Trong ngắn hạn, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng
(CLO) Trong ngắn và trung hạn giá dầu sẽ còn khuynh hướng đi lên, do các tác động từ một số xung đột chính trị trên toàn cầu.
Theo quy luật của của thị trường, bất kỳ sự xung đột chính trị nào xảy ra trên thế giới đều tác động tiêu cực đối với thị trường chứng khoán và giá cả các mặt hàng nhiên liệu, như xăng, dầu, khí đốt,...
Đơn cử, vào năm 2022, xung đột giữa Nga - Ukraine đã khiến giá xăng dầu có lúc tăng tới 115 USD/thùng, thị trường chứng khoán ở hầu hết các quốc gia đều giảm mạnh. Phải sau nửa năm, giá nhiên liệu, thị trường chứng khoán mới lấy được thế cân bằng.

Trong ngắn hạn, giá xăng dầu có thể tiếp tục tăng. (Ảnh RT)
Vừa qua, sự xung đột tại Israel tiếp tục giáng 1 đòn mạnh vào thị trường nhiên liệu, tuy nhiên thị trường chứng khoán lại tăng theo chiều ngược lại.
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, những xung đột chính trị vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như thị trường hàng hóa.
Phiên thứ Hai đầu tuần chúng ta thấy giá dầu cũng đã có mức tăng khá mạnh hơn 4%, đâu đó xấp xỉ quay trở lại mức đỉnh cũ ban đầu. Như vậy, với áp lực tăng của giá dầu, ít nhiều lạm phát sẽ khá lớn.
Theo ông Minh, trong ngắn và trung hạn giá dầu sẽ còn khuynh hướng đi lên. Tuy nhiên, về dài hạn, ông Minh kỳ vọng giá dầu sẽ sớm hạ nhiệt trở lại.
Bởi vì, trong năm 2022 yếu tố giúp cho giá dầu tăng rất mạnh, ngoài yếu tố xung đột giữa Nga - Ukraine, còn đến từ việc tiết cung của các nước lớn, ví dụ trong đó có Arab Saudi và Nga đang hạn chế lượng cung trên toàn cầu.
“Đây mới là yếu tố chính khiến giá nhiên liệu trong năm 2022 tăng mạnh”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Minh, cũng trong năm 2022, một số nền kinh tế lớn gây thất vọng khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm đã giúp giá nhiên liệu hạ nhiệt trở lại.
Thời gian gần đây những sự căng thẳng về tình hình địa chính trị, ông Minh cho rằng, đây sẽ là một yếu tố tác động đến tình hình diễn biến giá dầu trong ngắn hạn. Do đó, lạm phát ít nhiều cũng sẽ là một gánh nặng của thị trường và kinh tế trong giai đoạn tới.
“Tuy nhiên câu chuyện dài hạn hơn là tình trạng và dấu hiệu tiết cung của các nước lớn cũng đang bắt đầu đến những giai đoạn cuối cùng của chu kỳ, tức là họ đang nới lỏng nguồn cung và xuất khẩu trở lại. Tôi kỳ vọng đây là một yếu tố có thể sớm kìm hãm xu hướng tăng của giá dầu”, ông Minh nói.
Trong kỳ điều chỉnh xăng dầu hôm qua (11/10), giá xăng trong nước bất ngờ giảm rất mạnh, thêm 1.600 - 1.800 đồng/lít, tùy loại. Nhờ đó, giá dầu giảm xuống 23.000 đồng/lít.