Trĩu nặng gánh “lộc rừng” nơi sơn cước

Thứ hai, 11/10/2021 07:08 AM - 0 Trả lời

(CLO) Vất vả băng rừng, lội suối từ sáng sớm tinh mơ với chiếc gùi trên lưng cùng con dao rựa, những đôi chân thoăn thoắt không biết mỏi của bà con dân tộc vùng sơn cước xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) lại bắt đầu hành trình “săn tìm” lộc rừng.

Cứ bắt đầu mùa mưa, từ tháng 7 đến tháng 9 (âm lịch) hàng năm, trong những khu rừng sơn cước xã Thạch Kiệt, như hẹn trước, tua tủa những mầm măng nứa đồng loạt đội đất, vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Thời điểm này cũng là lúc bà con nông dân xong xuôi công việc đồng áng nên họ tranh thủ vào rừng hái “lộc” đem ra chợ bán kiếm thêm thu nhập.

Băng rừng tìm măng

5h30 sáng, khi bóng tối còn tĩnh mịch, sương còn đọng ướt trên các tán lá, cũng như bao người dân khác, bà Hà Thị Nhàn (xóm Chiềng, xã Thạch Kiệt) cùng con dâu dậy sớm, lùa vội bát cơm, đi ủng, xách dao, đeo gùi để vào rừng hái măng. 

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 1

Để tránh muỗi, vắt… nên đi hái măng phải ăn mặc kín đáo, áo dài tay, trùm khăn kín đầu, chân đeo ủng, mang theo dao và gùi đựng.

Theo chân bà Nhàn, phóng viên cũng len lỏi qua những con đường mòn trơn trượt, nhầy nhụa sau mưa, băng qua nhiều khe nước với những mỏm đá phủ đầy rêu. Trên đường đi, dễ gặp nhiều phụ nữ rong ruổi vào rừng lấy măng, nấm. Họ vui vẻ trò chuyện, phăng phăng bước đi. Lấp ló trong đoàn người đó, tôi còn thấy những đứa trẻ đôi chân nhỏ bé sải bước lên núi một cách hồn nhiên, lưng cũng đeo gùi theo người lớn vào rừng.

“Đến mùa măng, đa phần trẻ con ở đây, tranh thủ ngày nghỉ học đều theo bố mẹ vào rừng kiếm măng để có tiền mua sách vở, trang bị học tập. Nhìn chúng nhỏ bé thế thôi chứ thuần thục bẻ măng, bóc vỏ, chẳng kém gì người lớn. Có những hôm trời mưa, nhìn chúng thương lắm, đôi chân tím ngắt, ngón chân cong lại bám chặt vào mặt đường để khỏi trơn ngã, bàn tay thì rớm máu vì bị gai cào xước”, bà Nhàn kể.

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 2

Nhờ thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp, măng nứa Tân Sơn khi ăn giòn, có vị ngọt pha lẫn chút đắng nhẹ đọng lại nơi đầu lưỡi mà không phải nơi nào cũng có được.

Đi bộ chừng hơn 30 phút, ai nấy cũng đều hướng mắt tập trung, nhanh tay tìm dưới thảm mục khô phủ kín khóm nứa để lấy những ngọn măng non mới mọc. Lách qua mấy bụi cỏ, luồn mình dưới thân tre già, bà Nhàn bắt đầu dùng dao đào bới mầm măng.

“Măng mới nhô lên mặt đất phải đào bới, măng cao được 20cm dùng chân đạp và cao hơn nữa thì dùng dao chặt. Muốn tìm măng ngon phải tìm tới những bụi lồ ô có lá to, nằm ở khu vực thoáng đãng, đặc biệt là cạnh các con suối. Không chỉ cần sức khỏe, thông thạo địa hình, người lấy măng còn phải có con mắt tinh, đôi chân khỏe và đôi bàn tay khéo léo”, bà Nhàn cho biết.

Với kỹ năng của mình, bà Nhàn tay thoăn thoắt dùng dao cắt những ngọn măng, sau đó lột sạch vỏ, lộ ra búp măng trắng bóc, rồi bỏ vào chiếc gùi sau lưng.

Miệt mài luồn từ bụi này sang bụi khác, bà Nhàn vừa thở vừa nói: “Lấy măng phải biết xoay vòng ở mỗi vùng trong rừng. Hôm nay lấy bụi này, mai phải lấy bụi khác, mấy ngày sau mới quay lại bụi ban đầu. Nếu đào sạch thì bụi tre sẽ không phát triển được. Đây là lộc của rừng, mình hái hết là tận diệt, nên phải biết bảo vệ rừng thì rừng mới có lộc cho mình chứ”.

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 3

Vỏ măng thường rất ngứa nên khi bóc phải có kinh nghiệm, nhanh tay lột sạch vỏ, sau đó, dùng dao rựa để xắt phần non của búp măng.

“Nhà nào đông người đi bẻ, mỗi ngày có thể thu về 25-30kg măng tươi. Giá thì tùy vào thời điểm nhưng thường dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Đây coi như là số tiền lớn từ trời rơi xuống để có thể lo được mấy việc nhà, chứ dịch bệnh này làm gì ra tiền”, bà Nhàn kể thêm.

“Mấy năm gần đây, măng nứa trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Thế nên, mùa măng đến là niềm vui của bà con nơi đây, có tiền trang trải cuộc sống và cho con đi học”, một người phụ nữ đi lấy măng cùng trải lòng.

