Trung Quốc kiên trì với Zero Covid bất chấp nhiều thách thức

Thứ sáu, 22/10/2021 16:36 PM - 0 Trả lời

(CLO) Trung Quốc vẫn đang theo đuổi quyết liệt chính sách “Zero Covid”, hay “Không Covid” và họ đã giành được rất nhiều thành công. Tuy nhiên, việc lựa chọn "nhổ tận gốc" Covid khiến nước này phải đối mặt với rất nhiều thách thức và hiểm họa ở phía trước.

Áp lực với xã hội và kinh tế

Một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu ở Trung Quốc có kết quả dương tính với Covid-19 trong khi đi du lịch đã khởi đầu một chiến dịch truy vết trên nhiều tỉnh và khu vực. Đây là ví dụ mới nhất về những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt khi họ tìm cách duy trì chính sách “Không Covid”.

trung quoc kien tri voi zero covid bat chap nhieu thach thuc hinh 1

Trung Quốc kiên trì với chiến lược zero Covid - Minh họa: Brian Wang

Chỉ trong vòng 3 ngày, từ khi cặp vợ chồng đã có kết quả dương tính ở Tây An vào thứ Bảy tuần trước, hàng trăm người tiếp xúc gần và 5 người bạn đồng hành của họ - những người sau đó đã có kết quả dương tính - đã được xác định.

Trong 72 giờ đó, một loạt thành phố mà cặp vợ chồng đi qua hoặc có tiếp xúc đã tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Cả một cảng đất liền cũng bị buộc ngừng hoạt động. Các địa điểm du lịch mà nhóm đến thăm cũng bị đóng cửa để khử trùng.

Thông tin chi tiết về các chuyến bay và khách sạn mà nhóm du lịch sử dụng, cũng như các điểm dừng chân tại các nhà hàng vịt quay và tiệm mì, đều được công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức. Tất cả những người có đường di chuyển trùng lặp với nhóm du lịch của cặp vợ chồng nói trên đều phải tiến hành khai báo.

Tất cả điều đó đều nằm trong chiến lược khẩn cấp của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Việc sử dụng các biện pháp như vậy đã trở nên thường xuyên gần đây, khi một vài vụ bùng phát và các trường hợp lây nhiễm lẻ tẻ vẫn diễn ra - thường liên quan tới biến thể Delta có khả năng lây truyền cao.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu ngăn chặn đến cùng sự lây lan của Covid-19, quyết đưa số ca nhiễm trở về 0 - mục tiêu cuối cùng của chính phủ. Họ cũng tiếp tục bác bỏ xu thế được ngày càng nhiều quốc gia áp dụng là: “Sống chung với Covid”.

Tuy nhiên, những rắc rối liên quan tới cặp vợ chồng nói trên, những người vẫn chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm, cho thấy việc duy trì chính sách này khó khăn như thế nào. Nó gây ra áp lực lớn, gây căng thẳng lên cả xã hội và kinh tế, khi mà các thành phố và người dân lúc nào cũng ở trong tình trạng báo động.

Hiểm họa trong mùa đông

Bất chấp những thách thức, các chuyên gia đều tin rằng ít nhất trong vài tháng tới trước khi Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội Mùa đông, sẽ không có bất kỳ thay đổi sâu rộng nào trong chính sách dịch bệnh của Trung Quốc.

Các quan chức y tế Trung Quốc đều cho thấy điều đó trong các bình luận gần đây. Giám đốc Gao Fu của Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) cho biết lập trường của đất nước là “chờ xem”, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng đã vượt quá 80%.

Tác dụng của vắc xin trong việc ngăn chặn sự lây lan Covid-19 cũng là một vấn đề trong chính sách “Không Covid”. Theo các nghiên cứu gần đây, mức độ kháng thể của vắc xin Sinovac vốn được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc sẽ suy giảm đáng kể sau 6 tháng.

Kwok Kin-on, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông nói: “Nếu kiên định với chính sách Không Covid, Trung Quốc phải suy nghĩ về sự suy yếu của vắc xin và tác động của biến thể Delta, hoặc các biến thể mới có thể gây ra những đợt bùng phát”.

Trong khi đó giáo sư Chen Xi cho biết thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn đến cùng Covid-19 lại chính là một thách thức cho nước này muốn mở cửa trở lại. Ông phân tích: “Vì họ đã thành công trong việc ngăn chặn virus, nên họ sẽ không có dữ liệu trong nước nào để đánh giá khi mở cửa. Ví dụ, tốc độ lây truyền và tỷ lệ tử vong là bao nhiêu?”.

Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi mà nguy cơ bùng dịch có thể tăng mạnh trong mùa đông. Hiện, số giường chăm sóc đặc biệt bệnh nhân Covid-19 ở Trung Quốc vẫn rất hạn chế so với nhiều quốc gia phương Tây.

Ông nói: “Ngay cả khi một tỷ lệ nhỏ trong 1,4 tỷ dân Trung Quốc phải nhập viện, nó cũng có thể làm sụp đổ hệ thống y tế. Đặc biệt điều tồi tệ nhất là khi bạn nhận ra có rất nhiều ca nhiễm, thì đã quá muộn”.

trung quoc kien tri voi zero covid bat chap nhieu thach thuc hinh 2

Người dân xét nghiệm virus Corona ở Cáp Nhĩ Tân, Trung Quốc, vào ngày 24 tháng 9 năm 2021 - Ảnh: AFP

Lập trường được giữ vững

Các quốc gia từng theo đuổi "Zero Covid" như New Zealand, Australia, Singapore đang lần lượt từ bỏ chiến lược này. Thay vì kiểm soát ca nhiễm, họ tập trung vào tiêm chủng để bảo vệ người dân khỏi mắc bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên, Trung Quốc không có dấu hiệu chuyển hướng giải quyết trong ngắn hạn, bất chấp việc họ trở thành nước cuối cùng theo đuổi chính sách "Không Covid". 

Các chuyên gia tin rằng, những thách thức của chiến lược “Không Covid” sẽ còn lớn hơn tới đây, khi các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc luôn thường trực, bởi nhiều quốc gia lân cận của họ đã mở cửa trở lại đường biên giới đất liền. Rồi sau đó là khả năng bảo vệ vắc xin suy yếu và các trường hợp bỏ sót tại địa phương.

“Thật may là Trung Quốc vẫn đã kiểm soát được dịch bệnh cho đến nay, nhưng rủi ro luôn ở đó”, Jin Dongyan, giáo sư tại khoa Y của Đại học Hồng Kông đánh giá.

Duy trì chính sách “Không Covid” cũng đồng nghĩa phải đảm bảo các sân bay và các điểm ra vào khác như tuyến phòng thủ đầu tiên, để chống lại các ca nhiễm nhập khẩu.

Chen Xi, phó giáo sư Trường Y tế Công cộng Yale, Mỹ, cho biết: “Với sách Không Covid, bất kỳ điểm yếu nhỏ nào có thể bùng phát ở cấp quốc gia. Nó làm cho nhiệm vụ trở nên khó khăn hơn. Sẽ có những sân bay và trung tâm vận tải nhỏ có ít kinh nghiệm đối phó với Covid”.

Ông nói thêm rằng nhiều quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc vẫn đang là điểm nóng về Covid-19. Tại phía tây nam Trung Quốc, một số ít ca nhiễm cục bộ và các đợt bùng phát đã được phát hiện ở các thành phố gần biên giới với Myanmar.

Ông Chen cho rằng đợt bùng phát vào mùa hè vừa rồi - lớn nhất Trung Quốc kể từ đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán – chính là do các yếu tố này, với các ca bệnh ban đầu liên quan đến nhân viên sân bay ở thành phố Nam Kinh.

Theo truyền thông địa phương, tại sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải, nơi xử lý khoảng một nửa số hàng hóa và thư từ cả nước, các nhân viên tuyến đầu có lịch trình làm việc rất phức tạp. Họ làm việc trong 14 ngày, rồi sau được cách ly tập trung trong 7 ngày và sau đó nghỉ thêm 7 ngày tại nhà.

Các biện pháp tương tự cũng được đưa ra đối với nhân viên ở một cơ sở kiểm dịch mới được xây dựng tại Quảng Châu. Đây là một trung tâm rộng lớn được sử dụng thay thế các khách sạn cho khách quốc tế trong thời gian cách ly 14 ngày.

Thậm chí, robot sẽ xử lý các công việc như giao đồ ăn. Các nhân viên phải ăn ở tại chỗ và làm việc trong 28 ngày, sau đó là 7 ngày kiểm dịch tập trung và 14 ngày kiểm dịch nữa tại nhà. Giáo sư Jin nói rằng, mặc dù các biện pháp kiểm soát khách du lịch và sân bay có thể làm giảm số ca nhiễm, nhưng “cái giá phải trả là không hề nhỏ”.

