Triển khai các thủ tục trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới
(CLO) Địa đạo Củ Chi được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh.
Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về hoàn thiện báo cáo tóm tắt Địa đạo Củ Chi và giải trình một số nội dung với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về việc trình UNESCO đưa di tích này vào danh mục dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Đường xuống hầm Địa đạo Củ Chi. Ảnh: TP
Hiện nay, Bộ VHTT&DL đang chờ ý kiến đánh giá thống nhất của các cơ quan liên quan để báo cáo Thủ tướng xem xét, cho phép Bộ phối hợp cùng Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đăng ký với Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO để đưa di tích Địa đạo Củ Chi vào danh sách đề cử Dự kiến xây dựng hồ sơ Di sản thế giới.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, Địa đạo Củ Chi được xây dựng hoàn toàn bằng sức người, với những công cụ thô sơ và dựa trên kinh nghiệm truyền thống, tri thức dân gian trong hoàn cảnh chiến tranh. Đây là yếu tố thể hiện sức mạnh phi thường của con người Củ Chi cũng như giá trị độc đạo của công trình, khiến công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế ngưỡng mộ, khâm phục.
Hiện tại, một số nhân vật lịch sử tham gia xây dựng địa đạo cung cấp tài liệu, thông tin liên quan quá trình hình thành địa đạo còn sinh sống trên địa bàn. Đây là những nhân chứng quan trọng, góp phần xây dựng hồ sơ đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và nổi bật các tiêu chí về giá trị toàn cầu của di sản.

Du khách nước ngoài tham quan Địa đạo Củ Chi. Ảnh: TL
Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về phía Tây Bắc. Được xây dựng từ năm 1946, Địa đạo Củ Chi ban đầu chỉ là những hầm trú ẩn bí mật riêng lẻ, do ảnh hưởng của chiến tranh mà sau đó các hộ dân đã liên kết các hầm với nhau tạo thành.
Khoảng năm 1961-1965, trước sự leo thang khốc liệt của chiến tranh, Địa đạo Củ Chi được xây dựng, phát triển mạnh thành hệ thống địa đạo kiên cố, liên hoàn với quy mô rộng khắp 6 xã trên địa bàn huyện Củ Chi với chiều dài khoảng 250 km ẩn dưới lòng đất.
Giai đoạn 1945-1975, Địa đạo Củ Chi phát triển từ những hầm bí mật trở thành hệ thống liên hoàn bao gồm nhiều các địa đạo, hầm giao thông, hầm chiến đấu, hệ thống công sự, các khu sinh hoạt như bếp ăn, phòng hội họp, phòng cứu chữa thương bệnh binh, kho chứa lương thực, vũ khí dưới lòng đất...

Mô hình hệ thống hầm ở địa đạo Củ Chi. Ảnh: TL
Sau năm 1975, một số khu vực thuộc Địa đạo Củ Chi đã được gìn giữ, bảo tồn và đưa vào khai thác, phát huy giá trị phục vụ khách tham quan trong nước và quốc tế cũng như là điểm đến giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm.
Di tích Địa đạo Củ Chi đã được Thủ tướng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2015. Năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã được giao tham mưu, lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Địa đạo Củ Chi là Di sản thế giới.
T.Toàn