Triều Tiên sửa hiến pháp về chính sách hạt nhân để 'đảm bảo quyền tồn tại'
(CLO) Triều Tiên đã thông qua sửa đổi hiến pháp để thực hiện chính sách của mình về năng lực hạt nhân, theo hãng thông tấn nhà nước KCNA của Triều Tiên đưa tin vào thứ Năm (28/9).
Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên, tức Quốc hội Triều Tiên, đã nhất trí thông qua tại cuộc họp kéo dài hai ngày về việc sửa đổi hiến pháp quy định rằng Triều Tiên "phát triển vũ khí hạt nhân để đảm bảo quyền tồn tại" và “quyền tự chủ", cũng như "ngăn chặn chiến tranh".

Hội nghị Nhân dân Tối cao của Triều Tiên họp tại ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên vào ngày 27 tháng 9 năm 2023. Ảnh: KCNA
“Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi thường bất cứ điều gì”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói trước Quốc hội Triều Tiên.
Ông kêu gọi "tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân cũng như triển khai chúng vào các dịch vụ khác nhau", đồng thời nói rằng Mỹ đã đi đến mức cực đoan trong các hành động khiêu khích quân sự bằng các cuộc tập trận và triển khai khí tài quân sự trong khu vực.
Việc sửa đổi này được đưa ra một năm sau khi Triều Tiên chính thức quy định trong luật về quyền tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu để tự bảo vệ mình, một động thái mà ông Kim Jong Un nói sẽ khiến tình trạng hạt nhân của nước này trở nên "không thể đảo ngược".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được các đại biểu Hội nghị Nhân dân Tối cao của Triều Tiên hoan nghênh sau khi thông qua luật bảo vệ các chính sách vũ khí hạt nhân vào ngày 8 tháng 9 năm 2022. Ảnh: KCNA
Ông Kim Jong Un kêu gọi các quan chức tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các quốc gia chống lại Mỹ, tố cáo sự hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là "NATO phiên bản châu Á".
Trong bài phát biểu của mình, ông Kim Jong Un cũng cho biết rằng việc cải cách nền kinh tế đất nước đang là “nhiệm vụ cấp bách nhất đối với Chính phủ” và kêu gọi ngành nông nghiệp làm việc chăm chỉ hơn để nâng cao phúc lợi cho người dân.
Ông Kim Jong Un đã trở về nước vào tuần trước sau chuyến đi tới Nga, trong đó ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế.
Hôm thứ Ba vừa rồi, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cảnh báo Triều Tiên không nên sử dụng vũ khí hạt nhân, khi phát biểu tại lễ duyệt binh quy mô lớn đầu tiên trong một thập kỷ, với các loại vũ khí từ tên lửa đạn đạo đến xe tăng cùng diễu hành trên đường phố Seoul.
Bùi Huy (theo KCNA, Reuters, Yonhap)