Những gùi măng trĩu nặng mồ hôi

Sau hơn 4 giờ vượt rừng, hai mẹ con bà Nhàn đã hái được một gùi măng nặng trĩu. Vạt áo, khăn mũ, quần áo của họ ướt sũng mồ hôi và lấm lem đất, khuôn mặt đỏ bừng vì nóng…

Để kịp bán măng cho lái buôn, họ nhanh chóng xuống núi về nhà để nấu chín. Đường lên đã khó, đường xuống còn vất vả hơn nhiều. Dốc dựng đứng, trên lưng mỗi người còn đang phải gùi thêm 10-15 kg măng tươi nên từng bước đi cũng phải chậm dãi và cẩn thận hơn. Đường về nhà ngang qua con suối, cũng là lúc hai mẹ con tranh thủ nghỉ ngơi và rửa sạch măng khỏi bùn đất, ráo nước để mang về nhà.

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 4

Khi về ngang qua suối, bà Nhàn nghỉ ngơi và rửa sạch măng.

Chỉ những vết sẹo, vết trầy xước trên tay, bà Nhàn nói vui đó là "kỷ niệm" của những lần đi rừng. Bà Nhàn nói: “Vất vả lắm, hái măng là chấp nhận sống chung với muỗi, vắt, rắn, rết, ong và nhiều rủi ro khác…Mỗi chuyến vào rừng nhiều khi gặp mưa trơn trượt, bụi gai, gốc nứa cứa vào làm chân tay bị cào xước, chảy máu. Càng vào sâu, càng ẩm ướt, vắt càng nhiều, bám vào chân người hút máu. Và cũng có nhiều trường hợp, khi vào rừng hái măng bị rắn độc cắn, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu".

"Nhưng biết làm sao, sống nhờ rừng và niềm vui được bù đắp là những buổi trở về với chiếc bao trĩu nặng vài chục cân măng trên vai”, bà Nhàn vui vẻ kể.

Về đến hiên nhà lúc 11 giờ nhưng khuôn mặt ai cũng chẳng có vẻ gì là mệt mỏi. Bà Nhàn còn bấm tay lẩm nhẩm: “15.000 đồng/kg thì chừng này mình cũng có hơn 250.000 đồng rồi…”.

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 5

Cả năm chỉ được một vài tháng hái "lộc" rừng, bởi vậy ai cũng cố gắng bẻ được nhiều măng nhất, kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Chị Phùng Thanh Thủy – con dâu bà Nhàn nói: “Măng cắt xong sẽ luộc luôn để giữ được độ ngọt. Hơn nữa, luộc măng phải có kinh nghiệm, bỏ nước mồi lửa đúng cách thì măng mới chín đều và đẹp mắt, măng bán ra mới được giá”.

Chị Thủy cho biết thêm, hiện giá bán măng tươi, măng luộc chín khoảng 15.000- 20.000 đồng/kg. Nhằm bảo quản măng được lâu cũng như để giá măng được cao hơn, nhà chị còn chế biến thành măng chua, măng ớt, măng khô để bán dần. Vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, giá măng khô có thể lên đến 300.000 nghìn đồng/kg và thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. 

triu nang ganh loc rung noi son cuoc hinh 6

Măng tươi đi kiếm về được luộc chín để bán hoặc để phơi.

Ra về lúc chiều muộn, mùi măng luộc ngai ngái quyện với cái se lạnh của núi rừng, tôi bất giác nhớ tới câu nói của người dân nơi đây với bước chân liêu xiêu cùng với gánh măng rừng nặng trĩu trên vai: “Nghề hái măng nhọc nhằn, hiểm nguy lắm nhưng vì cuộc sống mưu sinh, chúng tôi “buộc” phải làm thôi!”.

Nguyễn Thúy

Bình Luận

Tin khác

Dự báo thời tiết ngày 17/4: Bắc Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng

Dự báo thời tiết ngày 17/4: Bắc Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng

(CLO) Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia: Dự báo thời tiết 17/4/2024, Bắc Bộ ngày nắng, có nơi nắng nóng. Trong đó, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình nắng nóng và nắng nóng gay gắt.

Đời sống
Quảng Ninh: Sẽ hoàn thành 4 dự án trọng điểm trong năm 2024

Quảng Ninh: Sẽ hoàn thành 4 dự án trọng điểm trong năm 2024

(CLO) Thông tin trên do lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh trình bày tại Hội nghị thông tin báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức vào chiều ngày 16/4 tại thành phố Hạ Long.

Đời sống
Tiếp tục giao Đoàn thanh niên vận hành các ki-ốt tại biển Sầm Sơn

Tiếp tục giao Đoàn thanh niên vận hành các ki-ốt tại biển Sầm Sơn

(CLO) Chiều 16/4, UBND TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) tổ chức thông tin về hoạt động du lịch năm 2024. Trong đó, đơn vị này dự kiến tổ chức hơn 17 sự kiện văn hóa, lễ hội du lịch.

Đời sống
Quảng Nam tung gói kích cầu du lịch 2024 gần 10 tỉ đồng

Quảng Nam tung gói kích cầu du lịch 2024 gần 10 tỉ đồng

(CLO) Chiều 16/4, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức công bố chương trình kích cầu thu hút khách du lịch 2024 "Quảng Nam - Miền xanh Di sản" nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với địa phương này.

Đời sống
Bắc Ninh tháo dỡ 10 công trình sụt lún ven đê hữu Cầu

Bắc Ninh tháo dỡ 10 công trình sụt lún ven đê hữu Cầu

(CLO) Để hạn chế tối đa sạt lở diễn ra tại bờ sông Cầu (phường Vạn An), TP. Bắc Ninh đã bắt đầu tháo dỡ 7 ngôi nhà đã bị sụt lún, 3 nhà lân cận có nguy cơ tiếp tục sụt lún.

Đời sống