"Trong kinh tế chỉ cần chậm 1 bước sẽ lùi lại 4 đến 5 bước!”

Thứ năm, 23/09/2021 10:27 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, việc nới lỏng các biện pháp chống dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới là rất cần thiết. Nhưng để thành công, người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng chống dịch.

Nới lỏng giãn cách có kiểm soát

Hiện nay nhiều địa phương đang thực hiện nới lỏng giãn cách, từng bước hồi phục dần kinh tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Tại TP. Hồ Chí Minh, những quận, huyện vùng xanh, thậm chí các quận nội thành nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất đã được phép hoạt động trở lại có kiểm soát.

Tại Hà Nội, sau thời gian dài kiểm soát nghiêm theo Chỉ thị 16, ngày 21/9 thành phố đã nới lỏng, chuyển sang áp dụng Chỉ thị 15, người dân được đi lại tự do, nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ được mở cửa.

Việc Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương chủ trương nới lỏng giãn cách vừa phản ánh công tác chống dịch đang đạt được một số thành tựu nhất định. Nhưng cũng cho thấy được sự thay đổi trong quan điểm chống dịch chuyển dần sang tâm thế “sống chung với dịch” có kiểm soát. Sự thay đổi này đang nhận được sự quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Phó trưởng Ban Dân nguyện (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) - ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc nới lỏng giãn cách xã hội là vấn đề rất cần thiết đối với Hà Nội. Hiện, Hà Nội đã công bố kiểm soát được dịch bệnh và có khả năng kiểm soát được dịch khi thực hiện nới lỏng giãn cách. Việc này có ý nghĩa rất lớn, tránh được tình trạng nền sản xuất cũng như đời sống xã hội bị đóng băng.

trong kinh te chi can cham 1 buoc se lui lai 4 den 5 buoc hinh 1

Người dân cần nêu cao ý thức khi thực hiện chủ trương “sống chung với dịch”.

Tôi cho rằng, việc nới lỏng giãn cách là đúng khi Hà Nội đã có kết quả tiêm vắc-xin mũi một đến hơn 70% người dân. Trong công tác chống dịch, hiện cũng đã có kinh nghiệm và thực lực hơn nên không thể giữ mãi tình trạng đóng băng xã hội .

Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách không có nghĩa buông lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Việc nới lỏng giãn cách cần đảm bảo cho xã hội trở lại sinh hoạt nhưng  phải tuân thủ công tác phòng chống dịch. Đó là vấn đề có tính nguyên tắc.

Công tác phòng chống dịch trong bối cảnh mới phải đảm bảo nguyên tắc phát hiện nhanh, kịp thời, điều trị tốt cho người bị lây nhiễm và đảm bảo vấn đề an sinh xã hội.

Việc trở lại trạng thái sống chung với dịch thì các biện pháp thông thường thực hiện 5T, 5K phải giữ nguyên. Không có chuyện, đi ra đường không đeo khẩu trang hay ra đường một cách tùy tiện mà khi cần thiết mới ra đường” – ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.

Bàn về việc nới lỏng giãn cách trong phòng chống dịch, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Tiến sĩ Phan Tân (Công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, sống chung với dịch là xu hướng chung của các nước trên thế giới, nhưng nhận thức thế nào là “sống chung” vẫn còn mơ hồ trong cộng đồng.

Điều lo ngại, không ít nơi này nơi khác đã có những biểu hiện chủ quan với dịch bệnh, như hình ảnh hàng dài người xếp hàng không bảo đảm giãn cách để mua bánh Trung thu, rồi ra đường quá đông như “biển người đổ xô lên phố cổ Hà Nội đi chơi trung thu”... Bên cạnh đó, trái ngược với biểu hiệu chủ quan thì nhiều người dân lo ngại thái quá về tình hình dịch bệnh, không dám làm gì, đi đâu.

Theo tôi, cái quan trọng nhất bây giờ là chính quyền các cấp phải tuyên truyền làm sao để người dân có tâm thế “sống chung với dịch”. Tức chấp nhận những người xung quanh đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus, sẽ có tâm thế ứng xử đúng đắn với trạng thái bệnh. Không mang tâm lý bị lo sợ, hoảng loạn. Cũng như phải tuân thủ nguyên tắc 5K trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, khi chưa có miễn dịch cộng đồng là những hành vi cần được nghiêm túc thực hiện” – Tiến sĩ Phan Tân nêu ý kiến.

Tạo đà để khôi phục kinh tế, hội nhập với quốc tế

Đồng quan điểm, nguyên Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, hiện quan điểm của Chính phủ phải hòa nhập dần từng bước để đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tại sao phải hòa nhập từng bước vì hiện nay ý thức của người dân, quan điểm, sự hiểu biết về dịch bệnh vẫn còn nhiều vấn đề như việc nhiều người vẫn không thực hiện 5K, doanh nghiệp thì lơ là chống dịch.

