Thế giới 24h

Trung Quốc làm nóng cuộc đua tới Mặt trăng bằng đột phá công nghệ đo laser

Quang Anh 01/05/2025 06:23

(CLO) Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới đo được khoảng cách trong không gian Trái đất - Mặt trăng bằng laser vào ban ngày. Đây là bước đột phá quan trọng trong cuộc đua tới “Chị Hằng”.

Phòng thí nghiệm Thám hiểm Không gian sâu của Trung Quốc (DSEL) đã tiến hành một thí nghiệm đo khoảng cách bằng tia laser vào ngày 26-27/4 từ Trái đất đến vệ tinh Tiandu-1, vệ tinh này đang quay quanh Mặt trăng kể từ khi phóng vào tháng 3 năm ngoái, theo đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV.

Trung Quoc do khoang cach Mat trang - Anh 2
Phòng thí nghiệm thám hiểm không gian sâu của Trung Quốc (DSEL) đã đo thành công khoảng cách bằng tia laser từ Trái đất đến vệ tinh Tiandu-1 vào ban ngày. Ảnh: DSEL

Đo khoảng cách bằng tia laser vệ tinh là phương pháp đo khoảng cách đến các vệ tinh quay quanh quỹ đạo Trái đất, trong đó tia laser tại đài quan sát sẽ gửi các xung ánh sáng đến vệ tinh, sau đó các xung này phản xạ trở lại, cho phép tính toán khoảng cách.

việc tiến hành các thí nghiệm này trong không gian Trái đất - Mặt trăng trước đây chỉ giới hạn vào ban đêm vì ánh sáng ban ngày mạnh có thể gây nhiễu tín hiệu tia laser và khiến tín hiệu bị mất trong tiếng ồn xung quanh.

Cuộc thử nghiệm mà DSEL vừa thực hiện là cuộc thử nghiệm đo khoảng cách bằng tia laser từ Trái đất đến Mặt trăng đầu tiên trên thế giới trong điều kiện ánh sáng ban ngày mạnh.

Công nghệ đo khoảng cách bằng tia laser vệ tinh là một phần quan trọng của các sứ mệnh không gian trong tương lai vì đây là phương pháp chính xác nhất để xác định quỹ đạo của vệ tinh và có thể được sử dụng để hỗ trợ kiểm soát mạng lưới vệ tinh hoặc định vị tàu vũ trụ.

Theo DSEL, do khoảng cách lớn đến Trái đất và tốc độ của vệ tinh, việc tiến hành các thí nghiệm nhắm mục tiêu bằng tia laser trong không gian Trái Đất - Mặt Trăng giống như nhắm vào mục tiêu dưới một milimet, chẳng hạn như một sợi tóc, từ khoảng cách 10 km trong khi thực hiện các theo dõi chính xác.

DSEL cho biết cuộc thử nghiệm mới nhất có thể hỗ trợ các dự án như Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế, một căn cứ được Trung Quốc và Nga lên kế hoạch xây dựng để thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người tại cực nam của Mặt trăng.

Trung Quốc đặt mục tiêu đưa phi hành gia đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2030 và có thể tiến hành các hoạt động nghiên cứu tại cực nam của Mặt trăng vào năm 2035.

Vệ tinh Tiandu-1 được phóng vào không gian cùng với các vệ tinh Tiandu-2 và Queqiao-2 vào tháng 3 năm ngoái, nhằm giúp xác minh các công nghệ mới trong việc xây dựng hệ thống liên lạc và định vị Trái đất - Mặt trăng.

Quang Anh (theo SCMP, China Daily)

Theo SCMP, China Daily
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc làm nóng cuộc đua tới Mặt trăng bằng đột phá công nghệ đo laser
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO