Tiêu điểm Quốc tế

Trừng phạt leo thang, đối thoại bế tắc: Căng thẳng Nga - EU chưa có lối ra

Hùng Anh 22/05/2025 11:16

(CLO) Gói trừng phạt Nga mới nhất của Liên minh châu Âu (EU), được phê duyệt ngày 20/5. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các biện pháp này chủ yếu mang tính biểu tượng và sẽ không gây tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Gói trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với 75 cá nhân và pháp nhân, cũng như 189 tàu bị cáo buộc thuộc “hạm đội bóng tối” dùng để lách cấm vận dầu mỏ.

Nga phản ứng gì trước gói trừng phạt thứ 17 của EU?

Sau khi EU thông qua gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga, Moscow lập tức chỉ trích động thái này là thiếu hiệu quả và phản tác dụng. Theo phía Nga, chính châu Âu mới là bên đang tự gây tổn hại kinh tế khi theo đuổi chính sách trừng phạt kéo dài.

814-202505221039161.jpg
Căng thẳng EU - Nga chưa có lối thoát. Ảnh: Izvestia

Phát biểu với tờ Izvestia, ông Vladislav Maslennikov, Giám đốc Bộ phận các vấn đề châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nga, cho rằng EU không dám thừa nhận thất bại và đang cố duy trì ảnh hưởng qua các biện pháp tượng trưng. Ông cảnh báo rằng kể cả khi xung đột Ukraine kết thúc, việc dỡ bỏ cấm vận sẽ không diễn ra dễ dàng, do áp lực chính trị nội bộ trong EU.

Trong khi đó, Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Rodion Miroshnik nhận định sự khác biệt giữa Mỹ và EU đang ngày càng rõ rệt. Washington vẫn duy trì đối thoại với Moscow, trong khi châu Âu - theo lập luận của phía Nga - lại làm chậm tiến trình hòa bình.

Gói trừng phạt lần này bổ sung 75 cá nhân và tổ chức vào danh sách hạn chế, nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng, công nghệ cao, năng lượng và tài chính. Đáng chú ý, EU áp lệnh cấm cả với 189 tàu thuộc “hạm đội bóng tối” bị nghi dùng để vận chuyển dầu Nga lách trừng phạt. Một số công ty tại các quốc gia thứ ba cũng bị ảnh hưởng do bị nghi tham gia trung chuyển hàng hóa.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Alexander Frolov (Viện Năng lượng Quốc gia), những hạn chế này chủ yếu tạo ra khó khăn tạm thời. Hậu cần có thể được tái cơ cấu trong vòng vài tháng, và Nga đã phần nào thích nghi với các đòn trừng phạt từ phương Tây. Thực tế cho thấy Nga đã nhanh chóng chuyển hướng xuất khẩu sang châu Á, đồng thời tăng tỷ lệ thanh toán bằng đồng rúp và các loại tiền tệ “thân thiện”, hiện chiếm khoảng 83% thương mại quốc tế của nước này.

Giới phân tích cho rằng, gói trừng phạt mới thể hiện quyết tâm chính trị của EU, nhưng hiệu quả thực tế đang bị đặt dấu hỏi. Khi cơ chế lách trừng phạt ngày càng tinh vi, và Nga đã xây dựng được các kênh thay thế thương mại, đặc biệt với châu Á, trừng phạt có nguy cơ trở thành công cụ mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.

Mỹ và EU: Sự khác biệt trong chiến lược

Trong khi EU vừa phê duyệt gói cấm vận thứ 17 nhằm vào Nga, thì phía Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, vẫn chưa có động thái rõ ràng ủng hộ các biện pháp tương tự. Điều này làm dấy lên lo ngại trong giới lãnh đạo châu Âu về sự thiếu nhất quán trong chính sách phương Tây đối với Moscow.

Ngay trước khi EU thông qua gói cấm vận mới, giới quan sát phương Tây đã đánh giá mức độ tác động sẽ không vượt xa gói trừng phạt thứ 16. Báo Handelsblatt của Đức gọi đây là một “sự đồng thuận tối thiểu” sau nhiều tuần đàm phán nội bộ, cho thấy sự phân hóa trong nội bộ EU về cách tiếp cận đối với Nga.

Trong khi đó, Nhà Trắng vẫn tỏ ra dè dặt. Tối 19/5, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, trong đó hai bên thảo luận về tiến trình hòa bình tại Ukraine. Theo nguồn tin của Axios, sau cuộc gọi này, ông Trump thông báo với các nhà lãnh đạo châu Âu và Tổng thống Zelenskyy rằng ông không có ý định áp đặt lệnh trừng phạt mới, do tin rằng Moscow đang nghiêm túc với các nỗ lực đàm phán.

814-202505221039162.jpg
Lãnh đạo Mỹ - Nga có cuộc điện đàm vào ngày 19/5. Ảnh: Izvestia

Nguồn tin này cho biết phản ứng từ các lãnh đạo châu Âu là “ngạc nhiên và sốc”, đặc biệt trước giọng điệu tích cực mà Tổng thống Trump dành cho phía Nga. Trong khi đó, phía EU, cụ thể là Đức và Pháp, tiếp tục kêu gọi Mỹ gia tăng sức ép kinh tế lên Nga để buộc nước này chấp nhận ngừng bắn.

Thư ký báo chí Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhận định rằng các nhà lãnh đạo châu Âu “đang tìm cách lôi kéo Tổng thống Trump về phía họ”, trong khi bản thân ông Trump vẫn giữ lập trường tương đối trung lập và ưu tiên các nỗ lực đối thoại.

Mặc dù vậy, không thể loại trừ khả năng Mỹ sẽ thay đổi quan điểm. Một số nghị sĩ, như Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đề xuất các biện pháp mạnh hơn, bao gồm tăng thuế nhập khẩu lên đến 500% đối với các nước mua năng lượng và hàng hóa từ Nga. Ngoài ra, các gói viện trợ quân sự cho Ukraine vẫn tiếp tục được thực hiện theo các quyết định đã được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

Chuyên gia Alexey Fenenko từ Đại học Tổng hợp Moscow nhận định: “Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần rằng trừng phạt sẽ không sớm kết thúc. Cuộc đối đầu giữa Nga, Mỹ và EU đang bước vào giai đoạn dài hạn”.

Rõ ràng, lập trường của Tổng thống Trump cho thấy một chiến lược thận trọng, ưu tiên đàm phán hơn là đối đầu. Tuy nhiên, áp lực từ các đồng minh châu Âu và phe “diều hâu” trong Quốc hội Mỹ có thể buộc ông phải thay đổi lập trường nếu các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không đạt kết quả rõ ràng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trừng phạt leo thang, đối thoại bế tắc: Căng thẳng Nga - EU chưa có lối ra
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO