Triển lãm tranh kỷ niệm 100 năm Ngày sinh hoạ sĩ Tạ Thúc Bình
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh hoạ sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng gia đình tổ chức triển lãm những tác phẩm của ông từ ngày 4 đến 6/5, tại nhà Triển lãm Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh hoạ sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cùng gia đình tổ chức triển lãm những tác phẩm của ông từ ngày 4 đến 6/5, tại nhà Triển lãm Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
[caption id="attachment_161908" align="aligncenter" width="665"]Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố hoạ sĩ, nhà giáo Tạ Thúc Bình – một trong những hoạ sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, đông đảo các thế hệ hoạ sĩ đã tề tựu, cùng tôn vinh di sản, những đóng góp của ông cho mỹ thuật nước nhà trong triển lãm tranh đặc biệt được tổ chức tại nhà triển lãm trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Di sản ông để lại đa phần là các tác phẩm gửi gắm trong đó tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt.
Hoạ sĩ Tạ Thúc Bình (1917 – 1998) sinh tại phủ Lạng Thương (nay là TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) trong một gia đình có truyền thống hội hoạ. Ông học khoá 15 (1941 – 1945) Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cùng lớp với các hoạ sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm… Sau đó, ông tham gia kháng chiến, lập xưởng tranh tuyên truyền cho cách mạng. Ông cũng là người tham gia thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và liên tục giảng dạy tại đây cho đến khi nghỉ hưu. Hoạ sĩ Tạ Thúc Bình cũng là một trong những hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Tranh của ông đậm hồn Việt, thuần Việt, nhẹ nhàng và tươi mới, nhưng cũng nặng tình quê. Di sản ông để lại đa phần là các tác phẩm gửi gắm trong đó tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt: Thời bình ông vẽ tranh phong cảnh, tĩnh vật, tranh tứ bình; Kháng chiến ông vẽ tranh cổ động, tuyên truyền, không lúc nào cây cọ bị lãng quên. Đến những năm cuối đời, tác phẩm ông vẽ vẫn chứa đựng sự bình dị, hồn hậu và trong trẻo như chính tấm lòng mình.
Triển lãm lần này trưng bày gần 100 tác phẩm, gồm tranh cổ động, trực hoạ, tam bình, tứ bình, phong cảnh làng quê, bìa sách lịch sử, truyện thiếu nhi của Nhà Xuất bản Kim Đồng… bằng chất liệu sơn dầu, lụa, bột màu, than chì, thuốc nước… Trong số đó, có những tác phẩm nổi tiếng như “Góp thóc vào kho”, “Mừng hội làng”, “Mùa lúa chín”…
Bích Việt