Tin tức

Trình Quốc hội về sửa Hiến pháp, đề xuất chỉ định Chủ tịch UBND tỉnh sau sáp nhập

Quốc Trần 07/05/2025 10:34

(CLO) Sáng 7/5, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, đề xuất Thủ tướng chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh sau sáp nhập.

Theo đó, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 7/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

202505070808529941_z6575928332930_bb7616852b69f56a0c7ec17f90a97d0b.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 có 02 điều, Điều 1 tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, sửa đổi, bổ sung các quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình dự kiến sắp xếp, sáp nhập.

"Ủy ban đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày 1/7/2025. Để kịp thời thể chế hóa các kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban đề nghị trong dự thảo Nghị quyết cần có quy định chính thức tuyên bố việc kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện...", ông Nguyễn Khắc Định nêu rõ.

z65759916866908dbc3fbdad20baaea23a07e20dc8f277-17465854968222030420994.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp gồm 2 điều.

Đáng chú ý, theo Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, khi kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2025, thì không tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND), Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Uỷ ban nhân dân (UBND) tại đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp; không bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Căn cứ vào thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hình thành sau sắp xếp và chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng các Ban của HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Thường trực HĐND cấp xã chỉ định Ủy viên UBND của đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

202505070808530098_z6575928417304_688266823ec6509ddb3f116777f16c23.jpg
Các đại biểu dự phiên họp.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật, pháp lệnh

Về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (tại điều 9, 84), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, để làm rõ vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam tại điều 9.

"Việc này để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam.

Đồng thời quy định Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh tại khoản 1 điều 84 của Hiến pháp năm 2013 để thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung điều 9 nêu trên", ông Định nêu rõ.

Cũng tại dự thảo Nghị quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung các điều 111, 112, 114 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND; không sử dụng thuật ngữ cấp chính quyền địa phương” để thể hiện tính thống nhất về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, tránh gây nhầm lẫn, tạo ra các cách hiểu khác nhau về tổ chức chính quyền ở địa phương; rà soát, chỉnh lý một số quy định để phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn. Cơ bản giữ nguyên các quy định về nguyên tắc tổ chức và chế độ làm việc của HĐND và UBND cấp tỉnh, cấp xã như hiện nay.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Việc chất vấn của đại biểu HĐND sẽ tập trung vào UBND (Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND) để nâng cao hiệu quả hoạt động trên thực tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trình Quốc hội về sửa Hiến pháp, đề xuất chỉ định Chủ tịch UBND tỉnh sau sáp nhập
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO