Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh:

Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW - Thách thức và Cơ hội

Thứ tư, 15/01/2020 11:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau hơn một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành T.Ư về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28-NQ/TW) - đây được coi là chặng đường không dễ dàng đối với toàn ngành BHXH. Bởi những bước đầu của hành trình cán đích mục tiêu bao giờ cũng gian nan và nhiều thách thức.

Nhưng qua đó cũng thấy những nỗ lực không ngừng và sự quyết liệt vào cuộc của toàn Ngành. Cuộc trò chuyện của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh với báo Nhà báo & Công luận sẽ làm rõ những bước triển khai, các giải pháp hiệu quả của ngành BHXH hơn một năm qua.

+ Nghị quyết số 28-NQ/TW là chính sách đặc biệt quan trọng, để chính sách thực sự trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, thời gian qua, ngành BHXH đã bám sát chủ trương, có những bước triển khai cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Có thể nói, một trong những mục tiêu tổng quát về cải cách chính sách BHXH được đề cập đến tại Nghị quyết Trung ương 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII là “Cải cách chính sách BHXH để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân”. Trong một năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống.

Thứ nhất, BHXH Việt Nam triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức nghiên cứu triển khai quán triệt Nghị quyết số 28-NQ/TW, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong nội bộ Ngành đồng thời cũng tăng cường công tác truyền thông về Nghị quyết qua các Hội nghị, Tọa đàm với người dân, người lao động và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ hai, BHXH Việt Nam cũng đã tập trung tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết sát sao và quyết liệt, đơn cử như việc phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương; ban hành Chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ ngày 16/08/2018 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; ban hành Quyết định số 2445/QĐ-BHXH ngày 29/11/2018 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; đồng thời cũng thực hiện công tác giao kế hoạch thu chi sớm cho các địa phương chủ động trong thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo điều hành, chúng tôi luôn tiến hành kiểm tra, đôn đốc để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế và có chỉ đạo các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc.

Thứ ba, song song đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hồ sơ, quy trình nghiệp vụ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện, nâng cao chất lượng hiệu quả, tiến tới đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 nâng cao chất lượng dịch vụ. Một nội dung quan trọng nữa là tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng xử lý vi phạm theo quy định. Cùng với đó là việc thường xuyên đổi mới phương thức truyền thông chính sách, cũng như việc thực hiện công tác thu BHXH tự nguyện.

Ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

Ông Đào Việt Ánh- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam.

+ Năm 2019 được ngành BHXH xác định là năm bản lề quan trọng thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW. Hơn một năm nhìn lại, ông đánh giá như thế nào về những chuyển biến mạnh mẽ và nỗ lực của toàn ngành?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Hơn một năm qua, chúng tôi có thể nhìn thấy được những cơ hội và thách thức trước mắt và rõ ràng để chính sách đi vào cuộc sống là không dễ dàng. Qua đó, có thể thấy trong bất cứ một khâu triển khai nào chúng tôi đều phát huy tối đa tinh thần phối hợp, thống nhất và quyết tâm cao của toàn lực lượng. Thời gian qua, chúng tôi đã đạt được một số kết quả quan trọng: Chỉ tiêu số người tham gia BHXH tiếp tục tăng và đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao.

Nếu tính trong 05 năm trở lại đây, từ năm 2014, hằng năm số người tham gia BHXH tăng bình quân hơn 5,8%. Về BHXH tự nguyện có tốc độ tăng lớn hơn. Cụ thể, số người tham gia BHXH bắt buộc ước tính đến tháng 10/2019 là gần 14,9 triệu người; BHXH tự nguyện khoảng 488.000 người, tăng mạnh so với 2018.

Những con số khả quan cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngành BHXH cùng với đó là sự chỉ đạo quan tâm từ Đảng, Nhà nước, sự phối hợp từ các bộ, ban ngành liên quan. Nhiệm vụ rõ ràng, những công việc vẫn còn đó nhiều bộn bề luôn cần sự chung tay hơn nữa. Dù năm bản lề đã qua nhưng những năm tiếp theo, để chính sách đi vào thực tiễn sâu rộng luôn rất cần những cách làm hay, những hướng triển khai sáng tạo, đặc biệt là từ các địa phương trong cả nước.

+ Có thể nhìn thấy, sau hơn 01 năm triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với toàn ngành. Vậy ngành BHXH đã có “kế sách” gì để “cán mốc” các mục tiêu đề ra thời gian tới thưa ông?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Nghị quyết số 28-NQ/TW có 11 nội dung cải cách và đưa ra 05 nhiệm vụ, giải pháp hết sức quan trọng. Đối với trách nhiệm của ngành, nếu thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đề ra thì công tác BHXH chắc chắn sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ và đạt được kết quả khả quan.

Ngày 16/08/2018, Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động số 107-Ctr/BCSĐ về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, trong đó có 04 điểm quan trọng. Quan trọng nhất là vấn đề sớm hoàn thiện chính sách theo định hướng Trung ương đề ra, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng phải có lộ trình phù hợp đặc điểm của từng thời kỳ, từng đối tượng. Lộ trình đó phải làm sao để tính khả thi cao, từng đối tượng phải có chính sách phù hợp: người nông dân khác, đối tượng người lao động tự do khác, giải quyết được sự bất bình đẳng giữa các đối tượng.

