Trưng bày chuyên đề ‘Bút sắc, lòng son’ tôn vinh người chiến sĩ cộng sản
(CLO) Trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” kể những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã biến những dòng thư, vần thơ thành vũ khí sắc bén, vượt qua xiềng xích, hướng tới tự do.
Ngày 16/7, Ban Quản lý Di tích nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son”.
Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025) và chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025).

Trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” gồm ba nội dung: "Trong chốn lao tù"; "Bút sắc, lòng son" và "Gắn kết yêu thương".
Xuyên suốt các nội dung trưng bày là những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ yêu nước, cách mạng bằng tài năng và sự sáng tạo đã biến những dòng thư, vần thơ, bài viết thành vũ khí sắc bén, vượt qua xiềng xích, hướng tới tự do.
Tinh thần và ý chí ấy đã góp phần lan tỏa, tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau về lòng dũng cảm, chiến thắng bản thân và vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong cuộc sống.
Ở nội dung đầu tiên “Trong chốn lao tù”, Ban tổ chức giới thiệu hình ảnh một số nhà tù mà kẻ thù từng sử dụng để giam giữ các chiến sĩ yêu nước, cách mạng Việt Nam.
Đó là nhà tù Hỏa Lò được mệnh danh là “Địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896; nhà tù Côn Đảo xây dựng năm 1862; Khám Lớn ở Sài Gòn - biểu tượng cho nền thống trị trực tiếp của thực dân Pháp ở Nam Kỳ; trại giam Chín Hầm - nơi chính quyền Ngô Đình Diệm dùng để tra tấn, thủ tiêu các chiến sĩ cách mạng từ năm 1954 - 1963; nhà đày Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp lập ra năm 1930.
Nội dung thứ hai “Bút sắc, lòng son” giới thiệu 10 chiến sĩ yêu nước, cách mạng đã dùng ngòi bút để phản ánh hiện thực cuộc sống, sự tàn khốc của chế độ nhà tù và lòng yêu nước thiết tha.
Trên chiến trường khói lửa hay ở nơi tù ngục, những người chiến sĩ yêu nước, cách mạng như: Nguyễn An Ninh, Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Thụ, nhà thơ - nhà báo Thôi Hữu... vẫn không lùi bước trước gian lao, luôn giữ vững tinh thần lạc quan để sáng tác thơ, viết thư, và cả bí mật làm báo.

Phần trưng bày chủ đề “Gắn kết yêu thương”, tái hiện hình ảnh những năm tháng chiến tranh khốc liệt, những dòng thư, câu thơ không chỉ là nguồn sức mạnh tinh thần giúp người chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, mà còn là minh chứng cho tinh thần lạc quan và ý chí kiên cường…
Trưng bày chuyên đề “Bút sắc, lòng son” diễn ra đến hết ngày 31/8, tại Di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội.