Triển lãm báo chí tại Quảng Bình: Tri ân, tiếp nối và lan tỏa giá trị cách mạng
(CLO) Chiều 8/5, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình khai mạc trưng bày chuyên đề “Báo chí cách mạng Việt Nam – Một thế kỷ xung trận”, do Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp thực hiện.
Sự kiện đặc biệt này nhằm kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025) và 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), đồng thời là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước.

Cách đây đúng một thế kỷ, ngày 21/6/1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập tờ Thanh Niên – tờ báo đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ đó, dòng chảy báo chí cách mạng không ngừng lớn mạnh, đóng vai trò then chốt trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Tại triển lãm, thông qua hơn 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu được lựa chọn kỹ lưỡng, công chúng có dịp nhìn lại những dấu ấn vẻ vang của nền báo chí cách mạng: từ những trang báo viết tay giữa chiến khu, những chiếc máy in thô sơ thời kháng chiến, đến những hình ảnh nhà báo tác nghiệp tại chiến trường ác liệt. Trong đó, nổi bật là các hiện vật liên quan đến thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ – giai đoạn mà báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập, báo chí tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh kịp thời các thành tựu phát triển đất nước, đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và lan tỏa những giá trị nhân văn.
Như lời Bác Hồ căn dặn: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” – câu nói này tiếp tục là kim chỉ nam cho các thế hệ người làm báo hôm nay và mai sau.

Phần thứ hai của triển lãm mang tên “Tự hào Báo chí Quảng Bình”, là lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ nhà báo quê hương Quảng Bình.
Quảng Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra nhiều nhà báo lỗi lạc, trong đó có Đại tướng Võ Nguyên Giáp – nhà lãnh đạo quân sự thiên tài đồng thời là một nhà báo xuất sắc; Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân; nhà báo Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Quảng Bình…
Triển lãm cũng khắc họa chân dung của những nhà báo - liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận thông tin. Trong đó, câu chuyện về nhà báo Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên Báo Quảng Bình – người con gái kiên cường của đất Đồng Hới, hy sinh khi đang tác nghiệp giữa chiến trường ở tuổi 24, khiến nhiều người xúc động. Hay nhà báo Bùi Đình Túy, người con Quảng Trạch, một trong những nhà báo đầu tiên chụp ảnh màu Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng đã ngã xuống trên chiến trường miền Nam khi đang tác nghiệp.
Những hy sinh ấy không chỉ là mất mát, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho lớp lớp nhà báo sau này – nhắc nhớ họ luôn giữ vững tinh thần dấn thân, bản lĩnh nghề nghiệp và lòng trung thành với sự thật.

Phát biểu tại sự kiện, ông Thân Quang Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Báo chí Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm vừa mang ý nghĩa chính trị, lịch sử, vừa giáo dục truyền thống sâu sắc, là dịp để công chúng hiểu thêm về hành trình vẻ vang của báo chí cách mạng và tri ân những người làm báo, đặc biệt là các nhà báo - liệt sĩ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp.”
Thông qua trưng bày chuyên đề, công chúng – đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ hơn về vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm cao cả của người làm báo trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Đồng thời, đây cũng là lời kêu gọi gìn giữ và phát huy truyền thống báo chí cách mạng trong bối cảnh chuyển đổi số, khi báo chí đang tiếp tục thích ứng, đổi mới để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Triển lãm “Báo chí cách mạng Việt Nam – Một thế kỷ xung trận và Tự hào Báo chí Quảng Bình” sẽ mở cửa đón khách tham quan tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình từ ngày 8/5 và kéo dài đến hết tháng 6/2025.