Chuẩn bị để tiếp tục chiến dịch "Không Covid"

Khi lựa chọn và kiên trì với chính sách "Không Covid", Trung Quốc đã xác định việc phải chấp nhận và trả giá, ví dụ như những đợt phong tỏa nghiêm ngặt, những cuộc xét nghiệm đại trà hay truy vết nhanh trên diện rộng, và đặc biệt là những ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Song, giới chức Trung Quốc cho biết họ sẽ không gắn bó mãi mãi với chiến lược "Không Covid". Có điều, họ sẽ chỉ xem xét điều chỉnh khi cách tiếp cận này không thể duy trì hoặc chi phí quá cao. Việc Trung Quốc xây dựng cơ sở cách ly chuyên dụng với sức chứa hàng nghìn du khách quốc tế báo hiệu rằng những hạn chế du lịch khó có thể được nới lỏng trong thời gian tới.

Trước nhiều dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch đang suy yếu từ các loại vắc xin bất hoạt, Trung Quốc đã bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin Covid-19 tăng cường khi 80% dân số đã tiêm đầy đủ 2 mũi. Theo đánh giá, việc tiêm mũi thứ 3 sẽ giúp người dân tăng cường đáng kể khả năng miễn dịch đối với Covid-19.

Điều này nói lên rằng Trung Quốc đã có kế hoạch đối phó với nguy cơ bùng phát của đại dịch. Khi đa số người dân được tiêm bổ sung, Trung Quốc hoàn toàn có thêm thời gian để đối phó dịch bệnh và tiếp tục duy trì chiến dịch "Không Covid".

Việc đặt mục tiêu “không Covid” đã giúp cuộc sống ở Trung Quốc trở lại bình thường trong hầu hết năm 2020 và 2021. Điều đó mang lại năng lượng cho nền kinh tế của nước này ngay cả khi hầu hết các quốc gia khác phải chịu tác động kinh tế nặng nề vì dịch bệnh.

Với những gì làm được, có vẻ như Trung Quốc sẽ vẫn nói không với Covid trong biên giới của mình cho đến ít nhất hết năm nay bất kể đại dịch diễn ra thế nào.

Hoàng Hải

Bình Luận

Tin khác

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

Vụ sập cầu Baltimore: Lời cảnh báo mới từ cây cầu cũ

(CLO) Con tàu container làm sập cây cầu Francis Scott Key ở Baltimore (Mỹ) không chỉ gây tắc nghẽn một cảng sầm uất mà còn nhắc nhở về sự mong manh, dễ tổn thương của dòng chảy thương mại toàn cầu.

Tiêu điểm Quốc tế
Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

Vì sao cầu Baltimore sập và những chi tiết đáng chú ý về vụ việc?

(CLO) Cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, Mỹ đã sập vào sáng sớm ngày 26/3 do bị một tàu chở hàng container đâm vào trụ cầu, khiến 6 người rơi xuống làn nước lạnh giá bên dưới và mất tích.

Tiêu điểm Quốc tế
Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

Nơi người Israel và Palestine đoàn kết và chung tay cứu trợ Gaza

(CLO) Trong khi tình hình Gaza, đặc biệt là thành phố Rafa, vẫn căng như dây đàn khi Israel quyết tiến vào đây để tiêu diệt các đơn vị Hamas, thì ở một thế giới khác, những người Israel và Palestine sống tại Đức đang… chung tay cứu trợ người dân Gaza.

Tiêu điểm Quốc tế
Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

Mỹ 'hụt hơi' trước Trung Quốc trong cuộc đua khai thác khoáng sản dưới biển sâu

(CLO) Dù sớm nhìn ra khả năng khai thác các khoáng sản quan trọng ở đáy biển sâu nhưng Mỹ đã bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong cuộc đua này. Và vì thế, Washington đang phải tăng tốc.

Tiêu điểm Quốc tế
ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

ISIS-K tàn bạo thế nào và tại sao tấn công khủng bố Moscow?

(CLO) Chi nhánh IS ở Afghanistan - hay còn được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorasan (ISIS-K) - đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu tại Moscow hôm 22/3. Vậy nhóm khủng bố này có gì đặc biệt và vì sao chúng lại ra tay?

Tiêu điểm Quốc tế