Trung Quốc khởi động chiến dịch khai thác thạch anh quý hiếm
(CLO) Thạch anh tinh khiết cao, nguyên liệu quan trọng để sản xuất silicon, là nền tảng cho các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn và năng lượng mặt trời.
Giờ đây, loại khoáng sản này có thể được khai thác ngay tại Trung Quốc. Những phát hiện về tài nguyên khoáng sản quý hiếm và giá trị thường mất nhiều năm để mang lại hiệu quả thực tế. Hiện tại, điều này đang diễn ra với thạch anh tinh khiết cao, một khoáng sản có tầm quan trọng chiến lược đối với tham vọng công nghệ cao và công nghiệp của Trung Quốc.

Năm năm sau khi lần đầu tiên phát hiện nguồn thạch anh có thể khai thác trong nước, loại khoáng sản này đã được Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc chính thức công nhận là khoáng sản thứ 174 được phép khai thác của đất nước.
Do thiếu các mỏ trong nước, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu thạch anh quý hiếm. Tuy nhiên, việc phát hiện hai nguồn trong nước vào các năm 2020 và 2021 đã mở đường cho việc chính thức công nhận khoáng sản này, qua đó có thể dẫn đến nhiều phát hiện tương tự trong tương lai.
Theo Tân Hoa Xã, việc công nhận các khoáng sản mới có thể thúc đẩy hiệu quả việc thăm dò, khai thác, thiết lập quyền khai thác và thu hút đầu tư xã hội. Hai khoáng sản gần đây nhất được công nhận – khí đá phiến và băng cháy – sau đó đã trải qua quá trình thăm dò và khai thác nhanh chóng.
Đối với các loại đá thạch anh đặc biệt này, độ tinh khiết của chúng rất cao, có thể được chế biến để sản xuất silicon với độ tinh khiết ít nhất 99,995%, đáp ứng yêu cầu ứng dụng của các ngành công nghiệp chất bán dẫn và năng lượng mặt trời, theo Bộ Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc.
Viện sĩ Mao Tĩnh Văn của Viện Kỹ thuật Trung Quốc nói với CCTV: "Thạch anh tinh khiết cao sở hữu các tính chất độc đáo bao gồm khả năng chịu nhiệt, chống ăn mòn, hệ số giãn nở nhiệt thấp, cách điện cao và độ thấu quang trong suốt",
"Điều này làm cho nó trở thành một vật liệu nền tảng không thể thiếu cho các ngành công nghiệp chiến lược mới nổi như chất bán dẫn và năng lượng mặt trời, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cạnh tranh công nghệ cao giữa các quốc gia", ông Mao bổ sung.
Trung Quốc là nước nhập khẩu thạch anh tinh khiết cao nhiều nhất thế giới, với thị phần tăng lên 47% vào năm 2021 và khối lượng thương mại nhập khẩu gần như tăng gấp đôi từ 1,4 tỷ USD năm 2019 lên khoảng 2,7 tỷ USD vào năm 2022.
Mỹ và Đức, là hai quốc gia xuất khẩu cốt lõi phục vụ các trung tâm sản xuất trên khắp châu Á, chiếm lực lượng chủ đạo trong nguồn cung thạch anh tinh khiết cao và nắm giữ gần 60% tổng xuất khẩu toàn cầu. Trong khi đó, xuất khẩu thạch anh tinh khiết cao của Trung Quốc chỉ chiếm 6% vào năm 2023.
Trên thế giới, Brazil dẫn đầu về trữ lượng thạch anh tinh khiết cao, chiếm khoảng 28% toàn cầu, tiếp theo là Mỹ và Canada, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan (Trung Quốc) công bố vào tháng 8.
Trung Quốc sở hữu tài nguyên khoáng sản thạch anh phong phú nhưng thiếu các mỏ thạch anh tinh khiết cao quy mô lớn, với chỉ 0,93% tài nguyên thạch anh của quốc gia hiện tại là loại khoáng sản chất lượng cao phù hợp để tinh chế.