Giờ muốn phát triển, quay lại bình thường chắc chắn phải mở cửa, nới lỏng giãn cách. Song song với việc phủ vắc xin cộng đồng thì người dân và doanh nghiệp phải hiểu được trách nhiệm của mình trong chống dịch. Quan điểm chúng ta chống dịch “bỏ vùng sang điểm”, vì nếu tiếp tục chống dịch theo quan điểm cũ phong tỏa diện rộng thì sẽ trả giá về sự chậm chạp trong phát triển kinh tế, cùng nhiều hệ lụy khác về xã hội là rất lớn.

trong kinh te chi can cham 1 buoc se lui lai 4 den 5 buoc hinh 2

Hiện vấn đề vắc-xin, thuốc, năng lực y tế của chúng ta đã trưởng thành so với trước đây nên có thể yên tâm sống chung với dịch bằng cách nới lỏng có kiểm soát từng bước. Nhưng mỗi người dân và doanh nghiệp cũng phải tự ý thức tuân thủ quy tắc chống dịch. Có như vậy, việc nới lỏng, có kiểm soát mới đạt yêu cầu” - ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, khi người lao động đã tiêm 1 mũi vắc-xin thì cần cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, không nên đòi hỏi phải hai mũi vắc-xin. Các nhà máy, xí nghiệp chống dịch trong trạng thái mới cũng sẽ không có chuyện một người F0 thì nghỉ cả nhà máy. Với điều kiện như hiện nay có thể thay đổi cách quản lý, cho phép vừa chống dịch vừa sản xuất.

Chúng ta không nên hoang mang khi có 1 hay 2 người trong nhà máy nhiễm bệnh. Thậm chí có 5 đến 7 người là F0. Việc nới lỏng nhưng không phải là buông lỏng mà nới lỏng có cơ sở vì điều kiện chống dịch của chúng ta đã phát triển hơn trước (kinh nghiệm, thuốc, vắc-xin, năng lực y tế đã có bước tiến).

Việc phải nới lỏng là tất yếu nếu không sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực. Nếu trong kinh tế chỉ cần chậm 1 bước sẽ lùi lại 4 đến 5 bước. Mọi người cần phải hiểu vấn đề để ủng hộ chính quyền. Với xu thế nới lỏng hiện nay, tôi đồng tình với việc các thành phố trọng tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương dần nới lỏng giãn cách.

Bản thân các doanh nghiệp phải tự hiểu và đưa ra quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát bệnh riêng để đánh giá. Thế giới giờ quay lại sống như vậy, nếu chúng ta không trở lại thì chúng ta mới là không bình thường” – ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng cho rằng: “Vấn đề chống dịch và khôi phục sản xuất quan trọng như nhau. Trên cơ sở một người quản lý doanh nghiệp, tôi cho rằng tất cả doanh nghiệp phải đặt vấn đề sống chung với dịch và phát triển bền vững, đặt ra tình huống xấu nhất vẫn duy trì được sản xuất.

Hiện không có cách nào khác là buộc phải hội nhập, sống chung, trên cơ sở quản lý, kiểm soát có phòng ngừa, hạn chế rủi ro. Chống dịch không chỉ trách nhiệm riêng của Nhà nước mà của cả cộng đồng, của từng doanh nghiệp.

Việc nới lỏng các biện pháp chống dịch, khuyến khích người dân thực hiện 5K, lao động, sản xuất trên tinh thần hiểu vấn đề, hạn chế nhất lây nhiễm và tiêm vắc-xin. Trong thời gian tới, công tác nhập vắc-xin, thuốc chữa bệnh sẽ tốt hơn nên càng có cơ sở để nới lỏng và hội nhập kinh tế”.

Qua trao đổi với các chuyên gia có thể thấy, việc nới lỏng giãn cách, sớm đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới là xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh mới, người dân và doanh nghiệp cần có ý thức hơn trong phòng chống dịch. Có như vậy thì việc khôi phục kinh tế mới đạt yêu cầu.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

Việt Nam có cơ hội “nghìn năm có một” tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp bán dẫn

(CLO) Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Kinh tế vĩ mô
VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng điện tăng cao trở lại

(CLO) Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024, trong đó có các tháng cao điểm mùa khô.

Kinh tế vĩ mô
Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

Ngân hàng thế giới kiến nghị Việt Nam sớm xử lý các ngân hàng yếu kém

(CLO) Ngày 23/4, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức buổi công bố điểm lại kinh tế Việt Nam tháng 4/2024, với chuyên đề "Đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo".

Kinh tế vĩ mô
Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

Thái Bình xúc tiến đầu tư tại Hungary

(CLO) Tỉnh Thái Bình mong muốn được hợp tác toàn diện với các đối tác, nhà đầu tư Hungary, trong đó đi sâu trao đổi, xuất nhập khẩu hàng hóa, giao lưu văn hóa, hợp tác giáo dục, đào tạo, y tế.

Kinh tế vĩ mô