Rất nhiều vấn đề cần được cụ thể hóa từng bước trong thực hiện. Vì thế, thời gian tới, ngành BHXH sẽ tập trung tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng cụ thể, tuyên truyền kết hợp với giải thích, tăng tính tương tác phản biện. Đồng thời, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các công tác này. Hiện nay, BHXH Việt Nam là một trong sáu đơn vị được Chính phủ giao xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, với trọng trách xây dựng dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, nhưng hệ thống này chỉ có thể vận hành tốt khi cả sáu cơ sở dữ liệu vận hành tốt, đồng bộ, khi đó mới giảm được thủ tục hành chính. Riêng về phía BHXH Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù rất có lợi cho người tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế.

Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù rất có lợi cho người tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế.

+ Với sự tích cực trong công tác chỉ đạo, BHXH các tỉnh, thành phố trên cả nước thời gian qua đã có sự “vào cuộc” như thế nào, thưa ông?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Chúng tôi đánh giá cao sự triển khai quyết liệt từ cơ sở. Nhờ vậy đã góp phần không nhỏ vào những kết quả của toàn ngành thời gian qua trong công cuộc triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW. Ngay khi có chủ trương từ Trung ương, BHXH các tỉnh đã kịp thời phổ biến, quán triệt Nghị quyết trong đảng bộ, cơ quan, các đơn vị trực thuộc, tổ chức học tập, nghiên cứu Nghị quyết. Đồng thời, Đảng ủy BHXH các tỉnh đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo chỉ đạo của ngành, của tỉnh, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm đối với các lĩnh vực liên quan, tác động trực tiếp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp để đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết. Đồng thời chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

Cùng với đó, BHXH các tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết số 28-NQ/TW trên các cơ quan báo chí, truyền thông, trang tin điện tử của BHXH tỉnh, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Đẩy mạnh thực hiện công tác cải cách hành chính; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; nâng cấp hệ thống các phần mềm, cập nhật cơ sở dữ liệu tập trung; cập nhật thông tin không chỉ đối tượng tham gia BHXH, BHYT mà mở rộng theo dõi tăng, giảm, di chuyển, biến động dân số của huyện, của tỉnh; liên thông dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH - thẻ BHYT, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam. Đã triển khai ứng dụng hiệu quả hệ thống Quản lý văn bản trên hệ điều hành. Nâng cao chất lượng hoạt động chuyên môn của các đơn vị trực thuộc, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của ngành để phục vụ tốt hơn cho người dân, người lao động và người sử dụng lao động...

+ BHXH địa phương đã có những nỗ lực rất lớn, đặc biệt là trong việc phát triển BHXH tự nguyện, nhưng hiệu quả còn chưa được như mong muốn. Vì theo thống kê, hiện cả nước còn khoảng 30 triệu người chưa tham gia BHXH. Vậy theo ông, “nút thắt” nào cần được “tháo gỡ”?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù rất có lợi cho người tham gia. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này còn một số khó khăn, hạn chế: Thứ nhất, xuất phát từ đối tượng của chính sách chủ yếu là người lao động khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động, người nông dân, lao động tự do,... họ thường có tính chất công việc không ổn định và mặt bằng thu nhập chung là thấp; do đó, việc trích nguồn thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng đang phải lo trang trải cho các khoản chi phí sinh hoạt trước mắt, cho nên việc tiết kiệm để lo cho tương lai chưa được quan tâm. Mặt khác, tuy chính sách nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện đã được triển khai từ năm 2018, nhưng do mức hỗ trợ còn thấp, chưa thật sự tạo động lực để thúc đẩy người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Thứ hai, trên thực tế, chính sách BHXH tự nguyện mới chỉ được thực hiện với hai chế độ là hưu trí và tử tuất, đây là những chính sách dài hạn, còn những chính sách ngắn hạn như ốm đau, thai sản - những chính sách được người dân hưởng lợi trong thời gian ngắn lại chưa được cung cấp. Ví dụ, để được hưởng lương hưu thì ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH - đây chính là rào cản để người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện…

Chính vì thế, cần có những định hướng và giải pháp trong thời gian tới như: Cần thúc đẩy việc chuyển dịch lao động từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức để tạo sự ổn định về công việc, thu nhập và là cơ sở cho việc tham gia BHXH. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đa dạng các phương thức thu nộp BHXH; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tới các địa phương. Và quan trọng nhất là cần kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, cụ thể thực hiện lộ trình để giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu; thêm các chế độ BHXH ngắn hạn, thực hiện các gói BHXH ngắn hạn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của người dân; điều chỉnh chính sách hỗ trợ tiền đóng phù hợp, tạo động lực để khuyến khích người dân tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới.

Trong một năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống.

Trong một năm qua, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đưa Nghị quyết số 28-NQ/TW từng bước đi vào cuộc sống.

