Trồng rừng gỗ lớn vì mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế và hấp thu khí nhà kính

16/12/2019 14:41

(CLO) Tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng diện tích tự nhiên là 502.629,7ha, trong đó tổng diện tích đất có rừng 311.051,0 ha với độ che phủ rừng 57,34%, diện tích rừng trồng là 98.870,64ha, chiếm hơn 31% diện tích đất có rừng.

Trong những năm gần đây, nhiều chủ rừng đã chú trọng hoạt động trồng rừng gỗ lớn hướng đến cấp chứng chỉ rừng FSC. Ưu điểm của mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao cho các hộ gia đình, tạo công ăn việc làm, giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển một cách bền vững; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái thông qua hoạt động tăng cường trữ lượng cac-bon rừng từ rừng trồng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng FSC, qua đó góp phần thực hiện thành công Kế hoạch hành động REDD+ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Giảm phát thải và chuyển quyền giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2025.

1

Tuy nhiên hiện nay, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 7.768,3ha, trong đó Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong 3.096,4ha, của nhóm hộ gia đình là 4.671,9ha. So với diện tích rừng trồng hiện có, diện tích rừng trồng tham gia FSC còn rất thấp, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, do đó cần đẩy mạnh triển khai trồng rừng gỗ lớn trong thời gian tới. Theo kế hoạch đến hết năm 2020, diện tích rừng trồng gỗ lớn là 16.000ha, trong đó tỷ lệ được cấp chứng chỉ rừng FSC so với diện tích rừng gỗ lớn đạt 9.000ha rừng trồng sản xuất sử dụng giống lâm nghiệp thân thiện với môi trường.

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ, chu kỳ ngắn sang trồng rừng gỗ lớn, chu kỳ dài, cần tiếp tục đẩy mạnh và thực thi quyết liệt một số giải pháp cụ thể như sau:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu tuyển tập các loài cây trồng lâm nghiệp thích hợp cho mỗi vùng sinh thái khác nhau, có khả năng tăng trưởng nhanh, tạo sinh khối lớn, có năng suất chất lượng cao; trong đó chú ý trồng rừng bằng cây giống bản địa có giá trị kinh tế cao và cây con thân thiện với môi trường;

Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác xã lâm nghiệp bền vững. Trong bối cảnh đất lâm nghiệp hiện nay tại địa phương được phân chia hộ gia đình với quy mô nhỏ lẻ, để đảm bảo sản xuất và kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị, thì điều kiện tiên quyết là phải có diện tích đủ lớn để hình thành vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất, chế biến chuyên sâu, bán ra thị trường trong và ngoài nước nhằm làm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp. Vì vậy, thành lập các HTX lâm nghiệp bền vững với cổ đông là các hộ sản xuất trong xã là giải pháp thích hợp nhất để tạo vùng nguyên liệu tập trung để kinh doanh rừng trồng theo chuỗi giá trị vừa quản trị tốt tài nguyên rừng, vừa tạo ra thu nhập cao hơn trên mảnh đất các hộ gia đình sử dụng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp…;

Tập trung nâng cao năng lực trồng rừng gỗ lớn và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thay đổi nhận thức sử dụng gỗ hợp pháp, tập quán sử dụng gỗ từ rừng tự nhiên sang rừng trồng;

Tập trung thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ và quản trị doanh nghiệp tham gia trồng rừng gỗ lớn, thúc đẩy việc cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC);

Xây dựng và ban hành nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ với chu kỳ ngắn sang kinh doanh gỗ lớn với chu kỳ dài, hỗ trợ cây giống chất lượng cao, thân thiện với môi trường, hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng FSC để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và tiếp cận thị trường thế giới.

Bảo Thi

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trồng rừng gỗ lớn vì mục tiêu nâng cao giá trị kinh tế và hấp thu khí nhà kính
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO