nền tảng số cho phép lan tỏa thông điệp nhanh, rộng, tương tác hai chiều, kết nối báo chí với công chúng là giới trẻ; báo chí dữ liệu và báo chí giải pháp trở thành công cụ đắc lực để phản ánh những vấn đề phát triển bền vững từ biến đổi khí hậu đến bình đẳng xã hội…
Đồng chí Giám đốc Trung tâm Báo chí và Truyền thông thành phố bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, chuyên gia và người làm báo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các mô hình chuyển đổi số thành công; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, công nghệ và nhân lực; đề xuất giải pháp để báo chí trở thành “cầu nối” giữa tiến bộ số và phát triển bền vững.

Tại tọa đàm, các đồng chí lãnh đạo cơ quan báo chí, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ tham luận về các nội dung: “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và xây dựng hạ tầng số”; “Sự bùng nổi của AI - dữ liệu và tương lai của lĩnh vực báo chí - truyền hình”; “Disinformation Security - Hệ quả tất yếu của AI và giải pháp thích ứng trong truyền thông đa phương tiện”; “Nền tảng chuyển đổi số báo chí, phát thanh và truyền hình”; “Báo Lao động và chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghiệp vụ báo chí”; “Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ nhà báo số gắn với thực tiễn Báo Nhân dân”; “Thách thức, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí địa phương”…
Thông qua các tham luận giúp các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo thành phố Cảng nhận diện và đưa ra các giải pháp phù hợp trong tiến trình phát triển mới.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu tham quan các sản phẩm, mô hình và trình diễn các ứng dụng chuyển đổi số thành công nhằm góp phần đề xuất thành phố lựa chọn giải pháp, ứng dụng phù hợp trong chuyển đổi số báo chí Hải Phòng.