+ Được biết, BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp các bộ, ngành xây dựng Ðề án cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL) về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia có liên quan, để trình Thủ tướng Chính phủ. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Việc xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ xác định rất cần thiết và cần ưu tiên xây dựng sớm để làm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, đồng thời giao cho BHXH Việt Nam làm cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ này. Năm 2019, ngành đang tiếp tục cập nhật mã số và đồng bộ thông tin định danh người tham gia BHXH; quản lý dữ liệu quá trình thu nộp, chi trả BHXH, thông tin đơn vị tham gia BHXH… Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ đề xuất các “hành lang” pháp lý cần thiết và tiến hành liên thông, cung cấp thông tin, dữ liệu với các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm góp phần vào việc kiến tạo Chính phủ điện tử.

Riêng đối với người dân, dữ liệu bảo hiểm là dữ liệu chứa thông tin BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của công dân. Vì vậy, công dân cần theo dõi các thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của mình, nhằm tự đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của bản thân; đồng thời cũng làm cơ sở để theo dõi, định hướng về y tế, an sinh xã hội của mình hiện tại và trong tương lai.

BHXH Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu điện tử về quản lý BHXH liên thông, hiện đại với công nghệ mới nhất. Điều này hứa hẹn mang lại diện mạo mới cho ngành BHXH trong việc quản lý, cung cấp dịch vụ theo hướng tập trung, nhanh chóng, chính xác; hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

+ Một trong những giải pháp mở rộng đối tượng tham gia chính là công tác truyền thông chính sách BHXH trong toàn dân. Nhưng có điều, thông tin, truyền thông để người dân hiểu đúng giá trị thực sự của Nghị quyết, chắc hẳn không thể ngày một ngày hai. Thưa ông, ngành đã tính “đường dài” và những phương án đổi mới để hiệu quả hơn trong công tác truyền thông như thế nào trong thời gian  tới?

- Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Công tác truyền thông về BHXH được đánh giá là rất quan trọng trong việc đưa Nghị quyết số 28 NQ/TW đi vào cuộc sống. Thời gian qua, công tác này đã và đang được triển khai rất tích cực. Để phát huy hiệu quả của công tác truyền thông, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông theo hướng chuyên nghiệp vì sự hài lòng của người dân. Đồng thời sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mối quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương để tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Theo đó công tác thông tin, truyền thông phải làm tốt cả công tác định hướng dư luận.

Và để thiết thực hơn nữa, công tác này sẽ tập trung nhiều hơn vào những nội dung thông tin người dân quan tâm, đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đặc biệt là những vấn đề dư luận đang quan tâm và các chính sách mới; chú trọng các hình thức truyền thông trực tiếp (tư vấn, đối thoại, tọa đàm…) tại cơ sở, nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH theo tinh thần của Nghị quyết. Nội dung truyền thông đảm bảo thiết thực, phù hợp với từng nhóm đối tượng và tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường công tác thông tin, truyền thông qua hệ sinh thái Internet; chú trọng đào tạo kỹ năng truyền thông, đặc biệt là kỹ năng tổ chức và sử dụng các hình thức truyền thông mới, trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho cán bộ, cộng tác viên truyền thông từ Trung ương đến địa phương.

Song song với những giải pháp này, chúng tôi cũng không ngừng nâng cao tính chuyên nghiệp hóa đội ngũ từ trình độ đến trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, tìm đến người dân, người lao động”. Bởi những người đi tuyên truyền, vận động cũng phải được đào tạo bài bản, toàn diện về kiến thức, hiểu biết, nắm vững chính sách BHXH, cách thức tiếp cận người dân một cách hiệu quả nhất.

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

Thiên Trường - Bảo Minh (Thực hiện)

Tin khác

FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

FPT Retail (FRT) doanh thu Quý 1/2024 đạt 9.042 tỷ đồng

(CLO) Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HoSE: FRT) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024 với doanh thu đạt 9.042 tỷ đồng, lãi sau thuế đã dương trở lại.

Tài chính - Bảo hiểm
Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số

(CLO) Ngày 25/4/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024.

Tài chính - Bảo hiểm
Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

Sabeco (SAB) doanh thu Quý 1 tăng 15% so với cùng kỳ

(CLO) Báo cáo kết quả kinh doanh Quý 1 cho thấy doanh thu Sabeco (SAB) tăng trưởng 15,6% lên mức 7.184 tỷ đồng. Lãi gộp tăng 10% đạt 2.100 tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm

SeABank kết nối hưng thịnh, tri ân khách hàng doanh nghiệp nhân dịp 30 năm

(CLO) Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, SSB) có cơ hội nhận e-Voucher trị giá tối đa 3 triệu đồng, 01 lượng vàng AJC kèm nhiều ưu đãi hấp dẫn. Tổng trị giá giải thưởng lên tới hàng tỷ đồng.

Tài chính - Bảo hiểm
3 giải pháp số của Vietcombank nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

3 giải pháp số của Vietcombank nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(CLO) 3 giải pháp số của Vietcombank là VCB CashUp, Host to Host/API Intergration và VCB i-School được đánh giá cao và vinh danh tại lễ trao giải thưởng Sao Khuê 2024.

Tài chính - Bảo hiểm