Trung Quốc hy vọng kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

01/10/2023 06:38

(CLO) Các quan chức Trung Quốc nhận định Tuần lễ vàng, kỳ nghỉ lễ dài nhất trong năm sẽ giúp vực dậy nền kinh tế đất nước nhờ nhu cầu mua sắm và du lịch kỷ lục.

Tuần lễ vàng, kỳ nghỉ lễ dài nhất của Trung Quốc kết hợp giữa Trung thu và Quốc khánh, bắt đầu từ ngày 29/9 và kéo dài tới 6/10. Trước đây, tầng lớp trung lưu Trung Quốc thường ồ ạt đi nghỉ lễ ở nước ngoài, trong khi người lao động, công nhân nhà máy cũng đổ ra ga tàu, bến xe để về quê.

trung quoc hy vong ky nghi tuan le vang se thuc day tang truong kinh te hinh 1

Ảnh minh họa: GenK.

Giá tiêu dùng quay trở lại vùng tích cực

Fred Neumann, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC cho biết: “Kỳ nghỉ lễ này sẽ là một thử thách. Không chỉ là câu chuyện đi đến nhà hàng và thưởng thức một bữa ăn ngon cùng bạn bè; vấn đề thực sự là liệu người dân sẽ dành một chút chi tiêu cho thiết bị gia dụng và ô tô, cho đến căn hộ hay không”.

Theo các nhà phân tích của Citi, vào tháng 8, giá tiêu dùng đã quay trở lại vùng tích cực và lợi nhuận công nghiệp đã đảo ngược mức giảm trước đó để tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tích cực đầu tiên kể từ tháng 7/2022 và cao nhất kể từ tháng 11/2021. Tốc độ giảm xuất khẩu cũng giảm bớt.

Quan trọng nhất, doanh số bán nhà mới tại 30 thành phố hàng đầu của nước này đã tăng trong tháng 9, mặc dù các nhà kinh tế cảnh báo rằng xu hướng này rất mong manh khi số lượng nhà mới xây vẫn giảm.

Họ cũng chỉ ra rằng giá địa ốc ở các thành phố hạng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu, có thể được hưởng lợi từ các thành phố nhỏ hơn, nơi nhu cầu và khả năng chi tiêu thấp hơn.

Các nhà phân tích của Nomura viết trong một lưu ý: “Sự gia tăng vừa phải trong giao dịch mua nhà ở các thành phố hàng đầu có thể gây thêm sức ép cho các thành phố cấp thấp”, đồng thời nói thêm rằng sự xuất hiện của giảm phát có thể là do giá hàng hóa và chi phí năng lượng cao cũng như đồng tiền yếu hơn.

Du lịch dự kiến bùng nổ

Các quan chức đã dự đoán sự gia tăng du lịch, với tờ Nhân dân Nhật báo do nhà nước điều hành dự báo sẽ có 800 triệu chuyến đi, trong đó có 21 triệu người di chuyển bằng đường hàng không – nhiều hơn số lượng những người đã đi máy bay trong suốt tháng 10 năm ngoái.

Truyền thông nhà nước cũng cho rằng sẽ có 190 triệu hành khách đi trên đường sắt Trung Quốc, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi lưu lượng giao thông đường cao tốc hàng ngày dự kiến sẽ tăng 40%.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã khai mạc kỳ nghỉ lễ vào tối thứ Năm với bài phát biểu cam kết “mở rộng” nhu cầu trong nước - trọng tâm đối với các nhà đầu tư lo lắng về mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư của Trung Quốc.

Các nhà kinh tế cho rằng Tuần lễ Vàng sẽ nối tiếp những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, sau khi đất nước rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng 7 và xuất khẩu sụt giảm.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Hang Seng Trung Quốc, cho biết các lễ hội trước đây trong năm nay, bao gồm kỳ nghỉ lễ tháng Năm và Lễ hội thuyền rồng, đã tạo ra tổng doanh thu du lịch cao hơn so với trước đại dịch. Tuy nhiên, mức tiêu dùng trung bình của mỗi người đã giảm 10% và 14% trong những ngày nghỉ lễ đó.

trung quoc hy vong ky nghi tuan le vang se thuc day tang truong kinh te hinh 2

Tuần lễ vàng được coi là kỳ nghỉ dài nhất nhì ở Trung Quốc. Ảnh: GenK.

“Lần này tâm lý người tiêu dùng có vẻ tốt hơn – lượng đặt vé máy bay quốc tế và đặt vé máy bay nội địa đều vượt mức năm 2019. Tất cả các tín hiệu này đều tích cực”, ông Wang nói.

Các nhà kinh tế cho biết, nếu Tuần lễ Vàng có thể mang lại tăng trưởng tiêu dùng, thì tác động lan tỏa tích cực trong quý 4 có thể giúp nền kinh tế đạt hoặc vượt nhẹ mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội 5% của Chính phủ trong năm nay. Nhưng hoạt động BĐS cũng cần phải tăng tốc để phục hồi bền vững niềm tin của người tiêu dùng.

“Kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng có vẻ như là một trong những ngày lễ bận rộn nhất từ trước đến nay”, ông Tristan Zhuo, nhà kinh tế trưởng tại China Citic Bank International nhận định. Đồng thời, vị này cho rằng “ hoạt động sản xuất cũng đang bắt đầu ổn định nhưng tôi nghĩ hiện tại trọng tâm chính vẫn là lĩnh vực địa ốc”.

Một phong vũ biểu về tâm lý sẽ là hoạt động ở Hồng Kông và Ma Cao, những điểm đến truyền thống quan trọng đối với khách du lịch đại lục.

Theo nhà phân tích Mark Leung của UBS, giá phòng khách sạn hạng sang trung bình tại các khu mua sắm lớn nhất Hồng Kông (Trung Quốc) cao hơn tới 35% so với tháng 5, phản ánh nhu cầu chi tiêu lớn hơn.

Tuy nhiên, chi tiêu bình quân đầu người được dự báo sẽ vẫn yếu do đồng nhân dân tệ mất giá so với đồng đô la Hồng Kông cũng như thay đổi mô hình chi tiêu khi du khách theo đuổi trải nghiệm không phải mua sắm.

Tại Ma Cao (Trung Quốc), dự báo doanh thu sòng bạc “khá lạc quan”, với hơn 90% phòng khách sạn sòng bạc của thành phố được đặt trong tuần này, theo nhà phân tích DS Kim của JPMorgan, người cho biết ngành này đang mong đợi “tổng doanh thu cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19".

Nhưng đối với Tony Li và gia đình anh, những người sẽ đến thăm Hồng Kông (Trung Quốc) trong tuần này từ Quảng Châu, những tác động kinh tế vĩ mô đối với việc chi tiêu không thể nào xa hơn trong tâm trí họ. Đây là kỳ nghỉ đầu tiên họ đến lãnh thổ này kể từ năm 2017 và họ dự định tham quan Disneyland cũng như các bảo tàng lớn mới ở đó.

Điệp Nguyễn (Theo FT)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc hy vọng kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO