Trung Quốc khởi công siêu đập thủy điện lớn hơn cả đập Tam Hiệp
(CLO) Trung Quốc vừa chính thức khởi công một siêu dự án thủy điện trên dòng sông chảy qua Tây Tạng và Ấn Độ, với quy mô được dự báo sẽ vượt cả đập Tam Hiệp – công trình thủy điện lớn nhất thế giới hiện nay.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hôm thứ Bảy (19/7) có mặt tại Lâm Chi, Tây Tạng để tham dự lễ khởi công công trình. Dự án này được Bắc Kinh phê duyệt từ tháng 12 năm ngoái, xây dựng trên dòng sông Nhã Lỗ Tạng Bố – tên gọi tại Tây Tạng của con sông Brahmaputra khi chảy sang Ấn Độ.
Theo chính phủ Trung Quốc, công trình này nằm trong chiến lược lớn nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Tạng.

Khi hoàn thành, con đập mới dự kiến sẽ vượt quy mô đập Tam Hiệp – nằm trên sông Dương Tử ở miền trung Trung Quốc – với hệ thống gồm 5 nhà máy thủy điện và tổng mức đầu tư lên tới 167,1 tỷ USD.
Lượng điện sản xuất hằng năm có thể đạt gần 300 tỷ kilowatt giờ (kWh), hơn gấp ba lần sản lượng hiện tại của đập Tam Hiệp là 88,2 tỷ kWh – con số đang giữ kỷ lục toàn cầu về công suất lắp đặt.
"Điện tạo ra chủ yếu sẽ được truyền tải đến các khu vực khác để tiêu thụ, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện tại địa phương", hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết.
Tuy nhiên, dự án đã làm dấy lên quan ngại tại các quốc gia ở hạ lưu, đặc biệt là Ấn Độ và Bangladesh – nơi hàng triệu người dân phụ thuộc vào nguồn nước từ dòng Brahmaputra. Tháng 1 vừa qua, chính phủ Ấn Độ xác nhận đã bày tỏ quan ngại với phía Trung Quốc về công trình này, đồng thời nhấn mạnh sẽ “giám sát và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình”.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết thêm họ đã kêu gọi Trung Quốc “đảm bảo lợi ích của các quốc gia hạ lưu sông Brahmaputra không bị tổn hại bởi các hoạt động ở khu vực thượng nguồn”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định dự án sẽ không gây ra “tác động tiêu cực” nào đối với khu vực hạ lưu, đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh “sẽ duy trì liên lạc với các quốc gia ở hạ lưu sông”.
Bên cạnh mối lo về dòng chảy, các nhà bảo vệ môi trường cũng lên tiếng cảnh báo về những hệ quả không thể đảo ngược mà một công trình quy mô khổng lồ như vậy có thể gây ra cho cao nguyên Tây Tạng – khu vực vốn rất nhạy cảm về mặt sinh thái.