Triều Tiên vừa thử nghiệm tên lửa siêu thanh
(CLO) Phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Tư (29/9) rằng Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một tên lửa bay siêu thanh mới, đây sẽ là bước tiến mới nhất của quốc gia được trang bị vũ khí hạt nhân trong công nghệ vũ khí.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên cho biết vụ phóng hôm thứ Ba (28/9) có "ý nghĩa chiến lược to lớn", khi Triều Tiên tìm cách tăng cường khả năng quốc phòng lên "gấp ngàn lần".

Quan chức hàng đầu Pak Jong Chon tại cuộc duyệt binh vào tháng 1/2021 - Ảnh: KCNA
Tên lửa siêu thanh di chuyển xa hơn và nhanh nhẹn hơn những tên lửa thông thường, khiến chúng khó bị các hệ thống phòng thủ tên lửa - mà Mỹ đang chi hàng tỷ USD cho nhiệm vụ đánh chặn.
Vụ phóng từ tỉnh Jagang đã "khẳng định khả năng kiểm soát điều hướng và độ ổn định của tên lửa", cùng với "khả năng cơ động dẫn đường và các đặc tính bay lượn của đầu đạn siêu thanh siêu âm tách rời" và động cơ, theo KCNA.
"Kết quả thử nghiệm đã chứng minh rằng tất cả các thông số kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu thiết kế", KCNA nói thêm.
Vụ phóng tên lửa, được xác định là Hwasong-8, được quan chức hàng đầu Pak Jong Chon theo dõi, và không đề cập đến nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tờ báo chính thức của Triều Tiên, Rodong Sinmun, đã đăng một bức ảnh về vũ khí mới khi nó đang bay lên bầu trời buổi sáng ngày 28/9.
Quân đội Hàn Quốc đã thông báo về vụ phóng ngay sau khi nó diễn ra vào hôm thứ Ba, nhưng họ không chính thức tiết lộ độ cao tối đa và khoảng cách bay của tên lửa sau đó.
Báo chí Hàn Quốc trích dẫn các nguồn tin không xác định cho biết quả đạn có "tính năng bay khác biệt" so với các vụ phóng trước đó và Tổng thống Moon Jae-in kêu gọi "phân tích toàn diện" sự kiện này.
Cả hai miền Triều Tiên đang rơi vào tình trạng căng thẳng khi cả hai đều tăng cường khả năng vũ khí với các đợt thử nghiệm tên lửa liên tục trong thời gian gần đây.
KCNA cho biết, phát triển tên lửa siêu thanh là một trong năm nhiệm vụ "ưu tiên hàng đầu" trong kế hoạch 5 năm về vũ khí chiến lược.
Thử tên lửa từ tàu ngầm
Seoul cũng đang chi hàng tỷ USD cho phát triển quân sự và mới đây họ đã bắn thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), trở thành một trong số ít các quốc gia có công nghệ tiên tiến này.
Hôm thứ Ba (28/9), Hàn Quốc đã tổ chức một buổi lễ hạ thủy tàu ngầm SLBM thứ ba của mình.
Washington và Seoul là đồng minh an ninh và Mỹ vẫn đang bố trí khoảng 28.500 quân để bảo vệ Hàn Quốc trước nguy cơ xung đột quân sự với nước láng giềng anh em.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán giữa Bình Nhưỡng và Washington hầu như đi vào bế tắc kể từ khi hội nghị thượng đỉnh năm 2019 ở Hà Nội giữa nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump sụp đổ, vì các biện pháp trừng phạt và những điều mà Triều Tiên sẵn sàng từ bỏ để đổi lại.
Kể từ đó, Bình Nhưỡng đã nhiều lần khiến Hàn Quốc và tổng thống Moon phải thất vọng, thậm chí Triều Tiên còn cho phá hủy một văn phòng liên lạc ở khu vực biên giới mà Seoul đã xây dựng.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden, người lên án vụ phóng hôm thứ Ba (28/9) là vi phạm lệnh trừng phạt và là mối đe dọa đối với cộng đồng quốc tế, đã nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng gặp các quan chức Triều Tiên ở “bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào”, không cần điều kiện tiên quyết, trong nỗ lực tìm kiếm phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên Triều Tiên không cho thấy sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí của mình, điều mà nước này nói rằng họ cần để tự vệ trước cuộc xâm lược của Mỹ.
Nguyễn Hoàng (Theo France24)